Công nghiệp điện ảnh là một trong 12 ngành của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Tất nhiên, để trở thành là một ngành công nghiệp văn hóa đúng nghĩa thì công nghiệp điện ảnh phải phát triển toàn diện, trong đó đóng vai trò quan trọng là sự hài hòa giữa các dòng phim. Mỗi dòng phim sẽ có những công chúng tiêu dùng nghệ thuật riêng nên cần chú ý tới sự chệnh lệch tỷ lệ giữa các dòng phim, tránh dẫn đến sự “hụt hẫng” trong đời sống văn hóa theo yêu cầu của từng đối tượng công chúng.
Một cảnh trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Ảnh: Internet
Tại Hội nghị triển khai, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh, do Cục Điện ảnh Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức ngày 28-12-2023[1], ông Nguyễn Văn Nhiêm, Chủ tịch Hiệp hội phát hành và phổ biến phim đã cho biết cụ thể: trong năm 2023, điện ảnh Việt Nam đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các đề tài chính luận, hình sự, tình yêu - hôn nhân... được liên tục ra mắt và nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Tuy nhiên, trong bức tranh phim truyện dần khởi sắc ấy vẫn có một mảng trống là dòng phim dành cho thiếu nhi và hầu như không có đóng góp gì đáng kể vào con số trên đây! So với trước, thế hệ thiếu nhi hiện nay đang phải chịu thiệt thòi vì thiếu thốn những sản phẩm văn hóa dành riêng cho lứa tuổi của mình.
Cho đến nay, dù đã "trình làng"trong thời gian dài, nhưng những bộ phim như Đất phương Nam (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, 1997), Đội đặc nhiệm nhà C21 (đạo diễn Vũ Hồng Sơn, 1998), Kính vạn hoa (đạo diễn Nguyễn Minh Chung, Đỗ Phú Hải, 2004) –vẫn là món quà đẹp đẽ dành cho tuổi thơ của cả một thế hệ. Khoảng hơn chục năm gần đây, một số đạo diễn bắt đầu khơi lại hi vọng về việc phục hồi sân chơi ấy với một số bộ phim thiếu nhi của một vài tác giả tâm huyết, như: Bi, đừng sợ (2010) của đạo diễn Phan Đăng Di; Tâm hồn mẹ (2011) của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, đặc biệt là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ... Để rồi, sau thời “hoàng kim” ấy, tuổi thơ của các em có thể bị đánh cắp bằng việc ngồi cùng người lớn xem những bộ phim dài tập không phù hợp lứa tuổi, trôi nổi cùng các chương trình truyền hình thực tế hay sử dụng thời gian hè rảnh rỗi trong những quán game. Và, hệ lụy của những vấn đề đó là điều chúng ta dễ nhận thấy!
Sự thiếu hụt này, thoáng qua tưởng đơn giản nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của các em, đặc biệt là trẻ em nông thôn, miền núi hay vùng sâu vùng xa. Bởi, với trẻ em thành phố, mùa hè các em có thể tới rạp xem phim nước ngoài, tới trung tâm giải trí, tham gia các khóa học nghệ thuật. Nhưng với trẻ em nông thôn, nơi chỉ có trang sách hay chiếc tivi làm phương tiện giải trí thì việc không có phim truyện dành riêng cho mình, đồng nghĩa với việc các em thiếu đi một phương tiện để làm phong phú đời sống tinh thần.
Thành công từ nhiều bộ phim thiếu nhi trước đây với việc tạo được tiếng vang và chỗ đứng trong lòng đông đảo công chúng nhỏ tuổi đã chứng minh, phim thiếu nhi Việt Nam rõ ràng không hề thiếu người xem, không hề thiếu "đất" để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, việc tìm cách lấp khoảng trống cho phim thiếu nhi vẫn chưa có những giải pháp phù hợp, trong khi đó, những đề tài phim dành cho người lớn hầu như đã được khai thác triệt để đến mức "bội thực", lãng phí! Ðiều này khiến không ít người băn khoăn: Phải chăng, vì thực hiện những bộ phim thiếu nhi quá khó hay vì những nhà làm phim Việt Nam đang thiếu mất cái "tâm" dành cho trẻ?
Không khó để nhìn ra nguyên nhân khiến phim truyện dành cho trẻ em vắng bóng suốt một thời gian dài và chưa có tín hiệu thay đổi.
Nguyên nhân đầu tiên được những nhà sản xuất cho rằng, sản xuất một bộ phim truyền hình dành cho trẻ em khó khăn hơn so với làm phim về các đề tài khác, đặc biệt ở khâu diễn viên. Với đặc thù của phim truyền hình, quá trình sản xuất kéo dài nên khâu lựa chọn và tuyển dụng diễn viên nhí để phân vai gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ hai, về phía phụ huynh luôn phải cân nhắc giữa việc cho con đóng phim và đảm bảo số buổi học trên lớp. Nhiều phụ huynh có cùng quan điểm xem việc đóng phim là tay ngang nên đa số phụ huynh vẫn ưu tiên cho việc học là chính. Vì thế, lâu nay, diễn viên nhí tham gia phim phần lớn đều chỉ học diễn xuất ở những câu lạc bộ nên các nhà làm phim không có được những diễn viên chuyên nghiệp thực sự ở mọi phương diện.
