Nằm cách thủ đô Hà Nội gần 300 km về hướng tây bắc, Mù Cang Chải là một trong hai huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, được biết đến là điểm đến du lịch ưa thích mà du khách không thể bỏ qua. Thấp thoáng giữa rừng mây mù là những thửa ruộng bậc thang mênh mông bát ngát, những thung lũng lấp lánh sắc màu, Mù Cang Chải hiện lên với vẻ đẹp xinh tươi như một thiếu nữ miền sơn cước.
Mù Cang Chải là một huyện vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái và cách trung tâm tỉnh 185km. Huyện có tổng diện tích tự nhiên là 120.095ha hầu hết là khu vực núi cao bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn, bao gồm nhiều dãy núi liên tiếp nhau chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, giữa các dãy núi là các khe suối thuộc lưu vực Sông Hồng và Sông Đà, độ cao tuyệt đối thấp nhất là cánh đồng Cao Phạ với độ cao 650m, cao nhất là đỉnh Lùng Cúng thuộc xã Nậm Có với độ cao 2.963m so với mặt nước biển. Địa hình bị chia cắt mạnh, các sườn núi trải dài, mái dốc tạo nên một khung cảnh núi non hoang sơ và hùng vĩ.
Thung lũng Lìm Mông. Ảnh: Internet
Đường lên Mù Cang Chải tuy xa và khúc khuỷu song lại rất thú vị, quang cảnh thay đổi liên tục trên đường, du khách chưa kịp ngắm hết những ngôi nhà sàn của người Thái trên cánh đồng Mường Lò rộng lớn với bạt ngàn hoa ban trắng đã được đến với những con đường quanh co, uốn khúc trên các sườn đồi dốc đứng. Qua đèo Khau Phạ với độ cao 2100m mờ trong sương trắng là tới đất Mù Cang Chải (nơi mà người dân Yên Bái vẫn gọi là “biển mây Khau Phạ”). Từ đây, du khách sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ nét từ thấp đến cao dần khi đến với Mù Cang Chải do phải đi từ đèo này sang đèo khác, núi này qua núi khác, với phong cảnh hùng vĩ hai bên đường là những triền ruộng bậc thang làm choáng ngợp lòng người.
Thung lũng Lìm Mông nhìn từ đèo Khau Phạ. Ảnh: Internet
Khi đến với Đèo Khau Phạ du khách có thể trải nghiệm hoạt động nhảy dù lượn vào mùa lúa chín và mùa nước đổ. Mùa lúa chín là thời điểm Mù Cang Chải quyến rũ và đẹp nhất trong mắt du khách. Những thửa ruộng bậc thang vàng óng, hương ngọc trời ngào ngạt làm say lòng các “vận động viên” trên cao. Đến mùa nước đổ, những cánh đồng như những tấm gương khổng lồ phản chiếu toàn bộ không gian núi rừng hùng vĩ. Hạ cánh từ trên cao, bạn có thể từ từ ngắm nhìn những gì đẹp nhất của Mù Cang Chải từ núi rừng Tây Bắc.
