Tuy nhiên, trong lộ trình phát triển mới, tỉnh đang xây dựng môi trường thu hút đầu tư hiện đại dựa trên nền tảng thành phố thông minh, trọng tâm là Vùng đổi mới sáng tạo. Để tạo điểm đến “lý tưởng”, Bình Dương đang từng bước đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt kết nối với các địa phương lận cận, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Sức bật từ hạ tầng kết nối
Sau khi đề ra định hướng phát triển thành phố thông minh từ năm 2016 đến nay, Bình Dương đã gặt hái ngay kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài vượt gần gấp đôi kế hoạch của một nhiệm kỳ. Cụ thể, kế hoạch cả nhiệm kỳ 2016 - 2020 đề ra là 7 tỷ USD, nhưng đạt đến 12 tỷ USD. Riêng năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 hoành hành, từ đầu năm đến nay, Bình Dương vẫn thu hút hơn 1,5 tỷ USD.
Tháng 6/2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án thành phố thông minh năm 2021. Tỉnh yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng logistic đường sông, đường sắt; đồng thời nhanh chóng đưa ra các giải pháp nâng cấp hệ thống hạ tầng đường bộ, giảm áp lực kẹt xe, tăng cường liên kết vùng, kịp thời đón làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới.
Quan điểm của tỉnh Bình Dương là hạ tầng giao thông đi trước một bước, coi giao thông là mạch máu của nền kinh tế nhằm tạo động lực mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư, hình thành đô thị, nâng cao dịch vụ và đời sống của nhân dân. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, Bình Dương được đánh giá là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông tốt của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tỉnh đã đầu tư hàng loạt trục giao thông xương sống như Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng. Cùng với đó, hàng loạt tuyến đường nội bộ trong các khu công nghiệp đã kết nối các tuyến đường chính của tỉnh và các tuyến đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến nay, mạng lưới giao thông ở Bình Dương có trên 7.420 km; trong đó quốc lộ đi qua địa bàn như Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 13 đã hoàn thành nâng cấp mở rộng. Tỉnh đang chú trọng xây dựng tuyến đường sắt đô thị phục vụ vận tải hành khách công cộng số lượng lớn, kết nối thành phố mới Bình Dương với nhà ga metro Bến Thành - Suối Tiên và Bến xe miền Đông mới của Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành một hệ thống vận tải hành khách liên hoàn giữa các tỉnh, thành phố.
Hiện nay, Bình Dương đang triển khai Vùng đổi mới sáng tạo với mô hình 5 lớp gồm: Quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế cân bằng; chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0; phát triển nguồn nhân lực. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, để một đô thị thông minh phải thỏa mãn được 3 yếu tố kết nối gồm hạ tầng, xã hội và công nghệ. Về kết nối hạ tầng, phải được quy hoạch và kết nối bài bản, đô thị được phân bổ khoa học, quy hoạch liên ngành giữa xây dựng đô thị, giao thông, phát triển văn hóa xã hội, phát triển bền vững, mọi yếu tố đều có giá trị liên quan, không thể là thực thể độc lập.
Quy hoạch đô thị và giao thông tập trung phát triển đô thị theo mô hình TOD. Ông Nguyên Văn Hùng cho biết, đây là mô hình phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng. Việc phát triển và quy hoạch các khu dân cư nhà ở theo mô hình TOD sẽ giúp phân bổ dân cư đồng đều, thúc đẩy thương mại địa phương, văn hóa giao thông công cộng, văn hóa đường phố. “Tới đây, Becamex IDC chuẩn bị khởi công điểm TOD đầu tiên và nhiều điểm đô thị TOD nữa sẽ được phát triển dọc theo tuyến giao thông công cộng kết nối vào với hệ thống metro Bến Thành - Suối Tiên. Trước tiên là hệ thống xe buýt nhanh BRT và tương lai là hệ thống metro”, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, Bình Dương đang triển khai các dự án quan trọng về hạ tầng giao thông kết nối vùng, nổi bật là các dự án kết nối với đường Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh -Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, dự án ICD - Cảng sông An Tây, đường sắt vận chuyển hàng hóa liên khu vực Bình Phước - Bình Dương - Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu; xây dựng Khu công nghiệp khoa học công nghệ tại huyện Bàu Bàng, Trung tâm thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương...
