Khi tính dẫn đường phát huy hết công suất đã đồng bộ việc phát triển và mở rộng mô hình khu chế xuất - khu công nghiệp ở khắp các tỉnh thành, nhất là các địa phương, vùng lân cận. Đến lúc này, về tổng thể, TPHCM có số lượng và diện tích khu công nghiệp đạt thấp, đứng thứ 6 về diện tích đất khu công nghiệp được quy hoạch so với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Và những chỉ dấu cho giai đoạn thoái trào đã được đưa ra, thể hiện rõ nhất là tỷ lệ tăng trưởng của ngành công nghiệp giảm dần qua các năm, ngược với đà tăng của cả nước.
Hơn 30 năm sau đổi mới, ngay trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành, kinh tế số TPHCM vẫn đạt mức khả quan vượt bậc (năm 2021 là 8,27 tỷ USD, khoảng 191.768 tỷ đồng), góp phần quan trọng vào sức tăng trưởng mạnh mẽ kinh tế số Việt Nam, vốn được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số hàng đầu khu vực.
Sự chuyển dịch trong hơn 30 năm qua, từ mô hình kinh tế công nghiệp tập trung sang kinh tế công nghệ số đã phản ánh sinh động và toàn diện tính năng động, sự hội nhập, chất “mở cõi” ở những vùng đất mới, lĩnh vực công nghệ - hiện đại của TPHCM. Khi mô hình cũ đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” với tất cả sự vẻ vang của nó thì việc tiếp biến bằng mô hình thay thế, ở điểm nút chín mùi chính là sự chuyển dịch mang tính quy luật.
Quy luật vận hành nền kinh tế công nghiệp, trong đó chú trọng xây dựng hệ sinh thái công nghiệp quốc gia sẽ dựa trên 5 trụ cột chính: sản phẩm công nghệ cao và sản xuất thông minh; liên kết vùng; nghiên cứu và phát triển; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn - kinh tế xanh - kinh tế số. Đó là điểm đề xuất chính trong hội thảo về định hướng chính sách công nghiệp thành phố do Sở Công thương và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM phối hợp tổ chức.
Vừa phải thích ứng với tốc độ biến đổi ngoại sinh để có bước hội nhập căn cơ, bền vững; vừa phải tận dụng nó để khơi thông sức mạnh nội sinh, thúc đẩy cạnh tranh bằng liên kết vùng, phát triển ưu thế bản địa, mà lõi của guồng máy vận hành, chuỗi sáng tạo là cuộc cách mạng số, sự định vị công nghệ trong mọi lĩnh vực phát triển.
Quan trọng là tầm nhìn quy hoạch, cách thức tiếp cận của TPHCM để hiện thực hóa từng bước đi trong chu kỳ mới như thế nào, từ việc điều chỉnh quy hoạch, thu hút đầu tư, tạo quỹ đất sạch, nâng chất đào tạo cho đến động thái tái cấu trúc 17 khu công nghiệp - khu chế xuất; hình thành các cụm công nghiệp vùng và xây dựng các đề án nghiên cứu phát triển công nghiệp. Chỉ tính riêng việc chuyển đổi trên 3 nhóm khu công nghiệp theo hướng toàn bộ, một phần và tiếp tục hoạt động phải tiệm cận với định hướng khu công nghiệp sinh thái theo UNIDO - Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (2014) và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (2018) về khu công nghiệp sinh thái Việt Nam.
Trên cơ sở phân loại có tính tập trung ưu thế - công nghệ cao, sẽ định dạng cho từng mô hình khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ… nhằm tạo các cụm liên kết ngành trong khu công nghiệp hoặc với các khu công nghiệp kề cận trong khu vực - một biểu hiện của tính liên kết vùng trong giai đoạn mới.
Mà bước khởi động đầu tiên đó chính là việc triển khai thí điểm nâng cấp 5 khu chế xuất - khu công nghiệp của thành phố theo hướng hiện đại và hiệu quả hơn. Cụ thể: Khu công nghiệp Bình Chiểu phát triển nhà xưởng cao tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; hướng phát triển dịch vụ logistics, khu kho lạnh, trung tâm thương mại, giới thiệu sản phẩm, giáo dục, y tế; Khu công nghiệp Cát Lái đề xuất chuyển đổi thành một phần Trung tâm logistics Cát Lái; Khu chế xuất Tân Thuận thu hút dự án công nghệ cao; Khu công nghiệp Hiệp Phước dành để bố trí các doanh nghiệp di dời ô nhiễm của thành phố; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, những ngành liên quan đến cảng biển, kho vận; khuyến khích doanh nghiệp hiện hữu.
Hơn 30 năm sau, lại bắt đầu cho một hành trình khai phá mới, từ thành phố công nghiệp đến đô thị công nghệ.
Nguồn SGGP