Thực trạng nhức nhối
Thông tin cá nhân có thể hiểu một cách đơn giản là những thông tin gắn liền với từng cá nhân, từ những thông tin cơ bản như họ tên, tuổi, hình ảnh, ngày tháng năm sinh, thói quen, nơi ở, số điện thoại, địa chỉ email, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, công việc, tài khoản ngân hàng..., đến những thông tin “nhạy cảm” như sở thích, quan điểm, niềm tin tôn giáo… Thông tin cá nhân (hay có thể gọi là dữ liệu cá nhân) cần phải được bảo vệ, nhưng không phải là để bảo vệ chính nội dung thông tin đó mà để bảo vệ tự do và các quyền cơ bản về dân sự, chính trị, xã hội, kinh tế của cá nhân liên quan đến thông tin ấy, tránh cho các quyền này bị xâm phạm một cách vô ý hoặc cố ý. Trong bối cảnh phát triển của không gian mạng hiện nay, bảo vệ dữ liệu cá nhân còn liên quan đến “quyền được quên lãng” và “quyền được tồn tại” của mỗi người trên không gian mạng.
Cùng với quá trình xây dựng chính phủ số, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng cũng trở thành một kho lưu trữ khổng lồ. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp bảo vệ tương xứng, đúng cách Nếu thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân không được bảo vệ, sẽ dẫn tới nguy cơ mất an toàn, thiệt hại cho cá nhân về thời gian, danh dự, tiền bạc, tài sản, thậm chí là tính mạng. Có thể thấy rõ điều đó qua việc người dùng bị quấy rầy bằng các hành vi tiếp thị, quảng cáo mời chào vay tiền, mua nhà, tham gia các khóa học.... – đây là hệ quả của tình trạng dữ liệu người dùng bị thu thập và thương mại hoá bất hợp pháp.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của người dân khi tham gia không gian mạng còn nhiều hạn chế. Thông tin cá nhân được cư dân mạng cung cấp “vô tư” ngay từ khi đăng ký sử dụng các ứng dụng mạng xã hội, các ứng dụng tiện ích, mua bán hàng online, tham gia các trò chơi trực tuyến… Trong quá trình giáo dịch trên mạng, nhiều người dùng chưa thật sự quan tâm đến uy tín của nhà cung cấp dịch vụ, lựa chọn những sử dụng dịch vụ của bên trung gian không uy tín, có chính sách bảo mật thông tin không tốt. Nhiều bạn trẻ dễ dàng click chuột vào nút “đồng ý” khi được yêu cầu các quyền truy cập dữ liệu (như danh sách bạn bè trên Facebook, hồ sơ cá nhân…) khi tham gia ứng dụng di động, game di động, ứng dụng bói toán/hẹn hò… mà không biết rằng mình vừa cung cấp quá nhiều quyền truy cập dữ liệu.
Nhiều ứng dụng có thể lưu trữ vị trí di chuyển, thu thập dữ liệu người dùng qua các hoạt động như tìm kiếm, check-in, mua sắm… thông qua dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, để từ đó xử lý và cung cấp cho người dùng những “đề xuất” dựa trên thói quen của họ và bán cho những bên thứ 3 cần mua để quảng cáo.. Việc cập nhật rất nhiều hoạt động trong ngày lên mạng xã hội, của người dùng đã trở thành thông tin hữu ích đối với tội phạm mạng; nhiều kẻ gian trên mạng đã sử dụng ảnh thật của người dùng mạng xã hội để tạo nên những tài khoản giả mạo, lừa chính bạn bè, người thân của chủ tài khoản.
Một số khuyến nghị
Trước những nguy cơ trên, người dùng cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của bản thân, gia đìnhh khi sử dụng không gian mạng. Điều đơn giản nhất có thể thực hiện là hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên không gian mạng; nếu bắt buộc phải cung cấp thông tin cá nhân thì cần sử dụng các cơ chế bảo mật thông tin (như xác thực tài khoản hai lớp của facebook…). Không sử dụng tài khoản mạng xã hội để đăng nhập vào các ứng dụng thứ ba khác.
Xây dựng cho mình thói quen dùng những phần mềm có bản quyền để không bị lộ, lọt thông tin cá nhân, không sử dụng dùng các phần mềm crack vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cài cắm virus, phần mềm gián điệp. Sử dụng các phần mềm diệt virus, diệt mã độc có bản quyền và được cập nhật thường xuyên để tránh bị mất thông tin quan trọng trong các thiết bị máy tính, điện thoại di động hay các thiết bị cá nhân có kết nối mạng internet.
Mỗi cá nhân cần ý thức bảo mật thông tin liên quan đến bản thân và người thân của mình, đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng ngừa kẻ xấu lợi dụng sơ hở để khai thác thông tin cá nhân của người dân nhằm thực hiện các hành vi phạm pháp.
Ở phạm vi rộng hơn, cần tập trung hoàn thiện quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trước mắt là sớm thông qua Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo), tiến tới ban hành Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, hành lang pháp lý an toàn để các doanh nghiệp thu thập, khai thác và sử dụng hợp pháp các thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan trong việc tôn trọng, bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng; chấn chỉnh tình trạng mua bán tràn lan thông tin cá nhân trên không gian mạng./.
Quang Minh