Những mốc son lịch sử
Chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ thống quan điểm và học thuyết mang tính khoa học và cách mạng do C.Mác và Ph. Ăng ghen sáng lập, sau này được Lê nin kế thừa, phát triển lên thành những giá trị tư tưởng nhân loại, trên cơ sở thực tiễn của thời đại về giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động và giải phóng con người.
Trên hành trình đi tìm đường cứu nước, tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc được bản: “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê nin. Sau này, Người đã viết về cảm xúc của mình trong khoảnh khắc ấy: “Luận cương của Lê nin làm tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tường biết bao! Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba” (1). Sau này, trong cuốn “Đường Kách mệnh”, Người viết: “Bây giờ học thuyêt nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”. Người đã tìm tòi nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người xác định: Muốn lãnh đạo được toàn dân đánh đổ thực dân, phong kiến, trước hết phải thành lập một chính Đảng của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động.
Ngày 3/2/1930, Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hương Cảng, Trung Quốc. Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập là mốc son đánh dầu sự trưởng thành của phong trào cách mạng Việt Nam, là bước ngoặt quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đảng ta ra đời trên cơ sở kết hợp chủ nghía Mác-Lê nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Ngay sau khi ra đời, mặc dầu còn non trẻ nhưng Đảng đã lãnh đạo Nhân dân làm nên cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, cao trào cách mạng 1936-1939, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền, lật đổ chế độ thực dân phong kiến năm 1945. Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Qua hai cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, toàn thể Nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng, sẵn sàng hy sinh xương máu, của cải để giành độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất non sông. Bao nhiêu bậc tiền bối cách mạng, Anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống để đất nước trọn vẹn niềm vui như hôm nay.
Ai có thể chọn thay Việt Nam con đường đi của mình?
Hiện nay, các thế lực thù địch trong nước, trên thế giới đang tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và Nhân dân ta. Chúng đưa ra nhiều luận điệu để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ lãnh tụ, đòi đa nguyên đa đảng, trắng trợn đòi xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp. Thậm chí, chúng còn bôi nhọ, bóp méo thành quả của cách mạng Tháng Tám 1945, chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975. Tận dụng những tính năng của công nghệ thông tin, mạng xã hội, lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận, các thế lực thù địch tìm cách khoét sâu những điểm hạn chế trong thực thi công vụ của chính quyền, xuyên tạc bản chất cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta, cho rằng đó là: thanh trừng nội bộ. Chúng đưa tin giả, gây nhiễu loạn thông tin, làm quần chúng Nhân dân hoang mang. Chúng lợi dụng dân chủ, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, “thổi phồng” những hạn chế của Việt Nam, cố tình “làm ngơ” trước những thành quả Việt Nam đạt được mà thế giới đã ghi nhận, “im hơi lặng tiếng” trước các vấn đề nhức nhối của thế giới như: bạo lực súng đạn, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh, lạm phát, khủng hoảng kinh tế, suy thoái hậu Covid-19 v.v để từ đó thấy một Việt Nam bình yên, no ấm và phát triển là giá trị vô cùng lớn lao, đáng ca ngợi.
Nghiêm trọng hơn, chúng phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa cộng sản và phản đối Việt Nam đi theo con đường Chủ nghĩa xã hội. Chúng rêu rao rằng: Chủ nghĩa xã hội đã bị xóa bỏ, không có lý gì Việt Nam vẫn lựa chọn con đường đó? Mục tiêu của các thế lực thù địch, các đảng phái phản động hướng tới là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, lật đổ Chính phủ Việt Nam.
Nhưng chúng đã nhầm! Chúng đã quên một nguyên lý ngàn đời: Mỗi dân tộc, mỗi đất nước đều có quyền lựa chọn con đường đi của mình, cũng như mỗi con người có quyền tự lựa chọn cách để làm cho mình hạnh phúc. Việt Nam cũng vậy, con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Con đường ấy, Việt Nam đã đi trong hơn 9 thập kỷ qua và cho đến hôm nay.
Trong bài viết: “Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích: “Mặc dù trên thế giới chủ nghĩa xã hội hiện thực đã bị đổ vỡ một màng lớn, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn, phong trào xã hội chủ nghĩa lâm vào giai đoạn khủng hoảng, thoái trào, gặp rất nhiều khó khăn, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: “Đảng và Nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 01/2011) trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm, 2011), chúng ta một lần nữa khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Cũng trong bài viết này, bên cạnh việc tống kết, phân tích, lý giải hoàn cảnh lịch sử, quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển, có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
Lòng dân với Đảng - biện chứng của niềm tin
Một đảng luôn lấy tự do, hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu lý tưởng và vì mục tiêu ấy, hàng triệu đảng viên trong chiến tranh đã không sợ tù đày, hy sinh, trong thời bình không ngại gian khổ khó khăn, “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, làm sao có thể dễ dàng bị Nhân dân từ bỏ? Ai có thể làm thay việc của cả hệ thống chính trị ở Việt Nam đã và đang làm hiện nay, từ miền biển đến miền núi, từ nông thôn đến thành thị? Với dân, Đảng chọn con đường nào không quan trọng, miễn là con đường đó dẫn tới hòa bình, độc lập, ấm no, hạnh phúc và bình yên cho Nhân dân. Tính từ năm 1979 đến nay, chúng ta đã có hơn 4 thập kỷ đất nước lặng im tiếng súng, Nhân dân được yên ổn để làm ăn, xây dựng cuộc sống. Từ một nước thu nhập thấp, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, có thể tham gia vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025. Chính trị ổn định, kinh tế từng bước tăng trưởng, văn hóa xã hội phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững. Đó là một giá trị vô cùng lớn lao, phải đổi bằng xương máu và mồ hôi của rất nhiều thế hệ mà chỉ ai đang sống trong những đất nước nhiều biến động mới thấm thía hết. “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Nhân dân Việt Nam vẫn một lòng tin yêu Đảng. Đó là niềm tin có cơ sở, rất biện chứng.
Tham những, quan liêu chỉ diễn ra với một bộ phận cán bộ đảng viên có chức quyền bị suy thoái đạo đức. Còn lại biết bao cán bộ đảng viên đang tận tụy cống hiến hàng ngày hàng giờ trên khắp đất nước. Tai và mắt của Nhân dân nghe thấy, nhìn thấy tất cả. Nhân dân có đủ tâm và trí để cùng Đảng đấu tranh chống tham những, bảo vệ sự trong sạch của Đảng, để Đảng trọn vẹn niềm tin trong Nhân dân./.
PV