Sử thi Tây Nguyên là bản anh hùng ca hùng tráng, được các thế hệ con người nơi đây trân trọng gọi là Khan, lưu truyền và gìn giữ như tài sản tinh thần vô giá, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cộng đồng. Khan như một sản phẩm văn nghệ độc đáo, lan tỏa những giá trị truyền thống bền vững trong tâm thức của người Tây Nguyên hôm nay.
Nghe nghệ nhân Rơ Mah Kim kể Khan dưới gốc cây đa "Di sản Việt Nam - 400 tuổi" tại làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Ảnh: dangcongsan.vn
Kể Khan như một phương thức lưu truyền sinh hoạt, là sự sáng tạo tinh thần của nhân dân qua nhiều thế hệ. Đó chính là phương thức hữu hiệu để sản phẩm văn nghệ truyền thống luôn lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc. Sống và hòa mình cùng với tâm thức cộng đồng, những sản phẩm đó được điều chỉnh, đổi thay nhiều lần trong lịch sử cho thích hợp với hoàn cảnh sống, trình độ và tập quán thẩm mỹ, tâm lý xã hội của dân tộc. Do đó sử dụng được nó, kế thừa được nó sẽ rất thuận lợi cho việc quần chúng hóa tác phẩm. Ngược lại phương thức lưu truyền không thích hợp, tác phẩm sẽ không đi vào nhân dân được. Bài học rút ra từ phương thức lưu truyền tác phẩm ở một số địa phương vùng Tây Nguyên thời gian không xa trước đây đã minh chứng rất rõ cho nhận định này. Thời gian đó vì điều kiện chủ quan lẫn khách quan, tập quán đọc sách chưa thay thế được tập quán nhớ và truyền miệng trong các cộng đồng tộc người nhưng có địa phương đã chỉ dùng hình thức sách vở để phổ biến các bài thơ mới, với loại thể thơ mới. Kết quả là sách vở in tốn kém mà chỉ một nhóm rất ít người thường là cán bộ của các cơ quan đọc. Nhận thức rõ được vấn đề: “Các tập thơ của chúng ta mang tính hiện đại đem ngâm đọc thì tốt nhưng chưa phù hợp với yêu cầu và tập quán ca hát của quảng đại quần chúng nhân dân”[1], các địa phương đã tiến hành cử cán bộ sáng tác giỏi đi về các bon, plơi sáng tác những bài thơ ca theo các điệu hát truyền thống, phổ biến trong các sinh hoạt quen thuộc như đám cưới, mừng lúa mới, mừng được mùa,… đã tạo được sức cộng hưởng mạnh mẽ trong các cộng đồng. Và như vậy bằng phương thức thích hợp, văn học nghệ thuật thấm sâu, bắt rễ trong quần chúng các dân tộc tạo nên sức mạnh tinh thần mới.
Tận dụng các phương thức sinh hoạt văn học nghệ thuật truyền thống là rất quan trọng đối với vùng các dân tộc ít người hiện nay ở Tây Nguyên nói riêng và trong cả nước nói chung. Nhưng không thể dừng ở đây, không thể chỉ có truyền thống, như thế sẽ thành thủ cựu. Phải từ những phương thức truyền thống mà xây dựng phương thức hiện đại. Kể Khan là một ví dụ.
Kể Khan là một loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc ở cả vùng Tây Nguyên. Hiện nay, các dân tộc Tây Nguyên có khoảng 80 sử thi. Trong đó nổi bật là các sử thi như Đam San, Đăm Di, Khinh Dú, Đăm Đơ Roăn, Y Prao, Mhiêng, Đăm Di đi săn, Đăm Tiông, Đăm Trao - Đăm Rao… Nội dung cơ bản của sử thi chủ yếu ca ngợi, tôn vinh những người có công với cộng đồng buôn làng; đề cao sự sáng tạo, sự mưu trí, tài giỏi, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, đề cao chính nghĩa, phản kháng những điều trái với đạo lý, luật tục; đề cao cái đẹp về sức mạnh hình thể lẫn sức mạnh tâm hồn. Sử thi còn ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, mong muốn chinh phục thiên nhiên để cuộc sống tốt đẹp hơn. Khan tái hiện truyền thống cha ông, về công trạng, phong tục, tập quán của dân tộc bản địa thông qua thể loại sử thi, trường ca. Trong những câu chuyện Khan, không chỉ đơn thuần là sự hình thành trời đất, con người mang yếu tố thần thoại, mà còn cả quá trình hình thành và phát triển lịch sử xã hội, phản ánh rõ nét phong tục, tập quán của các tộc người ở Tây Nguyên qua các giai đoạn lịch sử văn hóa. Người kể Khan không sử dụng nhạc cụ và giao tiếp với nhiều người nghe để được cộng hưởng trọn vẹn giữa truyền thống – hiện đại gắn với sự thăng hoa của những khát khao, niềm tin, lòng tri ân. Bên bếp lửa than hồng, giọng điệu thiết tha, trầm bổng của âm điệu Khan hòa quyện cùng vẻ đẹp của văn hóa rượu cần của người Tây Nguyên “rượu cần lâu năm cất trong đáy mắt em/ anh vít cần, vít cần mà không dám uống” đã tạo nên bức tranh đầy “huyền ảo” trong đời sống văn hóa tộc người.
