Nhiều cán bộ, đảng viên nay ở độ tuổi lục thập, thất thập được chứng kiến, trải nghiệm lịch sử chuyển đổi đất nước. Lúc cam go, gian khổ nhất là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nhiều đảng viên thời đó rất vinh dự, tự hào được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam với lời thề nguyện quyết theo Đảng tới cùng, nguyện chiến đấu hy sinh thân mình vì lý tưởng Cộng sản, rất ít đảng viên hèn nhát, thoái thác nhiệm vụ.
Ngày nay, lịch sử thời cuộc sang trang, cuộc cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đảng ta lãnh đạo đã dành được nhiều thành tựu vĩ đại. Đất nước ta chưa bao giờ giàu đẹp như ngày nay, vậy mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân dụ dỗ, bị tiêm nhiễm âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch luôn chống phá Đảng ta. Họ mắc căn bệnh mà dư luận tích cực của xã hội nói là bệnh “Nhạt Đảng”, phai nhạt lý tưởng Đảng. Chúng ta - những cán bộ, đảng viên có trách nhiệm và tình cảm với Đảng phải kiên quyết phòng, chống, chữa căn bệnh này.
NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA CĂN BỆNH “NHẠT ĐẢNG’ VÀ HẬU QUẢ CỦA NÓ.
Ở góc độ ứng xử văn hóa chính trị thì bệnh “Nhạt Đảng”, phai nhạt lý tưởng Đảng ở những cán bộ, đảng viên đó đã làm giảm và mất dần đi những tiêu chí, tiêu chuẩn, lý tưởng Đảng cộng sản ở bản thân họ.
Trong thực tiễn và kinh nghiệm ở cơ sở Đảng cho thấy ở những mô hình cơ sở Đảng có khó khăn hoặc yếu kém trong quản lý, giáo dục, kiểm tra cán bộ, đảng viên thì căn bệnh này dễ nảy sinh. Tại mô hình cơ sở Đảng có quá đông đảng viên, nhiều đảng viên hưởng chế độ hưu trí, không ít đảng viên chưa ổn định an cư, có mức sống ở mức trung bình; khá đông đảng viên từ quân đội về hưu còn sức khỏe có nhu cầu làm thêm để tăng thu nhập. Trong điều kiện môi trường loại mô hình cơ sở Đảng đó rất dễ có căn bệnh này; cũng dễ nhận diện ở trên các lĩnh vực về nhận thức chính trị, thực hiện nguyên tắc thủ tục lãnh đạo Đảng và thực hiện nhiệm vụ, tư cách đảng viên.
Về nhận thức chính trị tư tưởng, những biểu hiện này là trước hết và là nguyên nhân của các hiểu hiện khác. Những đảng viên mắc căn bệnh này họ giảm nhiệt tình với Đảng, giảm đi danh hiệu tự hào là đảng viên. Họ ít rèn luyện bản lĩnh chính trị, ngại hoặc bắt buộc phải học tập chính trị lý luận và nghị quyết, các quan điểm đổi mới của Đảng. Họ phai nhạt và thiếu tin vào lý tưởng của Đảng, họ lảng tránh trách nhiệm nghĩa vụ, đòi hỏi quyển lợi, có lúc công thần. Điều nguy hại hơn họ dễ bị hoặc đã bị tiêm nhiễm trước các luận điệu, thủ đoạn, âm mưu tuyên truyền, kích động của các thế lực thù địch đang chống phá Đảng ta. Có đảng viên bộc lộ rõ căn bệnh nói “Trót vào Đảng rồi nay phải theo”.