Bay dù lượn trên đèo Khau Phạ. Ảnh: Internet
Nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang rực rỡ tuyệt đẹp, đến với Mù Cang Chải, du khách được đắm chìm vào sắc màu như được nhuộm màu ngọc lục bảo xanh mướt của lúa mới, và đến mùa lúa chín lại óng ánh sắc vàng rực rỡ như mật ong dưới ánh mặt trời. Nhìn từ xa, những thửa ruộng xếp tầng như những bậc thang khổng lồ trải rộng đến tận sát con suối dưới thung sâu, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp, hoang sơ và kỳ vĩ.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn liền với đời sống và tập tục của người Mông. Do thiếu những mảnh ruộng bằng phẳng để canh tác, đồng bào Mông đã tận dụng từng mảnh ruộng nhỏ được vỡ ra ở từng ngọn núi có độ cao từ 800-1.700 mét. Những người nông dân ở đây đã tạo nên một “tác phẩm nghệ thuật” hùng vĩ giữa núi non đại ngàn. Qua những đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo miệt mài, họ đã biến những mảnh đất cằn cỗi thành những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, tạo nên sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa lúa chín. Ảnh: Internet
Mù Cang Chải có 700ha ruộng bậc thang trong đó hơn 47% tập trung ở 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình. Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh thắng cấp Quốc gia. Dừng chân ở bất kỳ nơi đâu vào mùa lúa chín, du khách cũng được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp các sườn đồi. Những ruộng bậc thang ấy không chỉ mang lại sự no đủ cho người dân bản địa mà giờ đây còn là cảnh quan làm mê đắm các du khách, điểm nhấn chủ đạo về du lịch cảnh quan, du lịch cộng đồng mang đặc thù rất riêng của Mù Cang Chải.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nhìn từ đỉnh núi. Ảnh: Internet
Ngoài vẻ đẹp diệu kỳ của những thửa ruộng bậc thang, những năm gần đây, Mù Cang Chải còn có thêm điểm “check in” mới thu hút rất nhiều khách du lịch. Đó là rừng trúc ở xã Púng Luông và xã Mồ Dề. Để tới được rừng trúc, du khách phải di chuyển trên những cung đường nhỏ, quanh co và có độ dốc cao. Tuy nhiên, khi đến đây, mọi mệt mỏi sẽ tan biến, mọi người sẽ choáng ngợp bởi khung cảnh nguyên sơ, kỳ vĩ, chỉ toàn màu xanh ngút ngàn của trúc. Nhiều người đến đây đã ví như lạc vào chốn thần tiên. Với những tín đồ đam mê chụp ảnh, nên chuẩn bị thêm trang phục mang phong cách cổ trang để hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên. Những hàng trúc xanh thẳng tắp, đẹp lãng mạn và thơ mộng chắc chắn sẽ giúp du khách có được những bộ ảnh "để đời”.
Rừng trúc Mù Cang Chải. Ảnh: https://www.baoyenbai.com.vn
Lên thăm Mù Cang Chải mùa lúa chín du khách còn có thể tự tay hái những quả sơn tra về làm quà cho người thân và ghi lại những tấm hình tuyệt đẹp bên những cây sơn tra trĩu quả. Cây Sơn tra hay còn gọi là táo mèo từ bao đời nay đã gắn bó mật thiết với đồng bào vùng cao. Cây sơn tra đang là loại cây quý giúp người dân thoát nghèo và làm giàu. Sản phẩm từ sơn tra đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến là một đặc sản quý. Theo các nhà chuyên môn đánh giá, quả sơn tra có tác dụng tốt đối với bệnh tim mạch, máu nhiễm mỡ, hạ huyết áp, dễ ngủ, giảm béo, làm nước giải khát... Đặc biệt nếu du khách đến Mù Cang Chải vào mùa xuân, cứ đến độ tháng 3, sau thời gian dài ngủ đông, đến một ngày trong nắng mai ấm áp, hoa sơn tra đồng loạt bung sắc trắng tinh khôi, làm bừng sáng khung cảnh núi rừng vùng cao.
Hoa sơn tra nở trắng rừng tại xã Nậm Có – Mù Cang Chải. Ảnh: Internet
Ngoài vẻ đẹp nổi tiếng của ruộng bậc thang, một vài năm trở lại đây cứ đến cuối tháng 12 và tháng 1 hằng năm, Mù Cang Chải còn đón du khách khắp nơi đổ về để ngắm vẻ đẹp của những rừng hoa Tớ Dầy – loài hoa đặc trưng của Mù Cang Chải giữa núi rừng Tây Bắc.
