Hơn 23h ngày 12/9, lửa bốc lên tại tầng trệt chung cư mini 10 tầng nằm trong ngõ phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội khoảng 400 m. Khoảng 150 người trong 45 căn hộ vội tìm đường thoát thân. Một số lên tầng thượng kêu cứu, một số thoát hiểm bằng thang dây tự trang bị, số khác nhảy xuống mái tôn nhà dân bên cạnh... Nhưng hậu quả của đám cháy vẫn vô cùng thảm khốc: 56 người đã vĩnh viễn ra đi.
15 xe cứu hỏa cùng khoảng 100 cảnh sát PCCC đã tới hiện trường 10 phút sau đó, nhưng họ phải chạy bộ 400 mét để đưa vòi nước tới hiện trường vì ngõ quá hẹp. Tòa nhà thiết kế kiểu ống, chỉ có một lối ra ở cửa chính nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Sau 45 phút "giặc lửa" hoành hành, đám cháy cơ bản được khống chế, nhưng tính mạng của con người, giữa làn khói đen đặc, chỉ được tính bằng phút.
Thảm kịch đã làm rúng động tâm can người dân Hà Nội và cả nước vì con số thương vong quá khủng khiếp. Trái tim chúng ta thắt lại vì thương đồng bào, nhưng cũng phẫn nộ bởi những câu hỏi tại sao, tại sao thảm kịch đã xảy ra trong tuyệt vọng đến vậy, sau quá nhiều hồi chuông cảnh báo. Một câu trả lời chung cho những câu hỏi tại sao đó là, "giặc lửa" có thể bùng lên bất cứ lúc nào, nhưng chính lỗi của con người mới khiến chúng có thể tác oai tác quái như vậy.
Có thể thấy rõ những năm gần đây, loại hình nhà ở chung cư mini nở rộ tại Hà Nội, được những người dân có thu nhập còn khiêm tốn tìm đến vì có giá cả hợp lý, an ninh tương đối tốt, lại vẫn đảm bảo không quá xa khu vực trung tâm. Nhiều gia đình trẻ cũng lựa chọn mua căn hộ chung cư này để ở với mức giá dao động trên dưới 1 tỷ đồng hoặc thuê với giá vài triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, bên cạnh một số ưu điểm như vậy, giới chuyên gia từ lâu đã cảnh báo nhiều rủi ro từ loại hình chung cư mini, đến từ một loạt "lỗ hổng". Theo quy định, với các sản phẩm là căn hộ được đưa vào kinh doanh thì chủ đầu tư phải lập dự án và phải thực hiện theo các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, đất đai, an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) v.v. Tuy nhiên, các chủ đầu tư chung cư mini thường núp bóng dưới dạng xin phép xây nhà ở riêng lẻ, sau đó thay đổi thiết kế ban đầu để xây thành chung cư, phục vụ mục đích kinh doanh. Hầu hết chủ đầu tư đều cố gắng tận dụng tối đa quỹ đất hạn hẹp nên ít làm lối thoát hiểm, cơ sở vật chất PCCC có khi chỉ mang tính hình thức, đối phó.
Lỗ hổng về quản lý, giám sát này dẫn đến việc chấp hành quy định an toàn PCCC, thoát nạn và cứu hộ ở nhiều chung cư mini còn rất hạn chế, dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Tòa chung cư vừa xảy cháy chỉ được cấp phép xây dựng "nhà ở riêng lẻ" với 6 tầng, nhưng chủ sở hữu đất đã xây tới 9 tầng cộng 1 tum, mỗi tầng chia làm 5 căn hộ kinh doanh. Cả tòa "nhà ống" nơi sinh sống của 150 cư dân, chỉ có một thang bộ nhỏ và không có thang thoát hiểm, cửa thoát hiểm.