Đặc biệt, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn được xem là huyết mạch giao thông nằm trong chiến lược của Bình Dương, với mục tiêu kết nối phát triển vùng công nghiệp phía Nam và phía Bắc của tỉnh, một phần của đường Vành đai 3. Tuyến đường sau khi hoàn thành góp phần làm giảm áp lực cho Quốc lộ 13, ĐT743, đồng thời kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Bình Dương với cảng Thị Vải, Cái Mép, cảng container; sân bay quốc tế Long Thành.
Phát triển khu công nghiệp thế hệ mới
Tổng Công ty Becamex IDC là một trong những đơn vị phát triển hạ tầng khu công nghiệp lớn nhất ở tỉnh Bình Dương, có quá trình đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp - đô thị và liên tục đổi mới, sáng tạo về kiến tạo, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2016, Becamex IDC đã cùng tỉnh Bình Dương xây dựng Đề án thành phố thông minh và hiện nay là Đề án Vùng đổi mới sáng tạo, trong đó đang phát triển đề án hình thành Khu công nghiệp khoa học và công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, Khu Công nghiệp khoa học và công nghệ sẽ là thế hệ sản phẩm mới, bổ trợ thúc đẩy sự năng động, phát triển của các khu công nghiệp truyền thống. Đây là nền tảng thu hút những ngành nghề có giá trị gia tăng cao, các công ty công nghệ, khởi nghiệp đến đầu tư tại các khu công nghiệp của Becamex IDC, Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Khu Công nghiệp sẽ tạo ra đòn bẩy thu hút các hãng công nghệ; tạo ra các công cụ mới nhằm tăng năng suất lao động, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Khu công nghiệp khoa học và công nghệ Bình Dương là công trình thuộc lớp 3 (phát triển kinh tế cân bằng) và lớp 4 (chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0) trong mô hình 5 lớp của Vùng đổi mới sáng tạo. Mô hình tích hợp liên thông các chức năng khu công nghiệp, khu khoa học công nghệ và cụm trường đại học kết hợp với phát triển đô thị đáng sống để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Khu công nghiệp này sẽ đóng vai trò thu hút các nhà khoa học, kỹ sư, nhà nghiên cứu về làm việc, từ đó sẽ cho ra kết quả nghiên cứu, các công cụ mới quay lại nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu, giúp Bình Dương duy trì lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn tiếp theo.
Những định hướng phát triển này đã từng bước tạo dựng niềm tin với các tổ chức, nhà đầu tư quốc tế đến với Bình Dương. Tiến sỹ Amy Hochadel, Giám đốc kinh doanh quốc tế của The Connected Places Catapult (CPC) cho biết: “Sau quá trình tìm hiểu từ đầu năm 2021, CPC đặt niềm tin đây sẽ là một sự hợp tác bền vững dài lâu giữa CPC và Becamex. Mô hình đổi mới sáng tạo giúp chúng tôi cảm nhận được mối quan hệ xúc tác tương đồng với mục tiêu đặt ra khi thực hiện các dự án thành phố thông minh. Tỉnh Bình Dương là nơi thích hợp nhất cho hoạt động đổi mới sáng tạo”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà hy vọng trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Bình Dương tiếp tục nhận được sự hợp tác tích cực từ các đơn vị đối tác nhằm hỗ trợ tỉnh nâng tầm hợp tác song phương và mở rộng hợp tác đa phương; tạo ra những bước tiến bứt phá trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo đà phát triển mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hiện Becamex IDC đang hoàn thiện khung pháp lý xây dựng chiến lược phát triển Khu công nghiệp khoa học và công nghệ trong năm 2021; khởi động xây dựng một số tuyến giao thông huyết mạch để kết nối với Khu công nghiệp. Khu công nghiệp thế hệ mới này được Bình Dương đặt nhiều kỳ vọng cho giai đoạn thu hút đầu tư mới, với chất lượng cao hơn, đặc biệt là sự phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19./.
Tiến Lực - Chí Tường (TTXVN)