Một là, khách quan, khoa học. Thông tin về chính sách cần được cung cấp, trao đổi dựa trên nhiều nguồn đáng tin cậy, cần chính xác về vấn đề chính sách, rõ căn cứ của các lựa chọn chính sách, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể chính sách, nguồn lực chính sách và các quan điểm, trông đợi của đối tượng chính sách cũng như cộng đồng; cần tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải; cần chính xác cả về nguồn viện dẫn, các luận cứ, luận chứng.
Hai là, có tính hệ thống. Truyền thông chính sách không chỉ là truyền thông về bản thân một chính sách, giải pháp chính sách hay một văn bản chính sách cụ thể mà còn truyền thông toàn bộ quá trình quản trị nhà nước cả về tổ chức, bộ máy, về đội ngũ, về hệ thống quy trình, thủ tục, về các triết lý, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi mà nền công vụ theo đuổi. Truyền thông cho một ý tưởng chính sách cần bảo đảm được kết nối hiệu quả với các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội hoặc các chiến lược ngành.
Ba là, mang tính hai chiều. Truyền thông không chỉ vận động để cộng đồng, xã hội nghe theo, thuận theo ý mình trông đợi, mà đồng thời, cần chủ động tranh biện để thuyết phục là lựa chọn chính sách hay biện pháp chính sách đó là có tính hợp lý, vì mục tiêu lâu dài; chủ động lắng nghe các ý kiến chất vấn và bổ sung để kịp thời điều chỉnh chính sách. Thiết kế và tổ chức quá trình truyền thông chính sách cần mang tính cầu thị (hướng tới các giá trị tốt đẹp và cải thiện chất lượng chính sách vì phát triển xã hội) với mục tiêu để lắng nghe tốt hơn, đặc biệt là để tiếp nhận và phát huy tốt hơn các ý kiến phản biện xã hội, cởi mở, có tính tranh luận, sẵn sàng đối thoại (nghe và đối thoại, kể cả nghe những ý kiến trái chiều).
Bốn là, kịp thời và cẩn trọng. Truyền thông cần được bắt đầu từ khi nhận diện vấn đề chính sách chứ không phải chỉ đến khi chính sách đã được ban hành. Sự cẩn trọng cần được bảo đảm từ khâu lựa chọn các giải pháp chính sách để các lựa chọn đó không dẫn đến các hệ lụy xã hội, hành chính, kinh tế… về lâu dài; không tạo ra sự ức chế, bức xúc trong các bên liên quan.
Năm là, phát huy vai trò của các bên liên quan. Truyền thông chính sách cần được thiết kế, tổ chức bởi những cơ quan chuyên môn nhưng phải được thực thi bởi mọi bên liên quan của quá trình chính sách, bao gồm cả các bên trực tiếp lẫn những bên quan tâm nói chung; đi kèm với các biện pháp bảo vệ an ninh mạng để bảo vệ và duy trì niềm tin vào các chủ thể chính sách hay vào hệ thống công quyền nói chung.
Sáu là, phát huy sức mạnh của nền tảng số. Trong bối cảnh Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, truyền thông chính sách trước nhất cần dựa trên nền tảng hệ thống dữ liệu quản lý nhà nước doanh nghiệp và xã hội, cung cấp đầy đủ các yêu cầu về thông tin, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin như Luật Tiếp cận thông tin đã quy định. Nâng cao dân trí, cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin công cộng và cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến quá trình hành chính nói chung và quá trình chính sách nói riêng. Phát huy sức mạnh của các công cụ và phương thức truyền thông truyền thống như các cuộc tiếp xúc trực tiếp đến khu dân cư, dùng báo in, treo các băng-rôn, khẩu hiệu nơi công cộng… với tư cách là phương thức quan trọng để truyền thông cho mọi chính sách./.
QM