Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, những kết quả đáng khích lệ mà ông vừa nhắc tới thể hiện thế nào qua các chỉ số?
+ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tổng quát thì như Chính phủ và Quốc hội đã khẳng định: Kinh tế vĩ mô nước ta vẫn ổn định, lạm phát ở mức thấp nhất từ năm 2016 đến nay. Tỉ giá, tăng trưởng tín dụng, dự trữ ngoại hối được củng cố, lãi suất giảm.
Điều đáng kể là các cân đối lớn được đảm bảo. Ví dụ: chúng ta thu đủ chi. Thu ngân sách nhà nước năm 2021 vượt 15% so với kế hoạch, vượt so với năm 2020 ước tính khoảng trên dưới 10%. Cân đối lớn thứ hai là kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục đạt mức kỷ lục. Theo ước tính, Việt Nam đã xuất siêu và đạt kỷ lục về xuất khẩu khoảng 670 tỉ USD, đứng vào top 20 các nền kinh tế có giao thương quốc tế.
Cân đối thứ ba là bảo đảm an ninh lương thực. Ngoài việc bảo đảm lương thực cho gần 100 triệu dân thì Việt Nam còn xuất khẩu gạo trên 5 triệu tấn. Cân đối này đối với năm 2021 là rất quan trọng bởi nhiều nước khi dịch bệnh xảy ra tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm đã xuất hiện. Cân đối thứ tư là năng lượng, tuy trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng không bị thiếu hụt.
Cân đối thứ năm là lao động tuy bị đứt gãy trong quý III nhưng phục hồi tích cực vào quý IV.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của những thành công trong gian khó như vậy đến từ đâu?
+ Phải khẳng định rằng nguyên nhân của những thành công trên đến từ sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt trong quản lý của Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp (DN), sự chung tay của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Có thể nói rằng trong khó khăn, khối đại đoàn kết toàn dân đã được phát huy, đó cũng là đặc điểm của dân tộc Việt Nam. Mỗi khi có khó khăn thì người dân, Đảng, Chính phủ, Quốc hội càng đoàn kết, chung tay, càng vươn lên, phát huy được trí tuệ, bản lĩnh và sự hy sinh của người Việt.
Mọi quyết sách của Chính phủ nhằm phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, dù có gây một chút khó khăn cho người dân, DN thì tuyệt đại đa số nhân dân đã hết lòng ủng hộ bằng cách tuân thủ nghiêm túc. Nếu không có sự ủng hộ ấy của nhân dân, chắc hẳn chúng ta chưa thể vượt qua được các khó khăn một cách suôn sẻ như vậy.
Dù vậy thì những biện pháp hành chính và một số quyết sách của Chính phủ ban hành năm ngoái cũng không hẳn là… dễ chịu đối với DN, người dân, thưa ông?
+ Lãnh đạo Chính phủ nhiều lần khẳng định rằng: Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN, doanh nhân, người dân từng phải đối mặt. Thủ tướng và Chính phủ đã chủ động đề ra và tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ hiệu quả, kịp thời để DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, để người dân được hỗ trợ vượt qua khó khăn.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành với sự đồng tình, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng DN, thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống COVID-19 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải giữ vững độc lập, chủ quyền trong trạng thái bình thường mới.
Nhìn chung, cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân đã nắm vững, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiên túc, hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong phòng chống COVID-19 nói riêng.
Năm nay, Chính phủ sẽ tiếp tục định hướng nào để thực sự “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm khôi phục và phát triển kinh tế?
+ Tôi nhớ đến lời của Bác Hồ dạy: Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao.
Tôi vẫn cho rằng đất nước chúng ta, nhất là qua đại dịch COVID-19, đang đứng trước những bài toán, vấn đề lớn cần phải giải quyết để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của từng người dân, từng tổ chức, từng DN…
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra những mục tiêu tổng quát. Nhưng trong năm 2022 thì yêu cầu đầu tiên vẫn phải là thực hiện thật tốt công tác phòng chống dịch bệnh, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ vừa rồi đã trình và được Quốc hội chấp thuận nhiều quyết sách quan trọng, chẳng hạn như dự luật “một luật sửa chín luật”, các cơ chế, chính sách để giải quyết các vấn đề cấp bách khác. Theo bộ trưởng, tinh thần chung của Chính phủ trong những đề xuất chính sách ấy là gì?
+ Tôi cho rằng bên cạnh những giải pháp cấp bách, giải quyết những vấn đề trước mắt thì tinh thần chủ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, DN tốt hơn. Bởi môi trường kinh doanh, khung khổ thể chế, pháp luật luôn là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.
Thủ tướng mới đây có nhắc lại: “Thể chế nào, DN đó” và khẳng định “Chính phủ sẽ cải thiện thể chế, nâng cấp môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta lên nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực”.
Điều này là mục tiêu gần như xuyên suốt trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, thưa ông?
+ Tôi tin chắc chúng ta có thể thực hiện được nhiệm vụ này nếu tinh thần quật khởi như thời gian vừa qua vẫn được duy trì và trí tuệ con người Việt Nam được phát huy cao độ hơn nữa. Khi đề cập đến cải cách thể chế như vậy, Chính phủ và Thủ tướng đặt Việt Nam vào thế cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Nhưng thực ra, chúng ta hiểu rằng cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh thì mục tiêu quan trọng nhất là làm sao các chính sách, pháp luật khi ban hành phải gần với cuộc sống nhất, khả thi nhất, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển nhất. Khi chúng ta ban hành chính sách xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn thì chính sách sẽ mau chóng đi vào cuộc sống, sẽ thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước ta.
Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
Theo PLO