Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Hương Sơn (Hà Tĩnh), hàng năm đều thu hút đông đảo người dân thập phương về tham dự. Không chỉ là dịp để tưởng nhớ đến một danh y tài ba, lễ hội còn mang trong mình những giá trị nhân văn sâu sắc, phản ánh truyền thống đạo đức cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là dịp tri ân, tưởng nhớ công ơn của Đại danh y Lê Hữu Trác. Ảnh: hatinh.gov.vn
Sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ là một bậc thầy y thuật tài năng mà còn là một nhân cách cao thượng, một nhà tư tưởng lỗi lạc của dân tộc thế kỷ XVIII. Ông sinh năm 1724 và qua đời vào một ngày Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi 1791. Với tấm lòng nhân hậu, ông đã dành cả đời để nghiên cứu và chữa bệnh, mang lại sức khỏe cho rất nhiều người. Để tưởng nhớ công ơn to lớn của ông, từ ngày giỗ đầu, nhân dân trong vùng đã tự nguyện tổ chức lễ dâng hương tại mộ, cúng tế tại nhà thờ và cầu siêu, cầu an tại chùa. Dần dà, những hoạt động này trở thành một truyền thống đẹp, được tổ chức thường niên vào dịp Rằm tháng Giêng. Cùng với các nghi lễ tâm linh, lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa như múa lân, thả diều, kéo co, đẩy gậy, chơi cờ người, Đua thuyền trên sông Ngàn Phố và một số hoạt động thể dục thể thao sôi động như cầu lông, bóng bàn, bóng đá, leo núi… thu hút được đông đảo người tham gia, tạo nên một không khí vui tươi, náo nhiệt và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Các nghi lễ trong lễ hội Hải Thượng Lãn Ông mang nhiều ý nghĩa tâm linh và văn hóa. Đầu tiên là lễ dâng hương tưởng niệm tại Khu mộ. Nghi lễ này được thực hiện theo truyền thống của dân tộc và phong tục tập quán của địa phương. Lễ vật được bày biện đơn giản, thanh tịnh gồm: hương, rượu, hoa quả. Những năm gần đây, du khách thập phương khắp nơi tìm về dâng hương tưởng niệm Đại danh y và tham dự lễ hội nên thường cung tiến các vật phẩm, ngũ quả, xôi gà... Kế tiếp là lễ rước các vật phẩm cung tiến Đại danh y từ Khu mộ lên Nhà thờ với sự tham gia của 12 đoàn rước. Sau đó là lễ cúng ngày kỵ được diễn ra tại nhà thờ của Đại danh y Lê Hữu Trác ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn. Nghi lễ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, lễ vật có đủ: hương, nến, hoa quả, trầu cau, nước, xôi, gà, rượu, tiền vàng.
Người dân tổ chức lễ rước, cúng tế tại nhà thờ Lê Hữu Trác (thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm). Ảnh: hatinh.gov.vn
Lễ cúng tế Hải Thượng Lãn Ông được tổ chức vô cùng trang trọng bởi một đội tế lễ thành tâm. Các thành viên trong đội, bao gồm chủ tế, bồi tế, nội tán, chấp sự và người đọc chúc văn, đều được lựa chọn kỹ lưỡng, thể hiện sự tôn kính sâu sắc đối với Đại danh y. Trong trang phục truyền thống, họ thực hiện các nghi thức tế lễ theo đúng nghi thức cổ truyền.
Bài văn tế, với những câu từ trang trọng, ca ngợi công lao to lớn của Hải Thượng Lãn Ông, không chỉ là lời tri ân sâu sắc mà còn là lời nhắc nhở thế hệ sau về truyền thống y đức cao quý. Cùng với đó, nghi thức cầu an, cầu sức khỏe tại khu mộ, tượng đài hoặc chùa Tượng Sơn càng làm tăng thêm không khí trang nghiêm của lễ hội.
Đặc biệt, hoạt động thả đèn hoa đăng trên sông Ngàn Phố là một hình ảnh đẹp và ý nghĩa. Ngọn lửa lấp lánh của những chiếc đèn hoa đăng không chỉ mang đến không gian lung linh, huyền ảo mà còn tượng trưng cho những lời cầu nguyện tốt đẹp gửi đến Đại danh y và cầu mong cho một năm mới an lành, hạnh phúc. Việc làm này mang nhiều ý nghĩa bởi Hải Thượng Lãn Ông và gia đình ông vốn xuất thân từ Phật giáo. Chính vì vậy, lễ cầu an, cầu sức khỏe luôn thu hút đông đảo sự tham gia của tăng ni, phật tử.
Hội đua thuyền trên sông Ngàn Phố trong khuôn khổ Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông năm 2024. Ảnh: haftinh.gov.vn
Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông không chỉ là dịp tưởng niệm mà còn là một lễ hội sôi động với muôn vàn hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian hấp dẫn. Tiếng trống hội rộn rã hòa cùng tiếng cười nói râm ran tạo nên một không khí thật náo nhiệt trong khung cảnh đua thuyền trên sông Ngàn Phố, nấu bánh chưng, trò chơi đẩy gậy, vật tay, giải chạy việt dã leo núi Minh Tự... đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Bên cạnh đó, những gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các cuộc thi đa dạng đã góp phần làm phong phú thêm cho lễ hội.
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một biểu tượng của y đức, của tấm lòng nhân hậu, có nhiều đóng góp to lớn cho nền y học nước nhà. Việc tôn vinh ông không chỉ là tôn vinh một cá nhân mà còn là tôn vinh những giá trị cao đẹp mà ông đã mang đến cho cuộc sống của nhân dân. Bên cạnh đó, lễ hội còn là dịp để chúng ta tưởng nhớ đến những người đã khuất, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” là một nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Việt Nam. Qua lễ hội, chúng ta giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo, biết ơn tổ tiên, những người đã có công xây dựng và gìn giữ đất nước. Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông cũng là dịp để cộng đồng cầu mong sức khỏe, bình an. Trong không khí trang nghiêm của lễ hội, người dân cùng nhau cầu nguyện cho một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc. Điều này thể hiện mong muốn của con người về một cuộc sống ấm no, yên lành. Đồng thời, lễ hội cũng là nơi mọi người gặp gỡ, giao lưu, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng.
Năm 2015, Bộ VHTT&DL đã có quyết định số 3465/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây không chỉ là một lễ hội truyền thống mà còn mang trong mình những giá trị nhân văn sâu sắc. Lễ hội là dịp để chúng ta tìm hiểu về lịch sử, về văn hóa của dân tộc, như một sự nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sức khỏe, của bản sắc và sự đoàn kết trong xã hội hiện đại.
Thành Nguyễn Hương