Những kết quả khả quan và thách thức chính đã được đưa ra và nhận diện tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA: Tác động kinh tế-xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo nhằm tổng kết, nghiên cứu và đánh giá những tác động sau hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA đối với Việt Nam, đồng thời nhận diện những tồn tại và bài học rút ra trong việc thực hiện các cam kết trong EVFTA của Việt Nam.
Tăng trưởng ấn tượng
Theo TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đây là một trong số ít hiệp định FTA thế hệ mới Việt Nam ký kết và thực hiện với phạm vi cam kết rộng và tiến độ thực hiện nhanh, cụ thể là tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện.
Sau hai năm thực hiện, nhiều cam kết của EVFTA đã được triển khai trên thực tế và những kết quả đầu tiên cũng đã được phản ánh thông qua các số liệu thống kê vĩ mô về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với EU.
Thương mại hai chiều Việt Nam–EU năm 2021 đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu đầu tư cũng cho thấy sau ký kết, xu hướng đầu tư từ một số quốc gia EU tăng nhanh, như Hà Lan (tăng gần 26%), Đan Mạch (240%), Thụy Điển (63%), Cộng hòa Ireland (235%) và Bỉ (284%).
Điểm rất đáng chú ý là nếu xét theo ngành hàng, trong năm đầu tiên thực thi, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng nhưng hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU lại giảm, ví dụ như mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện (giảm 27,9% so với năm 2020), hàng dệt may (giảm 15,2% so với năm 2020) và giày dép các loại (giảm 11,3%).
Tuy nhiên, sang năm thực thi thứ hai, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã phục hồi và gia tăng đáng kể, với hàng dệt may tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, gạo tăng 42,9%, hạt tiêu tăng 81,3%, thuỷ sản tăng 22,7%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 20,9%...
Bên cạnh đó, EVFTA được thực thi trong bối cảnh xu hướng kinh tế - thương mại và thị trường thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine… những động thái tích cực trên càng cho thấy rõ hơn những đóng góp của EVFTA trong quan hệ kinh tế giữa hai bên.
Nhìn nhận tác động của EVFTA đối với hợp tác kinh tế song phương, TS. Luật gia Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư châu Âu đã lấy dẫn chứng về những lợi ích thu được từ Hiệp định đối với nền kinh tế Việt Nam và CH. Czech.
Theo đó, với những ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại, cả Việt Nam và CH. Czech đều được hưởng lợi. Đối với Việt Nam, những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong Hiệp định EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ.
“Đây là những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang CH. Czech trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định, mức giá hợp lý hơn từ CH. Czech, cũng như các nước thành viên khác của EU”, TS. Lê Hoàng Anh Tuấn nói.
Đáng chú ý là nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ kỹ thuật cao từ CH. Czech và các nước EU sẽ giúp nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Đồng thời, khi hàng hóa, dịch vụ từ CH. Czech và các nước thành viên EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh.
TS. Đặng Xuân Thanh chia sẻ, bên cạnh những thuận lợi và kết quả ấn tượng sau hai năm thực thi Hiệp định, việc tận dụng các cam kết ưu đãi trong EVFTA của Việt Nam vẫn còn một số khía cạnh chưa được như kỳ vọng, như tỷ lệ C/O EVFTA để hưởng thuế quan ưu đãi còn khiêm tốn, xuất khẩu vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống, cơ chế kết nối giữa các địa phương với các cơ quan bộ ngành, cơ quan ở nước ngoài trong thúc đẩy thương mại, đầu tư chưa được hoàn thiện.
Ngoài ra, việc triển khai nhóm chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của các cơ qun, địa phương chưa được chú trọng đúng mức, trong khi đây là nội dung quan trọng trong EVFTA.
Lưu ý thực trạng gia tăng lừa đảo thương mại, đặc biệt là việc tận dụng môi trường điện tử, môi trường số, bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam là nền kinh tế năng động, có độ mở cao, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nên hoạt động giao thương, đầu tư của doanh nghiệp ngày càng phát triển; các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ trở thành mục tiêu của lừa đảo hoặc vướng phải tranh chấp thương mại phức tạp.
Gần đây, mặc dù các cơ quan trong nước, các Cơ quan đại diện và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cảnh báo, hiện tượng doanh nghiệp ta bị lừa đảo hoặc vướng vào tranh chấp có chiều hướng gia tăng.
Điều này không chỉ gây tổn thất trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến lòng tin kinh doanh và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác.
“Ví dụ, sau vụ việc 100 container hạt điều, doanh nghiệp ta có tâm lý e ngại làm ăn với đối tác Italy hoặc khi đàm phán các hợp đồng lớn. Đáng chú ý, tình trạng lừa đảo gần đây diễn ra phổ biến hơn tại các thị trường lớn, có uy tín và mức độ rủi ro thấp như ở Mỹ, Hà Lan, Italy, Na Uy… thay vì tập trung ở các thị trường châu Phi như trước đây”, bà Ngọc dẫn chứng.
Bà Ngọc cho rằng, nhiều doanh nghiệp cũng chưa chủ động tìm hiểu, thông tin cho các cơ quan chức năng, các cơ quan đại diện, thương vụ ta ở nước ngoài mà chỉ liên hệ khi vụ việc xảy ra, gây khó khăn trong quá trình hỗ trợ giải quyết.
Mặt khác, cũng có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam gian lận, chưa thực hiện đúng hợp đồng, chuyển hàng chưa đúng yêu cầu, tiêu chuẩn hàng hóa của sở tại và bị đối tác khởi kiện, ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu quốc gia, uy tín của doanh nghiệp chân chính.
Theo bà Ngọc, điều rất đáng lưu ý là thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường... “Tức là người tiêu dùng ở châu Âu hiện nay không chỉ đơn thuần yêu cầu về giá cả và chất lượng nữa mà người ta quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó như thế nào. Đây là xu hướng sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ và rõ ràng chúng ta cần phải đón đầu xu hướng này”, bà Ngọc cho hay.
Đưa ra một số khuyến nghị về quản lý nhà nước, bà Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện văn bản pháp luật; tăng cường tuyền truyền và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường EU và về Hiệp định; nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp để đáp ứng quy tắc về xuất xứ hàng hóa.
Theo Báo Quốc tế