Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “ Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Thấm nhuần lời dạy đó của Người, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”. Giáo dục và đào tạo có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển và truyền bá văn minh nhân loại., là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người.. Với vai trò và vị trí to lớn ấy, việc đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái về giáo dục và đào tạo, bảo vệ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng về giáo dục, đào tạo đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian gần đây, lợi dụng một số vụ việc đơn lẻ xảy ra trong ngành giáo dục, các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, bôi nhọ hệ thống giáo dục của Việt Nam. Trước hết là xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước về Giáo dục và Đào tạo. Một số yếu kém trong Giáo dục và Đào tạo được họ khai thác triệt để, cho rằng đó là do lỗi của sự lãnh đạo và quản lý, ở đây họ chỉ nhìn thấy lỗi, thấy khuyết điểm mà không hề thấy những thành quả to lớn của giáo dục đã đạt được, những thành quả đó là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Mặt khác, họ còn xuyên tạc là do thể chế chính trị tác động, giáo dục nặng về chính trị, tư tưởng cho nên chương trình, nội dung nặng nề và họ đòi bỏ phần giáo dục lý luận chính trị. Thực chất, bất cứ nền giáo dục nào cũng đều phải hướng đến mục tiêu đào tạo ra những thế hệ nguồn nhân lực có lý tưởng, biết vì dân tộc, vì quốc gia mình trên cơ sở nắm vững tri thức khoa học của nhân loại.
Họ thổi phồng một số hiện tượng tiêu cực, yếu kém trong Giáo dục và Đào tạo, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào giáo dục nước nhà, cũng là giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Hiện nay, cả hệ thống chính trị cũng như ngành Giáo dục và Đào tạo đang đổi mới tự làm lành mạnh, trong sạch bên trong; quá trình này tất yếu phải loại bỏ những yếu tố tiêu cực, cản trở sự phát triển, đương nhiên những cái đó cần được lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc lên án này không được quy chụp cho cả hệ thống chính trị và ngành giáo dục, không được xuyên tạc từ một vài hiện tượng để đi đến kết luận bản chất. Hiện tượng tiêu cực trong giáo dục có ở mọi quốc gia, mọi nền giáo dục, ngay ở các nước phương Tây và Mỹ cũng không tránh được những hiện tượng này. Việc vi phạm pháp luật trong tuyển sinh ở một số địa phương vừa qua tại các tỉnh phía Bắc đã có pháp luật giải quyết, không được nhân đó bôi nhọ thanh danh của một số đồng chí lãnh đạo, vơ thêm các địa phương khác đang rất nghiêm túc, rất minh bạch trong công tác này.
Bên cạnh đó, các đối tượng kích động khuynh hướng sùng ngoại, bài nội trong vấn đề giáo dục, một số người chưa biết giáo dục các nước như thế nào, nhưng lại nức tiếng khen họ và chê bai nền giáo dục nước nhà. Một số khác cố gắng dành dụm để cho con mình ra nước ngoài học bằng được để mong con mình hơn con người; cứ tưởng học được như vậy là tài và nói xấu, chê bai giáo dục nước nhà, cho là lạc hậu, yếu kém; học xong không trở về quê hương để phục vụ, đóng góp sáng kiến cho dân tộc phát triển. Giáo dục nước ngoài mặt này, mặt khác tiến bộ khi chúng ta nhìn vào, nhưng chưa chắc đã mang lại hiệu quả trong điều kiện cụ thể của nước ta, cho nên chúng ta chỉ có thể tham khảo, tiếp thu những điểm, những cách làm xét thấy phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, chúng ta không đóng cửa mà sẳn sàng giao lưu với các nền giáo dục khác, nhưng cũng không thái quá trong vấn đề mở cửa giáo dục. Nguy hiểm hơn, họ còn đòi loại bỏ các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi chương trình đào tạo; giảng viên, sinh viên phải được tự do về tư tưởng, không bị chi phối hoặc phụ thuộc vào bất cứ hệ tư tưởng nào.
Từ những luận điệu xuyên tạc trên, để đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo hiện nay, thiết nghĩ trước hết chúng ta cần phải tập trung quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo trong hệ thống chính trị. Nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Coi trọng công tác phát triển đảng, công tác chính trị, tư tưởng trong các trường học, trước hết là trong đội ngũ giáo viên. Bảo đảm các trường học có chi bộ, đảng bộ. Cấp ủy trong các cơ sở giáo dục - đào tạo phải thực sự đi đầu đổi mới, gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về việc tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Lãnh đạo nhà trường phát huy dân chủ, dựa vào đội ngũ giáo viên, viên chức và học sinh, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương để xây dựng nhà trường.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học. Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Chuyển mạnh quá trình giáo dục phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ, phù hợp quy luật khách quan; chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả.
Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo. Phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách. Thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.
Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.
Phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới./.
Hải An