Thứ ba, kịch bản phim truyện dành cho thiếu nhi luôn ở trong tình trạng khan hiếm. Thực chất, để có được những bộ phim phù hợp với trẻ em hiện nay, cần những kịch bản viết về cuộc sống hiện đại với những nhân vật, vấn đề của đúng lứa tuổi đó. Song cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một kịch bản phim dài hơi nào đáp ứng được tiêu chí này. Thấp thoáng đâu đó vẫn chỉ là những kịch bản dành cho tiểu phẩm, những tình huống phát sóng trên truyền hình.
Thứ tư, việc sản xuất phim của các nhà sản xuất tư nhân phụ thuộc vào quảng cáo. Phim không thu hút được quảng cáo như phim thiếu nhi, thua lỗ là điều thường thấy, trong khi các thương hiệu nhãn hàng có vô số kênh lựa chọn để quảng bá. Nhà sản xuất tư nhân không mặn mà với phim thiếu nhi vì bài toán kinh tế.
Sự thiếu hụt dòng phim thiếu nhi tưởng chừng đơn giản nhưng có thể lại dẫn đến những hậu quả vô cùng nặng nề, đó là sự khô khan trong tâm hồn hay sự mất cân bằng, lạc lõng về văn hóa trên chính nơi mình sinh ra vì sự ảnh hưởng quá nhiều từ các sản phẩm văn hóa nước ngoài. Trẻ em rất cần những bộ phim nói về gia đình, tình yêu thương, những giá trị đạo đức tốt đẹp trong cuộc sống hằng ngày, những mơ ước khát vọng làm động lực để các em hướng tới trong tương lai. Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, các sản phẩm giải trí cho thiếu nhi rất được chú trọng, thậm chí, họ có những hãng phim riêng để sản xuất cho thiếu nhi.
Chính vì thế, việc xây dựng một chiến lược điện ảnh học đường tầm cỡ quốc gia để giải quyết hai vấn đề nổi cộm nhất về phim thiếu nhi của Điện ảnh Việt Nam hiện nay giữa quan niệm của người sáng tác và định hướng của nhà quản lý là cấp thiết. “Điện ảnh học đường” thực sự đóng vai trò của điện ảnh trong sự nghiệp trồng người, phục vụ chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai đất nước; và khi đó mới huy động được những ngành liên quan như văn hoá, giáo dục, đoàn thanh niên, hội nhà văn… tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, Cục Điện ảnh Việt Nam cũng cần nghiên cứu sớm thành lập hãng phim thiếu nhi, thay vì một vài tổ làm phim thiếu nhi “thấp bé nhẹ cân” ở một vài hãng phim như hiện nay. Đồng thời, nên thành lập khoa diễn viên thiếu nhi tại một số trường nghệ thuật; hoặc là tổ chức những câu lạc bộ diễn viên thiếu nhi dưới sự bảo trợ của ngành điện ảnh Nhà nước. Trong thời gian tới, cần triển khai tổ chức định kỳ những Tuần phim thiếu nhi hoặc Liên hoan phim thiếu nhi Việt Nam như một số nước đã và đang làm.
Thiết nghĩ, "trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai", bộ môn nghệ thuật thứ bảy luôn là nơi truyền tải rất tốt những nội dung giáo dục tâm hồn, đạo đức, lối sống của trẻ nhỏ. Chính vì thế, để có một "thế giới ngày mai" tươi đẹp, đã đến lúc vấn đề lấp chỗ trống cho phim thiếu nhi cần được quan tâm và đầu tư đúng mức. Tất nhiên, để làm tươi mới diện mạo của phim thiếu nhi Việt Nam là điều không dễ. Song hy vọng, với nỗ lực và cái tâm dành cho thiếu nhi, những nhà quản lý văn hóa và cả những nhà làm phim sẽ tìm được hướng đi đúng đắn để tuổi thơ Việt Nam không còn phải "khát" phim thiếu nhi, và để dòng phim thiếu nhi có thể bứt phá về chất lượng khi đồng hành cùng những bộ phim quốc tế ở thời gian không xa trong xu thế phát triển chung của công nghiệp văn hóa.
[1] CTTĐT: Tổ chức Hội nghị triển khai, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh; https://bvhttdl.gov.vn/to-chuc-hoi-nghi-trien-khai-pho-bien-cac-van-ban-quy-pham-phap-luat-huong-dan-thi-hanh-luat-dien-anh-20230627143357752.htm
Phương Nam