Theo yêu cầu của cuộc sống chính là để mọi hoạt động của Quốc hội thực sự vì cuộc sống của Nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, trong đó có yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Hơn nửa khóa, Quốc hội họp 6 kỳ bình thường, nhưng số kỳ bất thường thì đã chạm con số 5. Lịch sử 78 năm của Quốc hội Việt Nam ghi nhận chưa khi nào Quốc hội lại họp nhiều đến vậy. Thế nhưng, trước đòi hỏi của cuộc sống, nhiều việc phải làm, phải hoàn thiện, không thể ngồi chờ. Hội trường Diên Hồng lại phải sáng đèn để Quốc hội bàn những việc thực sự cấp bách của đất nước. Vì vậy, những kỳ họp “bất thường” đã dần trở thành “bình thường” của Quốc hội.
Sau 4 lần dời thời gian, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã không thể thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11-2023) như lịch trình. Sự cẩn trọng này là hết sức cần thiết, bởi với vai trò hết sức quan trọng, tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế-xã hội và đời sống người dân, doanh nghiệp cả trước mắt lẫn lâu dài thì chất lượng của Luật Đất đai (sửa đổi) phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng cũng không thể đợi thêm hơn nửa năm nữa, đến kỳ họp bình thường lần thứ 7 (giữa năm 2024), Quốc hội mới bấm nút thông qua. Bởi yêu cầu của cuộc sống đã vô cùng cấp bách.
Việc Luật Đất đai (sửa đổi) phải lùi lại nhiều lần vì vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu. Việc rà soát, hoàn thiện dự thảo cũng cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật, đảm bảo khi ban hành không còn những bất cập như Luật Đất đai hiện tại. Trong đó, vấn đề được dư luận quan tâm, đại biểu Quốc hội, chuyên gia bàn thảo nhiều nhất là chính sách thu hồi, đền bù, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân có đất đang sử dụng hợp pháp bị thu hồi. Đây cũng là vấn đề đụng chạm nhiều nhất đến cuộc sống của người dân, là nguyên nhân dẫn đến những rắc rối pháp lý nhất nếu quá trình thu hồi đất được các đối tượng vận dụng không đúng pháp luật, gây thiệt hại cho người có đất bị thu hồi. Thực tế thời gian qua, hơn 70% số vụ khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai; nhiều vụ tố cáo, khiếu nại về đất đai tập thể, kéo dài, gây mất trật tự xã hội đã cho thấy sự cần thiết phải quan tâm nhiều hơn đến những đề xuất có tính khả thi nhất cho vấn đề này trong Luật Đất đai (sửa đổi) là vô cùng cần thiết.
Một dự án luật quan trọng, tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế-xã hội, đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trước mắt và lâu dài, không thể vì một lý do hay áp lực nào đó mà vội vàng thông qua, nếu lý do đó không vì lợi ích của người dân, đất nước. Cho nên, việc lùi thời gian thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp bất thường này là một bước lùi có trách nhiệm, một sự cẩn trọng cần thiết của Quốc hội với dân, với nước. Sửa đổi và thông qua Luật Đất đai mới để luật thể chế hóa, bao quát được tinh thần của Hiến pháp và tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng về chính sách đất đai, đảm bảo luật thi hành không bỏ rơi người dân, nhất là người dân có đất bị thu hồi, đảm bảo họ có nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, được hỗ trợ sản xuất, có việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, kỳ họp bất thường này còn thảo luận và thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để khắc phục những khoảng trống pháp lý về chính sách tài chính, tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giữ an toàn, an ninh hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia, hạn chế những tác động tiêu cực đến đời sống người dân; tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, vấn đề bố trí nguồn vốn đầu tư công để xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại của đất nước…
Biến những kỳ họp “bất thường” thành “bình thường” là cách để Quốc hội không chỉ ngày càng dân chủ, chuyên nghiệp mà còn rất linh hoạt, mang hơi thở cuộc sống, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước. Đó chính là sự thể hiện cao nhất tinh thần vì nước, vì dân của Quốc hội.
Báo Gia Lai