Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới, cần phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc. Xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo. Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển và vùng ven biển gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời; vùng biển; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển.
Trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển, đảo phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, nhất là Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong quản lý, thực thi bảo vệ chủ quyền biển, đảo,
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Bám sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, trong nước để xác định nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp. Chú trọng tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; truyền thống đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc; đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật, phương châm, tư tưởng chỉ đạo, đối sách giải quyết các vấn đề biển, đảo của Đảng, Nhà nước Việt Nam...
Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, nhất là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc,. Chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ máu thịt quân – dân; thường xuyên chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho nhân dân.
Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, đấu tranh ngoại giao và pháp lý để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trên tinh thần giữ vững quan điểm, đường lối, nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo trong sách lược, nhằm tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược, tạo môi trường hòa bình trong khu vực. Tranh thủ sự ủng hộ của các nhà khoa học, lịch sử, địa lý và các nước trong khu vực và quốc tế về tính pháp lý, lịch sử của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Chủ động đàm phán, ký kết hiệp định với các nước có liên quan nhằm giải quyết những vấn đề mâu thuẫn đối với vùng biển chồng lấn, tranh chấp chủ quyền, tạo môi trường, cơ sở pháp lý trong đấu tranh không để phát sinh các điểm nóng./.
ĐVĐ