Gần trăm tỷ đồng cho mỗi xã
Để có được xã NTM đầu tiên trên địa bàn tỉnh, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm đã huy động 270 tỷ đồng để xây dựng các tiêu chí (TC), chủ yếu là đường giao thông, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa. 48 xã NTM còn lại, theo tính toán của Sở Kế hoạch và Đầu tư, mỗi xã được đầu tư từ 70 - 80 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh và Trung ương, chưa kể nguồn vốn huyện, xã và nhân dân đóng góp. Công cuộc xây dựng NTM ở tỉnh được cho là có nhiều khó khăn hơn so với các tỉnh bạn ở miền Tây do đặc điểm phân bố dân cư phân tán - nơi nào có đất, ở đó có dân cư sinh sống.
Ngược dòng thời gian, Địa chí Bến Tre (trang 258) ghi lại: “Đến đầu thế kỷ XX, đất đai ở Bến Tre về cơ bản đã được khai phá xong, không còn những vùng đất hoang rộng lớn như ở các tỉnh miền Tây, trừ một số đất rừng ngập mặn vùng ven biển Bình Đại và Thạnh Phú”. Từ dữ liệu này, có thể thấy, cách đây 120 năm, Bến Tre đã có dân cư phân bố đều khắp 3 cù lao. Ngày nay, đi trên những tuyến đê kết hợp đường giao thông trải dài ven rừng ngập mặn thuộc địa bàn các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, dễ thấy hàng loạt cống thủy lợi hình thành theo đê để điều tiết mặn. Có đê, có cống điều tiết mặn, có đường đi, điện kéo về; bên trong đê, nhà cửa người dân bắt đầu xây cất thay cho những chòi lá xưa kia dựng lên cho mục đích giữ tôm nuôi theo mùa vụ.
Lộ bê-tông nối ấp Tân Phước với Khu phố 7, thị trấn Mỏ Cày. Ảnh: Báo Đồng Khởi
Sự khó khăn cũng xuất phát từ tập quán sản xuất nông nghiệp của người Bến Tre trong hàng trăm năm. Người dân xứ cù lao phải đào đất, tạo ra nhiều mương vũng chằng chịt để dẫn nước ngọt từ sông lớn vào rửa phèn, rửa mặn cho đất. Rồi kinh tế vườn nở rộ, đem lại thu nhập cao, đất tiếp tục bị xẻ nhỏ thành những liếp dừa, liếp trồng cây ăn trái. Đất ít, lại manh mún, rồi chia năm xẻ bảy. Thế nên, muốn xây dựng một tuyến đường bê-tông mặt rộng 3,5m, nền đường 6,5m, đạt chuẩn cấp A theo tiêu chí NTM là việc không hề dễ đối với chính quyền và người dân.
Dân cư phân tán, đất đai manh mún, không chỉ khiến giao thông khó phát triển, đầu tư hạ tầng tốn kém mà sản xuất lại càng khó tập hợp số lượng lớn. Tuy nhiên, khi đã đầu tư đồng bộ để đạt chuẩn NTM thì các xã NTM ở tỉnh có đủ tiềm lực tạo ra sức bật kinh tế cho khu vực nông thôn.
Tiêu chí giao thông
Phong trào xây dựng NTM diễn ra trên phạm vi cả nước, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo, đời sống ở nông thôn. Trong đó, giao thông là TC mà tỉnh xác định là khó thực hiện nhất trong 19 TC xây dựng NTM. Giao thông phải đi trước để giúp nông thôn Bến Tre “khơi thông” những khó khăn, tạo đà phát triển kinh tế.
Trước nhu cầu tăng tốc phát triển kinh tế tại tỉnh, đường sá phải được mở rộng cho xe tải vận chuyển hàng nông sản tại vườn; ô tô phải về tận nhà để đưa người dân đi khám bệnh, đi thăm nhau, đi du lịch dễ dàng. Trong 5 năm (2016 - 2020), toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp khoảng 1.339km đường giao thông nông thôn (GTNT) với tổng giá trị thực hiện 1.610 tỷ đồng. Số xã đạt TC số 2 - giao thông là 62 xã, tăng 52 xã so với năm 2015.
Phong trào xây dựng GTNT ở tỉnh còn ghi dấu ấn hình ảnh Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trịnh Văn Y, hay còn gọi là ông Hai Mai Sơn, ông Hai cầu đường. Trong gần 30 năm, khi còn là Phó chủ tịch UBND tỉnh, đến nghỉ hưu công tác ở vị trí Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường đến nay, ông Trịnh Văn Y đã xây dựng hơn 2.000 cây cầu và hàng trăm ki-lô-mét đường GTNT. Hay ông Bùi Văn Hiếu - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Tân Phước, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam được người dân ấp Tân Phước tin yêu vì sự nhiệt tình trong xây cầu, lộ nông thôn. Ông có mặt xuyên suốt trong những công trình ở ấp, luôn là người xung phong cầm xẻng lao vào làm trước.
Chung sức xây dựng đường nông thôn mới xã Thới Thạnh (Thạnh Phú). Ảnh: Báo Đồng Khởi
Nói về mở rộng đường giao thông đạt chuẩn, ông Trịnh Văn Y chia sẻ: “Làm dự án cho mỗi tuyến đường GTNT phải đi khảo sát kỹ, chỗ nào cong phải uốn lại cho thẳng, giảm bớt số ki-lô-mét đầu tư. Nhiều con lộ cập kênh, bờ sông cứ xói lở hoài, làm dự án phải mạnh dạn di dời những con lộ này vô trong, tránh xói lở”. Cụ thể, tại ấp Tân Phước, con lộ “xương sống” nối ấp Tân Phước với Khu phố 7, thị trấn Mỏ Cày đã được ông Bùi Văn Hiếu khởi xướng và thuyết phục người dân hiến đất nhiều gấp đôi bình thường để lùi con lộ vào sâu trong đất liền, tránh xói lở do nằm sát bờ sông Mỏ Cày. Ông Hiếu còn vận động 1 hộ dân hiến luôn căn nhà đang ở để làm con đường được thẳng và ngắn hơn. Con lộ bê-tông có mặt rộng 3m đạt chuẩn cấp B sau nửa năm đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng vực dậy kinh tế cho bà con trong ấp.
“Cuộc sống ở ấp Tân Phước ngày càng khởi sắc hẳn lên. Tôi mới thấy lời ông Bí thư Chi bộ ấp Bùi Văn Hiếu nói là đúng lắm. Chớ ban đầu, tôi cũng tiếc hùi hụi khi vừa phải hiến đất vườn rồi đến cả cái sân nhà rộng 150m2. Bây giờ, mấy đứa cháu tôi tận dụng được khoảng đất trống cạnh bờ sông để xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ vận chuyển hàng hóa từ ghe lên. Tụi nhỏ cũng mua ô tô chạy với người ta…”, ông Nguyễn Văn Các, 70 tuổi, ngụ Tổ 8, ấp Tân Phước phấn khởi kể.
Dù phải đầu tư hạ tầng tốn kém cộng với khối lượng công trình lớn nhưng tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực nhằm làm thay đổi diện mạo nông thôn. “Tuy số xã NTM ở tỉnh đạt ít hơn so với các tỉnh bạn trong khu vực, nhưng vốn đầu tư toàn xã hội là rất lớn. Đầu tư xây dựng NTM là tạo sức bật cho xã phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bởi sự đầu tư gần như là toàn diện rồi”, ông Cao Minh Đức - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, nguyên Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết.
Theo Báo Đồng Khởi