Từ một loại hình sân khấu truyền thống ở vùng đất Nam Bộ, trải qua hơn 100 năm tồn tại với đầy những cung bậc thăng trầm, nghệ thuật cải lương cho đến nay đã trở thành một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Việt Nam.
Cải lương là một loại hình kịch hát hình thành trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long. Cải lương có sự tổng hợp của hát bội và chịu ảnh hưởng của kịch nghệ phương Tây. Trải qua cả thế kỷ hình thành và phát triển, cải lương đã có những biến cải để tạo được cảm tình trong lòng khách mộ điệu, từ nội dung tuồng tích, điệu ca, lời hát cho đến bày trí sân khấu... Dù thay đổi như thế nào, những giá trị cốt lõi của nghệ thuật cải lương Nam bộ: nét bi, sự khôi hài, tính trữ tình, chất anh hùng ca vẫn tồn tại trong từng vở diễn.
Nghệ thuật Cải lương ở Việt Nam (Nguồn ảnh: Internet)
Tính trữ tình của nghệ thuật cải lương thể hiện qua nội dung tác phẩm thường đậm tính văn học kịch. Nội dung văn học kịch sân khấu cải lương phong phú về đề tài, phổ biến là các câu chuyện kể dân gian, truyền thuyết, lịch sử... là những câu chuyện cổ có nội dung xã hội, gắn liền với đời sống tinh thần của con người. Văn học kịch cải lương phản ánh hiện thực xã hội từ cổ xưa đến đương đại và tất nhiên không thể thiếu những câu chuyện về tình thân, tình yêu, tình bạn... được sử dụng như chất liệu chính. Vì vậy, chất trữ tình là đặc trưng, đặc điểm sân khấu cải lương, là nghệ thuật tình cảm. Dù thể hiện theo hướng đề tài nào, sân khấu cải lương thường nói về số phận một con người, trong đó chủ đề nổi bật là tình yêu. Nhiều vở có lối dẫn dắt câu chuyện kịch: tử biệt - sinh ly - chia lìa - gặp lại, từ đó đi sâu khai thác những xung đột tình cảm, tạo cái bi. Qua cái bi, khán giả nhận ra những giá trị nhân bản trong mỗi con người. Mỗi nhân vật có một cuộc đời, một số phận đầy bi ai, nhưng kết cục thì mọi nỗi oan khiên đều minh bạch. Kết có hậu là đặc điểm sân khấu cải lương và sân khấu phương Đông, cũng là nét thẩm mỹ tích cực của sân khấu truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó, hài là đặc tính chung của sân khấu truyền thống Việt Nam, nhưng sân khấu cải lương có nét hài khác lạ. Nếu cái bi của cải lương tập trung khai thác diễn xuất diễn viên, tình tiết trong kịch, âm nhạc và lời ca; thì tính hài lại tập trung vào diễn xuất của diễn viên, chủ yếu ở ngoại hình và ngôn ngữ. Cái hài trong cải lương là sự điểm xuyết vào một chuỗi bi lụy kéo dài, diễn tả tình cảm của nhân vật. Đặc biệt trong cải lương, chất anh hùng ca có từ truyền thống, phát triển qua những vở tuồng cổ cải lương từ năm 1921. Đến cải lương cách mạng, kháng chiến, chất anh hùng ca phát huy trọn vẹn.
Trình diễn cải lương trước năm 1975 ở Sài Gòn (Nguồn ảnh: Internet)
Hiện diện trong ngôi nhà nghệ thuật nước Việt, cải lương với chức năng là một loại sân khấu nghệ thuật, đóng vai trò phản ánh được toàn bộ xã hội, tích cực góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Đặc biệt là cung cấp năng lượng cho lĩnh vực tinh thần, hướng con người hoàn thiện nhân cách đi đến chân - thiện - mỹ. Cải lương buổi ban đầu tiếp cận đông đảo khán giả, được biểu diễn ở nhà hàng, khách sạn phục vụ khách hàng có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Không chỉ thế, một số sự kiện như gây quỹ học đường, quỹ cho thể thao, trùng tu đình chùa, cứu trợ đồng bào… cũng có sự dự phần đóng góp to lớn của các đoàn cải lương.
Theo cách hiểu xưa, thì “cải lương là một thứ kịch bình dân, pha lẫn vui buồn, yêu, ghét mà đối thoại được đổi ra lời nói có nhịp điệu gọi là nói lối và bài ca được biến ra nhiều điệu tùy theo hoàn cảnh của nhân vật”. Với cách hiểu đó và mở rộng ra, chúng ta thấy cải lương ra đời từ trong dân gian, gần gũi với quần chúng, với tâm tư tình cảm, phản ánh đời sống xã hội, hơi thở thời đại.
Khi cải lương ra đời, Nam Kỳ đang là thuộc địa của Pháp, nhưng cải lương vẫn được lan tỏa rộng rãi và được đón nhận. Nhờ khả năng dung nạp, chọn lọc tinh hoa nghệ thuật trong, ngoài nước nên từ khi ra đời, nghệ thuật cải lương đã luôn mới mẻ và hấp dẫn. Các nghệ nhân tiền bối liên tục bồi đắp sáng tạo, làm cho nghệ thuật cải lương theo thời gian phát triển đa dạng, phong phú. Cải lương không chỉ lan tỏa khắp nước Việt, mà còn đến với cả trời Âu, như từ giữa năm 1931 gánh cải lương Phước Cương đã sang Pháp biểu diễn nhân Đấu xảo thuộc địa Paris, đoàn có sự góp mặt của nghệ sĩ Năm Phỉ gây được tiếng vang lớn. Tại miền Nam Việt Nam, thập niên 1960 là thời kỳ hưng thịnh nhất của cải lương miền Nam, lấn át cả tân nhạc. Không chỉ nhờ các gánh hát lưu diễn, mà còn ở sự tiếp cận khán giả từ góc độ nghe, cụ thể là qua băng đĩa. Sau khi được phổ biến khắp miền Nam, dần dần điệu cải lương được đem trình diễn tại miền Trung và miền Bắc, và được đồng bào các nơi đón nhận. Từ sau khi thống nhất đất nước, cải lương miền Nam hoạt động mạnh 10 năm nữa, đến năm 1985, mới dần dần sa sút, vì nhiều lý do, trong đó có thiếu kịch bản hay, thiếu rạp diễn mới và thế hệ lão thành tàn lụi.
Trích đoạn cải lương “Hoa đất” do nghệ sĩ Hồng Thủy (Đoàn Cải lương Tây Đô) diễn (Nguồn ảnh: baocantho)
Qua từng giai đoạn phát triển, cải lương luôn hướng tới những đặc tính thẩm mỹ, nhân văn gắn liền với những dấu ấn thời đại. Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, cải lương thể hiện chất anh hùng ca chiến đấu; chất hài ít khi xuất hiện. Sau hòa bình thống nhất đất nước, nghệ thuật cải lương lại thiên về diễn tả chất trữ tình và hài hước. Điều đó cho thấy sự thích ứng và linh hoạt của nghệ thuật cải lương, cho dù hiện nay sự hiện diện đã mờ đi đáng kể giữa muôn vàn loại hình nghệ thuật số hóa hiện đại. Dường như nhắc về cải lương, “cũng là một cách để lưu giữ hương xưa, bóng cũ trong thời buổi nghệ thuật sân khấu nước Việt trăm hoa đua nở với đủ thứ sáng tạo làm phai nhạt dần bản sắc vậy”.
Trần Thơ