Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản ngày 28-11, nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, tình trạng thông thầu, thông đồng, dìm giá, "quân xanh, quân đỏ", cò mồi, đe dọa cưỡng ép có xu hướng ngày càng phức tạp.
Đấu giá tài sản là một trong những hình thức mua bán hàng hóa phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Kể từ khi Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ hai và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2017, hoạt động đấu giá tài sản ở nước ta từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Số cuộc đấu giá ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm.
Ước tính, từ tháng 7-2017 đến tháng 12-2022, hơn 200.000 cuộc đấu giá đã được tổ chức, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng. Số tiền thu được đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển của đất nước, Luật Đấu giá tài sản đã bộc lộ những hạn chế nhất định, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Lợi dụng lỗ hổng này, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lập “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, dìm giá, thực hiện hành vi trục lợi bất chính. Việc thắng thầu bỏ cọc không còn là chuyện hiếm trong đấu giá tài sản.
Đơn cử, trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) chỉ đạo người quen lập “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 152 tỷ đồng...
Rõ ràng, thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, thắng thầu bỏ cọc, thổi giá không chỉ làm thất thoát tài sản của Nhà nước mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế - xã hội. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách, qua đó khắc phục được những hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Luật Đấu giá tài sản đang có nhiều kẽ hở dẫn đến tình trạng thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”, dìm giá, bỏ cọc, thậm chí là cò mồi, đe dọa cưỡng ép trong đấu giá tài sản, gây ra những hiệu ứng xấu. Để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng này thì cách hiệu quả nhất vẫn là bịt bằng được các lỗ hổng khi sửa luật. Một trong những lỗ hổng cần được khắc phục ngay là nghiên cứu, bổ sung quy định nghiêm cấm người tham gia đấu giá tài sản không đủ nguồn lực tài chính hay sử dụng nguồn vốn không minh bạch để tham gia đấu giá. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng người tham gia đấu giá có thể trả giá "cao ngất" rồi bỏ cọc, bóp méo thị trường.
Trong khi chờ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được thông qua, các bộ, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 40/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản. Trong đó, các cơ quan chức năng và địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật của người có thẩm quyền quản lý tài sản, người có tài sản trong việc đưa tài sản ra đấu giá, tổ chức xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá và tổ chức, doanh nghiệp thẩm định giá; xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý tài sản, cán bộ, công chức, viên chức nào tiếp tay, bao che cho hành vi vi phạm về đấu giá tài sản và thẩm định giá; phát hiện, đấu tranh với các tổ chức, nhóm lợi ích cấu kết với người có thẩm quyền nhằm chi phối các cuộc đấu giá...
Sửa đổi Luật Đấu giá tài sản để bịt lỗ hổng, khắc phục được tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, dìm giá, thổi giá... chắc chắn sẽ tạo ra môi trường lành mạnh, ổn định, lâu dài trong hoạt động đấu giá tài sản.
Theo Hà Nội mới