Thực hiện các chỉ đạo, định hướng của Trung ương, các Bộ và địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đã tích cực triển khai các hoạt động liên kết nội vùng và liên vùng nhằm cụ thể hóa chủ trương về hợp tác, liên kết vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua hơn 1 năm triển khai, vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ. Tại Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 19 chỉ tiêu phát triển, 35 nhiệm vụ và 29 dự án quan trọng, liên kết vùng cần thực hiện đến năm 2030.
Về 35 nhiệm vụ: đến nay, đã hoàn thành 2 nhiệm vụ là Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và thành lập Hội đồng điều phối vùng; Về lập quy hoạch tỉnh thì đã phê duyệt quy hoạch được 3 tỉnh: Tây Ninh; Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Phước. Các nhiệm vụ còn lại là các đề án lớn đang được các bộ, địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan triển khai theo tiến độ.
Về 29 dự án quan trọng, liên kết vùng: đã khởi công 4 dự án; đang triển khai các thủ tục đầu tư 5 dự án và đang nghiên cứu, triển khai 20 dự án.
“Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ năm 2023 đã đạt những kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ước đạt 5,06% so với mức tăng 5,05% của cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của các địa phương trong vùng; một số chỉ tiêu dẫn đầu cả nước như: quy mô GRDP của vùng đóng góp vào GDP cả nước lớn nhất (chiếm 30,2% GDP).
GRDP bình quân đầu người (đạt 166 triệu đồng), thu ngân sách nhà nước (675 nghìn tỷ đồng), thu hút đầu tư nước ngoài có 4/6 địa phương trong vùng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế GRDP của Vùng chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ.
Về hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với UBND Tp. Hồ Chí Minh xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh gồm nhiều cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, vượt trội, lần đầu tiên được áp dụng tạo điều kiện để Thành phố phát triển mạnh mẽ.
Đối với các hoạt động hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng: đây là yêu cầu của thực tế khách quan và đã trở thành xu thế tất yếu của các ngành, các cấp kể cả cấp quốc gia, vùng, lãnh thổ.
“Chỉ khi đó, chúng ta mới cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng xây dựng các chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, hợp tác, chia sẻ, bổ sung lẫn nhau, nhằm phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh của nhau, cùng phát triển mang lại những giá trị cao hơn, khắc phục tình trạng chia cắt, phân tán, kém cạnh tranh, cát cứ, cục bộ, mạnh ai nấy làm”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được còn một số khó khăn, thách thức là: hệ thống giao thông kết nối chưa đồng bộ; ngập úng và ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, quá tải về hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường… vẫn là điểm nghẽn của sự phát triển.
Cùng với đó, các nội dung liên kết vùng quan trọng như liên kết trong hạ tầng giao thông, liên kết đầu tư phát triển đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng cần tăng cường hơn nữa; khoa học công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp lớn, làm chủ công nghệ ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, sản xuất chip, chất bán dẫn…
Nguyên nhân của những khó khăn trên là do thời gian thực hiện mới được hơn 1 năm, trong khi các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ có tính dài hạn, thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chưa bảo đảm do Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao từ năm 2021, trước khi Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành.
Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, các bộ và địa phương liên quan: các bộ, địa phương tiếp tục triển khai 18 nhiệm vụ đã giao trong năm 2023 và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng điều phối vùng; trong đó, tập trung vào các nội dung liên quan đến đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các hệ thống giao thông kết nối với sân bay Long Thành; nội dung liên quan đến thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và phát triển nguồn nhân lực cao, thu hút nhân tài cho Vùng.
Về cơ chế, chính sách đặc thù, các địa phương cần góp ý cho các cơ chế, chính sách đặc thù của Vùng Đông Nam Bộ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ; các bộ, địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch vùng.
Đối với các dự án quan trọng, liên kết vùng, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đã và chuẩn bị khởi công; đối với các dự án đang nghiên cứu triển khai: các địa phương khẩn trương đề xuất các cơ chế, chính sách, gồm cả cơ chế, chính sách đặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
“Trường hợp có vướng mắc, các bộ ngành, địa phương cần đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo kịp thời”, Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Nguồn TTXVN