Hoa Tớ Dày ở Mù Cang Chải. Ảnh: Internet
Hoa Tớ Dày là loại hoa rừng thuộc họ đào, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải thường gọi là “Pằng tớ dày” - nghĩa là “Hoa đào rừng”. Hoa Tớ Dày gắn liền với đời sống của nhiều thế hệ người Mông vùng cao Mù Cang Chải, là loài hoa có sức sống mãnh liệt và chỉ nở vào mùa đông lạnh giá. Tớ Dày là loài cây thân gỗ, tán rộng, mọc trên những sườn đồi, triền núi, hay những thung lũng. Vào tháng 9-10, cây Tớ Dày bắt đầu trút lá để nhường nhựa sống, dưỡng chất cho những chồi búp non, nụ hoa vừa nhú trên những cành cây khẳng khiu, trơ trụi. Bước vào tháng 12, trong những cơn mưa xuân lất phất đầu mùa, cây sẽ đua nở chồi non, nụ hoa như bừng tỉnh sau một giấc ngủ vùi dài ngày. Hoa và lộc non của Tớ Dày cùng cựa mình nảy nở, sinh sôi một thời điểm. So với hoa đào ta, hoa Tớ Dày có màu sắc thắm hơn, lại được điểm xuyết bằng nhụy đỏ dài. Trên cùng một cành, số lượng nụ hoa Tớ Dày nhiều hơn gấp nhiều lần so với hoa đào ta.
Theo các cụ già người Mông, không biết loài cây này có từ bao giờ, gốc gác từ đâu, chỉ biết khi người Mông sinh ra và lớn lên đã thấy sắc đỏ, hồng phai của nó hiện hữu trên con đường đi lên nương, lên rừng lấy mật ong, hái củi vào mỗi độ giáp Tết. Đồng bào Mông ở Tây Bắc rất ưa thích hoa Tớ Dày bởi hoa Tớ Dày còn là biểu tượng cho tâm hồn, phong cách sống của cộng đồng dân tộc Mông và của núi rừng Tây Bắc.
Du khách ngắm rừng hoa Tớ Dày. Ảnh: Internet
Nằm trên độ cao 1.400m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm từ 17 – 18 độ C, cách trung tâm huyện Mù Cang Chải khoảng 40km, du khách sẽ bắt gặp một cánh đồng hoa rộng lớn với nhiều loại hoa khoe sắc. Cánh đồng hoa hồng ở xã Nậm Khắt đã làm thay da đổi thịt đời sống của đồng bào cùng cao nơi đây. Đây được mệnh danh là cánh đồng hoa lung linh sắc màu, đẹp và lớn nhất ở nơi rẻo cao của huyện Mù Cang Chải.
Cánh đồng hoa ở xã Nậm Khắt. Ảnh: Internet
Mù Cang Chải còn có khu bảo tồn sinh cảnh với trung tâm là xã Chế Tạo và vùng ngoại vi phía Bắc, phía Đông các xã Dế Xu Phình, Púng Luông, Nậm Khắt với các loại dược liệu quý như: đẳng sâm, hà thủ ô, sa nhân… cùng nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới.
Đến với Mù Cang Chải dù chỉ một lần du khách cũng cảm nhận được sự giàu có của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa, sự ấm áp của tình người. Mù Cang Chải là huyện có 90% dân số là dân tộc Mông còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác. Sự đa dạng về dân tộc tạo nên cho Mù Cang Chải có một nền văn hóa vừa phong phú, vừa mang đậm bản sắc dân tộc, đó là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.
Văn hóa của người Mông có những nét rất đặc sắc như nhà ở của người Mông là nhà nền đất. Cột và khung nhà bằng gỗ, mái lợp gỗ pơmu chẻ mỏng. Khi các gia đình người Mông dựng nhà đều làm lễ “Dựng thần cửa” với ý nghĩa bảo vệ con người và tài sản gia đình.
Tín ngưỡng truyền thống của người Mông là thờ đa thần. Họ thờ cúng tổ tiên là ông bà, cha mẹ... Thờ cúng tổ tiên được coi là nghi lễ tín ngưỡng có tính cộng đồng mạnh mẽ, có tác dụng bảo tồn và gìn giữ cội nguồn văn hóa truyền thống.