Lỗ hổng quản lý cũng dẫn đến một thực trạng đáng lo ngại nữa là tình trạng chung cư mini đua nhau "mọc" lên ở các ngõ, ngách nhỏ, đan xen dày đặc nhà cao tầng, vừa "băm nát" quy hoạch đô thị, lại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và gây khó khăn cho công tác dập lửa, cứu hộ. Không nói đâu xa, ngay gần chung cư mini bị cháy ở ngõ 29 Khương Hạ là cả một "ma trận" hàng chục tòa chung cư mini với hàng trăm căn hộ cho thuê trong các ngõ, ngách nhỏ. Thậm chí, trong một ngách dài chỉ khoảng 100m của chính ngõ 29 Khương Hạ, cũng có tới 4 tòa chung cư mini, chỉ với một mặt thoáng.
Tai nạn hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong những căn chung cư "không lối thoát" như vậy, nhưng các chủ kinh doanh thì chỉ nhắm tới lợi nhuận, còn những cư dân - người lao động thì vì mưu sinh nơi đô thị mà đành chấp nhận. Trước thảm kịch đêm 12/9, một loạt sự cố hỏa hoạn đã xảy ra với các chung cư mini trong khu vực lân cận. Như hồi tháng 3 năm nay, cũng chính tại phường Khương Đình đã xảy ra vụ cháy chung cư mini tại số 315 Vũ Tông Phan khiến hơn 170 người đang sinh sống phải hoảng loạn tháo chạy. Tới tháng 5, một vụ cháy lại xảy ra tại tầng 3 của chung cư mini trong ngách 20, ngõ 426 Đường Láng (quận Đống Đa) khiến nhiều cư dân tháo chạy. Trước đó, vào cuối tháng 10/2022, vụ cháy chung cư mini ở ngõ 132 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) đã khiến lực lượng chức năng phải điều động 4 xe chữa cháy dập lửa, giải cứu 11 người.
Thế nhưng, những đám cháy cùng với những lời cảnh báo rủi ro chỉ gây chú ý ít ngày, rồi mọi việc lại đâu vào đấy. Nhiều lỗ hổng vẫn được làm ngơ. Trong vụ chung cư mini ở Khương Đình, người ký giấy phép xây dựng công trình, một phó Chủ tịch quận, cho biết ông đã ký quyết định xử lý hành vi xây dựng sai phép với công trình này, yêu cầu chính quyền phường chủ trì cưỡng chế, nhưng công trình vẫn tồn tại cho đến khi xảy ra thảm kịch.
Nhìn lại những hình ảnh trong thảm kịch đêm 12/9, một gia đình ở tầng 4 đã kịp thoát ra ngoài bằng chiếc thang dây mà họ chủ động trang bị, và còn cứu thêm được 7 người khác. Đó không phải là may mắn, mà là kết quả của sự chủ động phòng ngừa rủi ro. Sống trong một tòa nhà "không lối thoát", người chủ căn hộ đã tự tính trước lối thoát hiểm cho mình. Nhưng những người làm được như vậy có lẽ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số cư dân đang sống trong các chung cư mini, và một tỉ lệ còn nhỏ hơn thế rất nhiều nếu tính đến các công trình nhà ở, đặc biệt là các nhà ống chen chúc trong ngõ ngách.
Nói như vậy để thấy một "lỗ hổng" nữa là công tác tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện một cách thực chất về PCCC, bao gồm cả ý thức phòng ngừa, chủ động trang bị các công cụ phòng cháy và thoát hiểm, cũng như kỹ năng xử lý, thoát nạn trong tình huống khẩn cấp, đối với người dân ở mọi tầng lớp xã hội.
Mọi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh. Các lãnh đạo của Hà Nội đã cam kết như vậy. Một chiến dịch tổng kiểm tra toàn bộ chung cư mini, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ đã được lệnh triển khai ở thủ đô, ở TPHCM và chắc chắn là nhiều đô thị khác.
Nhưng thảm kịch quá đau lòng này chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều hành động hơn thế. Nó nhấn mạnh hơn bao giờ hết tính cấp thiết, triệt để và thường xuyên của việc buộc tuân thủ nghiêm các nguyên tắc trong công tác cấp phép, quản lý và vận hành các chung cư mini, cũng như mọi công trình nhà ở.
Các "lỗ hổng" cần phải được bịt lại, và sự sống thì luôn luôn, phải được ưu tiên ít nhất một "lối thoát".
Nguồn Báo tin tức