Cảnh báo này là cần thiết, nhưng thiết nghĩ nội dung cảnh báo như thế không nên chỉ gửi đến người dân sử dụng thẻ căn cước công dân cho các hoạt động bình thường trong cuộc sống. Cần phải đưa ra những yêu cầu chặt chẽ hơn cho những nơi sử dụng thẻ căn cước công dân vào mục đích xác minh nhân thân của một người trước khi tiến hành các giao dịch dân sự.
Cứ nghĩ mà xem, trong cuộc sống hàng ngày có biết bao lần chúng ta phải để lại thẻ căn cước công dân cho một nơi khác giữ trong một thời gian, như vào chung cư cao cấp; vào thuê phòng khách sạn, khu nghỉ dưỡng; vào một số cơ quan, công sở. Một số dịch vụ trước khi thực hiện đều yêu cầu chụp lại thẻ căn cước công dân; còn chuyện nộp bản sao là một yêu cầu khá phổ biến. Trong những trường hợp này, làm sao ngăn ngừa kẻ xấu chụp lại thẻ căn cước công dân hay thậm chí chụp lại bản sao một khi đã có ý đồ từ trước.
Vấn đề là làm sao loại trừ được việc lợi dụng hình ảnh thẻ căn cước công dân để làm chuyện xấu. Chẳng hạn, nếu kẻ gian có thể chỉ cần hình chụp hai mặt của thẻ để mở tài khoản ngân hàng thì bản thân ngân hàng đó phải rà soát lại quy trình mở tài khoản, loại trừ khe hở này ngay lập tức. Thậm chí, thiết nghĩ các ngân hàng nên bỏ hình thức mở tài khoản trực tuyến vì xác minh nhân thân của người chủ tài khoản bằng cách yêu cầu họ có mặt tại chi nhánh ngân hàng là một yêu cầu tối thiểu. Các nơi cung cấp dịch vụ khác cũng cần rà soát lại quy trình để loại trừ việc chỉ dùng hình ảnh thẻ căn cước mà đã có thể mua hàng trả góp hay vay vốn, chẳng hạn.
Hiện nay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho việc thu phí khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; điều này có nghĩa sẽ có nhiều cơ quan, tổ chức được quyền tiếp cận cơ sở dữ liệu này. Đây mới chính là nơi có tiềm năng rò rỉ thông tin nhân thân của cá nhân nhiều hơn so với thông tin trên thẻ căn cước công dân. Cần có những quy định để nơi khai thác không thể rò rỉ thông tin như thực tế rao bán thông tin cá nhân dù chỉ mới là số điện thoại, tên tuổi, địa chỉ… đang tràn lan trên mạng hiện nay. Khâu yếu nhất luôn là con người, là yếu tố cần lưu ý bên cạnh những quy định về phần cứng, phần mềm.
Quan trọng hơn, cũng như chuyện chụp hình thẻ, phải làm sao để những thông tin nhân thân không thôi cũng không giúp kẻ xấu làm điều sai trái. Làm sao để hình ảnh, thông tin thẻ căn cước là điều kiện cần nhưng chưa đủ để thực hiện các dịch vụ quan trọng. Thông tin kẻ xấu thu gom rồi dùng để quảng cáo, bán hàng là điều khó tránh, nhưng chỉ cần quy định chỉ chấp nhận bản sao thẻ căn cước công dân kèm với đối chiếu bản chính hay bản sao có chứng thực hay có người thật để kiểm chứng… là cũng đủ loại trừ khá nhiều vụ dùng hình thẻ để lừa đảo. Nói cách khác, bảo vệ thông tin trên thẻ căn cước không chỉ là nhiệm vụ của công dân mà còn là trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp sử dụng thông tin đó./.
TBKTSG