Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán được bàn luận từ những năm 2012-2013. Là chủ trương chung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, cùng sự đồng hành của toàn nền kinh tế. Kể từ đó, từng nấc thang đã dần được chinh phục. Cuối tháng này (3/2024), theo kế hoạch, thị trường chứng khoán Việt Nam buộc phải vượt qua kỳ đánh giá của Chỉ số 100 chứng khoán của Financial Times (FTSE), để đến tháng 9/2024 được xem xét nâng hạng chính thức.
Liệu năm 2025, Việt Nam có chính thức trở thành một thị trường mới nổi nay không phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả vượt thử thách lần này. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đánh giá Việt Nam như thị trường mới nổi, những vướng mắc chỉ là yếu tố kỹ thuật. Trong đó, hai “nút thắt” lớn về tiêu chí của FTSE đang được nỗ lực tháo gỡ - về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Có thể nói, chúng ta đã hoàn thành các yêu cầu về định lượng. Tuy nhiên, tiến độ cải cách về định tính chậm hơn dự kiến, liên quan hai “nút thắt” nói trên. Như FTSE đánh giá, đây là những bước tiến lớn, cần mạnh dạn xóa bỏ rào cản ban đầu.
Nhìn lại chặng đường gần một phần thư thế kỷ hình thành và không ngừng nỗ lực tiến lên, dù thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá non trẻ nhưng đã chứng minh được sự trưởng thành nhanh chóng, cũng như tiềm năng, triển vọng tích cực; từng bước khẳng định, phát huy vai trò quan trọng là kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều dự báo kỳ vọng, đến tháng 9/2025, FTSE sẽ chính thức nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp. Nhưng để vượt qua những thách thức cuối cùng, buộc Chính phủ và toàn nền kinh tế phải nỗ lực hơn nữa để tăng tốc, về đích.
Thị trường chứng khoán phản ánh sức khỏe của doanh nghiệp và sự điều hành của Chính phủ; mạnh dạn bước qua những rào cản, đưa thị trường tiệm cận thông lệ quốc tế, mau chóng thu hẹp khoảng cách và trình độ theo đúng tinh thần - bảo đảm lợi ích chính đáng của các thành phần tham gia thị trường theo quy định pháp luật, tất cả các bên sẽ đều có lợi, góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Theo Báo Quốc tế