Trong thực hiện nguyên tắc, thủ tục lãnh đạo của Đảng và các quy định, quy chế của tổ chức cơ sở Đảng, những đảng viên mắc căn bệnh trên tỏ ra mờ nhạt, thực hiện không nghiêm túc. Trong các hoạt động sinh hoạt, lãnh đạo thường kỳ, hoạt động học tập, phê bình, tự phê bình trong Đảng họ; nêu ra khá nhiều lý do (kể cả tạm xin miễn sinh hoạt Đảng) để xin nghỉ. Một số biểu hiện khác cũng khá lạ và đáng suy ngẫm là trong các kỳ sinh hoạt Đảng tập trung, thường kỳ không ít đảng viên dự song để “đánh trống ghi tên”, “thứ nhất ngồi lỳ, thứ nhì nhất trí”. Có đảng viên thản nhiên nói “Nghỉ hưu rồi còn lãnh đạo ai”. Một số đảng viên nghỉ hưu, chuyển sinh hoạt về nơi cư trú nhưng họ không làm thủ tục chuyển sinh hoạt, có người khuyên, nhắc nhở họ thản nhiên “thôi để kỷ niệm một thời đã qua”.
Trong thực hiện nhiệm vụ, tư cách và đạo đức, lối sống của đảng viên, những biểu hiện của số đảng viên mắc bệnh trên chúng ta càng thấy rõ họ không thực sự tiêu biểu, nêu gương. Họ không tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động, các quy định, quy chế do lãnh đạo, đoàn thể đề ra. Việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống họ có những vi phạm ở mức độ khác nhau như cờ bạc, cá độ ăn tiền, mất đoàn kết nội bộ, ứng xử thiếu văn hóa. Họ tham gia vào cả việc kiện cáo nhau trong tranh chấp đất đai, có cả thách thức với lãnh đạo cơ sở vì quyền lợi cá nhân quá ích kỷ.
Các biểu hiện của căn bệnh trên ở góc độ cơ sở khá nhiều và có các biểu hiện mới. Song các biểu hiện trên đúng như quan điểm Đảng ta nhiều lần chỉ rõ: Đó là biểu hiện của sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện của sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của bộ phận cán bộ, đảng viên.
HẬU QUẢ KHÓ LƯỜNG
Quan điểm Đảng ta qua các kỳ họp bàn và kết luận về vấn đề phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã khẳng định: Suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên cấp cao, cấp chiến lược sẽ gây hậu quả khó lường. Theo quan điểm đánh giá của Đảng thì căn bệnh “Nhạt Đảng”, phai nhạt lý tưởng Đảng là biểu hiện sự suy thóa về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống ở cơ sở cũng gây những hậu quả không nhỏ trên các mặt.
Trước hết căn bệnh này làm giảm sức mạnh lãnh đạo, chiến đấu và giáo dục của tổ chức cơ sở Đảng. Sự suy giảm đó có ngay từ việc xây dựng nghị quyết lãnh đạo vì không có nhiều ý kiến tham gia, rồi đến khâu tổ chức thực hiện không có nhiều đảng viên đi đầu, nêu gương thực hiện. Trong hoạt động phê bình, tự phê bình lại càng khó khăn bởi nhiều đảng viên “mũ ni che tai”, đúng sai không rạch ròi thì sự việc không tốt, con người yếu kém khó tiến bộ.
Một hậu quả không nhỏ nữa là uy tín của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên cũng suy giảm theo bởi sự suy giảm sức mạnh lãnh đạo, chiến đấu của Tổ chức và đảng viên. Sự suy giảm uy tín, danh dự là rất nguy hại cho tổ chức Đảng và đảng viên không dễ lấy lại nhanh được.
Tiếp đến hậu quả của căn bệnh trên là cơ hội lợi dụng cho kẻ xấu, cho các thế lực thù địch tăng cường chống phá Đảng ta.
Có thể thấy rõ hậu quả của căn bệnh khó lường trên nhiều mặt nếu không phòng, chống, chữa bệnh từ sớm, từ cơ sở để căn bệnh nặng hơn sẽ mất cán bộ, đảng viên.
PHÒNG, CHỐNG, CHỮA BỆNH ‘NHẠT ĐẢNG’, PHAI NHẠT LÝ TƯỞNG ĐẢNG LÀ TRÁCH NHIỆM VÀ TÌNH CẢM CỦA MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Nhiệm vụ, yêu cầu phòng chống và chữa căn bệnh trên được xác định là trách nhiệm chính trị, còn là tình cảm đồng đội, đồng chí, còn là nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn, xây dựng Đảng từ cơ sở.
