Ngày 22 tháng 02 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các nội dung thành phần của Chương trình gồm:
- Nội dung thành phần số 01: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa.
+ Rà soát, điều chỉnh, lập mới (trong trường hợp quy hoạch đã hết thời hạn) và triển khai, thực hiện quy hoạch chung xây dựng xã gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa theo quy định pháp luật về quy hoạch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, trong đó có quy hoạch khu vực hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn. Từng bước lập quy hoạch chi tiết xây dựng (sau quy hoạch chung xây dựng xã) nhằm quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan ở khu vực nông thôn. Tập trung quy hoạch lại các cụm dân cư/thôn, bản tại các xã biên giới.
+ Rà soát, điều chỉnh lập quy hoạch xây dựng vùng huyện gắn với quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, trong đó, có quy hoạch khu vực hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn.
+ Xây dựng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, tạo điều kiện thực hiện Chương trình gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
- Nội dung thành phần số 02: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.
+ Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn xã, hạ tầng giao thông kết nối liên xã, liên huyện.
+ Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai cấp xã, huyện, đảm bảo bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
+ Cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định và đảm bảo mỹ quan.
+ Tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh các công trình cấp xã, cấp huyện đảm bảo đạt chuẩn cơ sở vật chất cho các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
+ Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa-thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn.
+ Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chợ an toàn thực phẩm cấp xã; các chợ trung tâm, chợ đầu mối, trung tâm mua – cung ứng nông sản an toàn cấp huyện; trung tâm kỹ thuật nông nghiệp; hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại.
+ Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ các vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết chuỗi giá trị, cơ sở hạ tầng các cụm làng nghề, ngành nghề nông thôn.
+ Tiếp tục xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện.
+ Phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.
+ Xây dựng, hoàn thiện các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo chất lượng đạt chuẩn theo quy định.
+ Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên tỉnh; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các mô hình xử ý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung (cấp huyện và liên huyện), ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp; trong đó có phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn.
- Nội dung thành phần số 03: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
+ Tập trung triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng kinh tế xã hội.
+ Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.
+ Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; chú trọng đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn tập trung, gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững; phát triển lâm sản ngoài gỗ theo thế mạnh của từng vùng.
+ Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với lợi thế vùng miền, thành lập Trung tâm OCOP quốc gia; phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn; đẩy mạnh sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị.
+Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất trong đó, ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị; thu hút khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy thực hiện bảo hiểm trong nông nghiệp.
+ Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản; đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối, tiêu thụ đảm bảo bền vững trước các biến động của thiên tai, dịch bệnh, trong đó ưu tiên phát triển thương mại điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại nông thôn gắn với việc đáp ứng các tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và đáp ứng nhu cầu thị trường.
+ Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
+ Thực hiện hiệu quả Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
+ Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị.
+ Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường; hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn.
- Nội dung thành phần số 04: Giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
+ Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.
+ Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, dột nát; nâng cao chất lượng nhà ở dân cư.
- Nội dung thành phần số 05: Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn.
+ Tiếp tục nâng cao chất lượng, phát triển giáo dục ở nông thôn, trong đó, chú trọng duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở. Duy trì, củng cố chất lượng biết chữ mức độ 1; từng bước nâng cao tỷ lệ biết chữ mức độ 2 cho người lớn trong độ tuổi 15-60 tuổi.
+ Tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn dân; đẩy mạnh hệ thống theo dõi và khám chữa bệnh trực tuyến; đảm bảo hiệu quả phòng chống bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm; cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em; nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.
- Nội dung thành phần số 06: Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.
+ Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, gắn với các tổ chức cộng đồng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao sức khỏe cho người dân (nhất là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi). Phát động các phong trào thể dục, thể thao, rẻn luyện sức khỏe, văn hóa, văn nghệ quần chúng phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương; nhân rộng mô hình câu lạc bộ hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
+ Tăng cường kiểm kê, ghi danh các di sản văn hóa; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; nghiên cứu, mở rộng mô hình kết nối văn hóa truyền thống và văn hóa mới, đảm bảo đa dạng về văn hóa vùng miền, dân tộc phục vụ phát triển du lịch.
- Nội dung thành phần số 07: Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam.
+ Xây dựng và tổ chức hướng dẫn thực hiện các Đề án/Kế hoạch tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện đảm bảo theo quy định; phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh.
+ Thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải (phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, chất thải nhựa…) theo nguyên lý tuần hoàn; tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tỏng hoạt động sản xuất nông, lâm ngư nghiệp ở Việt Nam; xây dựng cộng đồng dân cư không rác thải nhựa.
+ Đẩy mạnh xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường tại những khu vực tập trung nhiều nguồn thải, những nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các khu vực mặt nước bị ô nhiễm; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên.
+ Cải tạo nghĩa trang phù hợp với cảnh quan môi trường; xây dựng mới và mở rộng các cơ sở mai táng, hỏa táng phải phù hợp với các quy định và theo quy hoạch.
+ Giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam; tăng tỷ lệ trồng hoa, cây xanh phân tán gắn với triển khai Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; khu dân cư kiểu mẫu.
+ Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cải thiện vệ sinh hộ gia đình.
+ Triển khai hiệu quả Chương trình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
- Nội dung thành phần số 08: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh, bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
+ Triển khai đề án về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế-xã hội chuyên sâu, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn cho cán bộ, công chức xã theo quy định, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ hành chính công nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, công khai và hiệu quả ở các cấp (xã, huyện, tỉnh); gắn mã, cập nhật, thông báo và gắn biển địa chỉ số cho từng hộ gia đình và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn nông thôn gắn với bản đồ số Việt Nam; bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ cấp xã; phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn.
+ Triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.
+ Tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, giải quyết hòa giải, mâu thuẫn ở khu vực nông thôn.
+ Nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý.
+ Tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội.
- Nội dung thành phần số 09: Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới.
+ Tiếp tục tổ chức triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; nâng cao hiệu quả thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường vận động, phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới.
+ Triển khai hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; xây dựng các Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc “5 tự” và “5 cùng”.
+ Triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.
+ Thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế; triển khai hiệu quả Chương trình trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới.
+ Vun đắp, gìn giữ giá trị tốt đẹp và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam; thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
- Nội dung thành phần số 10: Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn.
+ Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn, phát hiện, giải quyết kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, những vấn đề phức tạp nảy sinh ngay từ đầu, từ nơi xuất phát và ngay tại cơ sở; đồng thời phải sẵn sàng các phương án để đối phó kịp thời và hiệu quả khi xảy ra tình huống phức tạp theo phương châm “bốn tại chỗ”, hạn chế để hình thành các điểm nóng phức tạp về an ninh, trật tự,…; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; củng cố, xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự quản, tự vệ, tự hòa giải,…; triển khai hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
+ Xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, rộng khắp, hoàn thành các chỉ tiêu quân sự, quốc phòng được giao; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; tích cực xây dựng địa bàn nông thôn vững mạnh toàn diện, bảo đảm giữ vững tiêu chí quân sự, quốc phòng trong xây dựng nông thôn mới.
(Theo: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Kèm theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)
NĐT