Người Mông ăn tết vào đầu tháng 12 âm lịch (trước tết Nguyên đán cổ truyền 1 tháng). Hằng năm, vào ngày 30 tết, họ đóng 1 tập giấy bản vào vách, khi mổ gà cúng, lấy lông gà chấm vào tiết dính lên trên tập giấy đó. Người Mông quan niệm thần nhà là biểu tượng cho sự đầy đủ, giàu sang. Ngày tất niên, họ trang trọng làm lễ cúng thần nhà, để tỏ rõ sự biết ơn và cầu xin thần nhà phù hộ cho một năm mới tốt đẹp.
Trong những ngày tết, cộng đồng người Mông thường tổ chức đua ngựa, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, hội Gầu tào, ném pao... Thanh niên nam nữ ăn mặc đẹp, rủ nhau đi chơi, thổi kèn lá, kèn môi, ném pao, hát đúm. Ngày tết còn có ý nghĩa là ngày hội giao duyên của các đôi trai gái.
Đồng bào Mông Mù Cang Chải quan niệm, động, thực vật chung quanh con người đều có phần hồn và phần xác, và để cảm tạ tổ tiên, trời đất đã mang lại những mùa vàng bội thu, thóc lúa đầy nhà, từ đó đã hình thành nghi thức bản sắc dân tộc - lễ cúng cơm mới của người Mông. Bước đầu tiên của một lễ cúng cơm mới đó là các thiếu nữ Mông trong trang phục của dân tộc mình ra thửa ruộng chọn ở chỗ lúa chín vàng nhất, gặt đủ ăn một bữa, rồi mang về nhà, sau đó mang những hạt lúa mẩy cho vào chảo rang đều đến khi khô là được.
Công đoạn tiếp theo là đem lúa đã rang khô đi giã bằng cối đá, cối gỗ thành những hạt gạo thơm mùi cốm, lại cho tiếp vào nồi, đổ nước nấu cơm, khi cơm chín xơi lên đầy một chiếc bát to, hay chậu con sạch để dâng lên mâm cúng. Mâm cỗ cúng ngoài bát cơm mới, còn có thức ăn chín như: thịt lợn luộc, thịt gà, cá suối, hoặc cá ruộng nướng, một bát nước canh, muối trắng và một vài gia vị khác. Mâm cỗ được bày tại gian giữa của nhà, chủ nhà bắt đầu cầu khấn, cảm ơn tổ tiên, đất trời, cảm ơn dòng họ đã cho một mùa vàng bội thu.
Nghi thức rước của Lễ cúng cơm mới. Ảnh: https://www.baoyenbai.com.vn
Sau khi cầu khấn chừng 15 - 20 phút, chủ nhà lấy mỗi thứ trên mâm cỗ một ít, mang rắc ra trước cửa nhà, vườn nhà, sau đó ngồi thử nhấm các món, rồi dọn mâm, bát, cỗ bàn thiết đãi khách. Bát cơm cúng là những hạt lúa thu hoạch đầu tiên, sau lễ cúng cơm mới thì mới tiếp tục được thu hoạch lúa và thưởng thức những món ăn truyền thống của vùng như: Lợn bản, gà xương đen, thịt trâu, bò, ngựa sấy khô, bánh chưng, bánh dày, rượu thóc, xôi ngũ sắc, gạo nếp Tú Lệ, mật ong rừng, táo mèo.
Đến với Mù Cang Chải du khách sẽ được đắm mình trong những biển mây trắng bồng bềnh bao phủ cả triền núi, được khám phá nhiều điều thú vị về cảnh sắc thiên nhiên, những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ và những nét đặc sắc của văn hóa vùng cao với người dân chân chất giản dị luôn tận tình chu đáo với du khách thập phương. Hãy khám phá Mù Cang Chải theo cách đặc biệt nhất, vì nơi đây sẽ là một trong những trải nghiệm thú vị của những người đam mê cảnh sắc thiên nhiên. Với nhiều cảnh đẹp tựa trong tranh, Mù Cang Chải đang ngày càng hấp dẫn khách du lịch cả trong và ngoài nước.
Nguyễn Ngọc