Kể Khan là loại hình sinh hoạt văn hóa của cộng đồng Tây Nguyên. Ảnh: dangcongsan.vn
Chúng ta hãy cùng nhau đến với làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai để được trải nghiệm cùng Rơ Mah Kim - nghệ nhân hiếm hoi còn sống có khả năng kể Khan để tất cả chúng ta đều cảm nhận được sức cuốn hút của Khan. Bất cứ ai lần đầu tiên tiếp xúc với khan đều hết sức ngạc nhiên bởi giọng kể Khan trầm ấm như tiếng núi rừng Tây Nguyên và những câu chuyện dài dường như không có hồi kết của Rơ Mah Kim. Ông thuộc tới hơn 30 Khan (30 câu chuyện), có những Khan dài phải kể tới 2 ngày 2 đêm mới hết. Trong khi đó, nghệ nhân có tiếng trong vùng thuộc nhiều cũng chỉ vài Khan. Những câu chuyện kể vài ngày không hết ấy, nhưng ông Rơ Mah Kim có niềm say mê đặc biệt nên không bao giờ cảm thấy mỏi mệt mà ông còn có những sáng tạo thêm một vài chi tiết mới để câu chuyện thêm hấp dẫn, sinh động. Từ giọng điệu trầm lắng khi kể về những mất mát, khổ đau của dân làng lúc gặp tai ương; nhưng lại trở nên gấp gáp, vội vã ở những đoạn kể về những cuộc chiến đấu của cha ông trước sự tấn công của các con thú dữ; và hào sảng khi kể về những vị anh hùng chiến đấu và chiến thắng thiên nhiên đã thực sự “dẫn dắt” chúng ta như được hòa mình cùng “khí chất” mãnh liệt nhưng đầy tính “huyền ảo” của người Tây Nguyên. Ông Rơ Mah Kim đã được Nhà nước công nhận chức danh nghệ nhân năm 2016 với mức trợ cấp 700.000 đồng/tháng. Động lực đó càng thôi thúc ông trong hành trình không quản gian nan mà không phải ai cũng có thể vượt qua: vừa tiếp tục biểu diễn kết hợp với truyền dạy cho các thế hệ sau để kể Khan sẽ không bị thất truyền, mãi mãi trường tồn trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên.
Từ hoạt động của nghệ nhân Rơ Mah Kim chúng ta có thể nhận thấy, kể Khan là thể loại diễn xướng khó, nếu không truyền dạy, khó có ai có thể thực hiện được. Thể loại kể Khan đang mai một và có nguy cơ thất truyền nếu không có chính sách bảo tồn, không gian kể Khan như bếp lửa, nhà rông, bến nước… ngày càng hiếm; người kể ngày càng ít và người kể cũng ít có cơ hội kể, dẫn đến việc nhiều người quên lời kể. Trong khi đó, do kể Khan chủ yếu được truyền miệng nên tình tiết câu chuyện có sự hư cấu, tam sao thất bản. Giới trẻ hiện nay cũng không mặn mà, có những Khan dài 2 ngày 2 đêm, nên giới trẻ càng không muốn học kể Khan, vì vậy, hiện nay không ai trong số những người trẻ có thể kể Khan được. Trong thời gian qua, kể Khan hầu như chỉ mới dừng lại ở khâu trình diễn tại các lễ hội truyền thống, giao lưu văn hóa của các tỉnh, huyện.
Xuất phát từ đặc trưng của thể loại diễn xướng này, tất cả những người biết kể Khan đều thuộc Khan chứ không có bản ghi chép. Đây là khó khăn rất lớn trong việc bảo vệ, duy trì và phát huy trong không gian văn hóa, thời gian văn hóa hiện đại. Để khắc phục khó khăn này, một số địa phương ở Tây Nguyên đã tiến hành bảo tồn kể Khan bằng cách cho ghi âm lại, số hóa làm tài liệu lưu trữ để nghiên cứu, truyền dạy. Tuy nhiên, nội dung công việc này đòi hỏi phải có sự tham vấn, thẩm định của các nhà chuyên môn và sự phối hợp giữa cơ quan chức năng. Chính vì thế, để bảo tồn loại hình văn hóa kể Khan, Nhà nước cần có chính sách tổng thể: sưu tầm, ghi chép, ghi âm và in thành sách các bài kể để đưa vào các trường nội trú. Các tỉnh cần có chính sách cụ thể để bảo tồn kể Khan. Ngành văn hóa cần khuyến khích chính quyền địa phương cũng như cộng đồng nếu có điều kiện thì tổ chức các cuộc thi cho nghệ nhân biểu diễn nhằm giữ lại nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc vùng Tây Nguyên. Cần phải tích cực sân khấu hóa, ngắn gọn hóa và đơn giản hóa hình thức kể Khan thì mới hấp dẫn, thu hút, lôi kéo được giới trẻ tham gia nghe Khan, hiểu Khan, học Khan, thuộc Khan và kể Khan để những đêm Khan huyền thoại lại có cơ hội được tái hiện trong không gian văn hóa Tây Nguyên trong thời gian tới.
[1] Kỷ yếu sưu tâm vốn văn nghệ dân gian của các dân tộc Gia Lai – Kon Tum, Ty Văn hóa và Thông tin Gia Lai – Kon Tum, 1981, tr. 223.
Phương Nam