Một là, đấu tranh pháp lý.
Trên cơ sở nắm chắc luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam về hoạt động trên không gian mạng, các chính sách, tiêu chuẩn cộng đồng của các nhà mạng, thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện những quan điểm sai trái, thù địch để đấu tranh trên phương diện pháp lý. Tận dụng các diễn đàn và dư luận quốc tế để gây sức ép với các nhà mạng chưa tuân thủ luật pháp và bản sắc văn hóa của Việt Nam. Căn cứ vào mức độ vi phạm, quy trình, thủ tục pháp lý để đấu tranh với tổ chức, cá nhân sáng tác, lan truyền các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Việt Nam một cách kiên quyết và khôn khéo. Kiên quyết xử lý hành chính và hình sự các hành vi vi phạm luật pháp về an ninh mạng trong nước, nhất là các đối tượng cầm đầu, quá khích, kết hợp với chủ động cung cấp thông tin, tăng cường giải thích, đối thoại, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhân dân.
Hai là, đấu tranh truyền thông.
Trên phạm vi quốc tế, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế, viết bài đăng các tạp chí khoa học uy tín, xuất bản sách, báo ngoại văn, phát biểu của lãnh đạo trên các diễn đàn quốc tế, hoạt động ngoại giao chính trị... để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Phải huy động các nhà khoa học, lý luận, chính khách hàng đầu thông qua cơ chế khuyến khích hoặc đặt bài. Sản phẩm đấu tranh phải có hàm lượng chất xám cao, khoa học, chặt chẽ, trình bày theo thể thức khoa học, đúng thông lệ quốc tế.
Trong nước, chỉ đạo các phương tiện truyền thông mở các chương trình, chuyên mục, diễn đàn, cuộc thi... về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Huy động lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, trí thức, văn nghệ sĩ tham gia viết bài, sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật để đấu tranh. Mở các diễn đàn, hội, nhóm, lập các tài khoản công khai và ẩn danh trên mạng xã hội để tạo ra lực lượng đông đảo chiếm ưu thế trên không gian mạng. Một mặt, tiến hành đấu tranh công khai, trực diện, liên tục trên báo chí chính thống để định hướng dư luận xã hội. Mặt khác, tạo mặt trận, liên kết nhóm, huy động lực lượng “share, comment, like...” để lan tỏa thông tin tích cực. Xây dựng ngân hàng comment, hình ảnh, video clip về các nội dung mà các thế lực thù địch thường xuyên chống phá để giành thế chủ động trong đấu tranh. Bên cạnh đó, cần tạo dựng được các nhân vật nổi tiếng/người ảnh hưởng (KOLs, Youtubers, Vlogers) gồm các chính khách, nhà tư tưởng, truyền thông có khả năng thu hút được hàng triệu người nghe, xem, bình luận, chia sẻ.
Ba là, đấu tranh kỹ thuật công nghệ.
Ứng dụng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo trong giám sát thông tin, kịp thời phát hiện các quan điểm sai trái, thù địch khi xuất hiện trên không gian mạng. Tiến hành các biện pháp để “pha loãng” thông tin, giảm uy tín nguồn tin, bóc gỡ, chuyển hướng thông tin xấu, độc ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sử dụng “hacker đỏ” đánh sập, chiếm quyền kiểm soát các trang mạng độc hại, ngăn chặn quyền truy cập của người dùng vào các thông tin xấu, độc. Nghiên cứu xây dựng mạng xã hội nội bộ để trao đổi thông tin và liên kết đấu tranh.
Ứng dụng các kỹ thuật tự động nhân bản, like, share để lan tỏa các thông tin tích cực. Phát huy tác dụng của các phần mềm làm video, chỉnh sửa ảnh, trình chiếu để tăng tính hiệu quả của các sản phẩm truyền thông. Bên cạnh đó, cần sử dụng kỹ thuật, công nghệ để thống kê tần suất xuất hiện, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các thông tin xấu độc, đo đếm số người like, share, commnet thông tin tích cực để đánh giá tác dụng, hiệu quả đấu tranh và biểu dương, khen thưởng kịp thời./.
PV