Hai nhiệm kỳ qua, Đảng ta đã đúc rút ra được rất nhiều cơ sở lý luận thực tiễn, kinh nghiệm trong chỉnh đốn, xây dựng Đảng, nhất là trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Gần đây, dư luận xã hội, quần chúng nhân dân rất phấn khởi, tăng thêm lòng tin trước nhiều chủ trương, giải pháp và kết quả trong đổi mới, chỉnh đốn, xây dựng Đảng. Đó là công bố thắng lợi số vụ án được xét xử, Đảng có kết luận của Bộ Chính trị: Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 và chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030. Một hoạt động mang tính đột phá về nâng cao chất lượng Đảng viên của Thành uỷ Hà Nội được dư luận thủ đô quan tâm đó là: Đảng bộ Thành phố Hà Nội rất quyết liệt triển khai đề án: “Rà soát, sàng lọc, kịp thời đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng” đang có kết quả.
Có thể nói chúng ta có khá nhiều cơ sở pháp lý và thực tiễn kinh nghiệm để phòng chống, chữa căn bệnh “Nhạt Đảng”. Song, để phòng chống, chữa căn bệnh trên có hiệu quả cao, điều quyết định nhất là khâu tổ chức, cách tổ chức thực hiện. Tức là phải cụ thể hoá hơn nữa, có cách làm phù hợp với đối tượng và biểu hiện căn bệnh từ thực tiễn và kinh nghiệm ở cơ sở, chúng ta cần tập trung các giải pháp sau:
Trước hết chúng là phải xây dựng và có một cấp ủy và người đầu có trách nhiệm cao, đoàn kết chặt chẽ, năng động, sáng tạo, thực sự tiêu biểu. Vì cấp uỷ, người đứng đầu là nhân tố quyết định trực tiếp mọi nhiệm vụ ở cơ sở. Trong thực tế, bên cạnh nhiều cấp uỷ, người đứng đầu mạnh, còn không ít cấp ủy, người đứng đầu chưa mạnh. Có khá nhiều tâm lý ở cơ sở là không ai muốn “đóng vai” cấp ủy, người đứng đầu. Song xây dựng cấp ủy mạnh là giải pháp trước hết để phòng chống, chữa căn bệnh trên ở cơ sở hiệu quả.
Kế tiếp là giải pháp đổi mới hoạt động quản lý, giáo dục cán bộ đảng viên. Một giải pháp không mới song phải đổi mới hơn cho phù hợp.
Trước hết, cấp uỷ cơ sỏ Đảng luôn động viên và tổ chức cho cán bộ, đảng học tập nghiên cứu đầy đủ nội dung chương trình học tập chính trị, lý luận, nghị quyết và các quan điểm, chủ trương đổi mới của Đảng. Cần có biện pháp chặt chẽ với những cán bộ, đảng viên ngại, lười, học tập và những chi bộ vắng, thiếu nhiều quân số để nâng cao hiệu quả học tập lên một bước. Tăng nội dung giáo dục, khích lệ, động viên lòng tự hào, vinh dự danh hiệu đảng viên Đảng cộng sản Việt nam quang vinh, lòng biết ơn sâu sắc với Đảng, Bác Hồ có được no đủ như ngày hôm nay. Đồng thời cũng khích lệ lòng tụ tôn dân tộc, tự tôn Đảng ta, biết xấu hổ trước những vi phạm, biểu hiện “Tự diễn biến, tự chuyển hoá”. Càng xấu hổ hơn trước những cán bộ, đảng viên là cấp cao bị Đảng, Nhà nước xử lý kỷ luật, pháp luật.
Một giải pháp có hiệu quả và là động lực mạnh trong nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên và phòng chống căn bện trên. Đó là siết chặt hơn công tác kiểm tra, thanh tra, sàng lọc cán bộ, đảng viên theo nội dung yêu cầu mới. Chúng ta đề nhớ lời dạy của Bác Hồ nói về kiểm tra “Không có kiểm tra, không có lãnh đạo”. Nay, triển khai nhiệm vụ đổi mới chỉnh đốn xây dựng Đảng theo quan điểm Đảng ta tại Đại hội Đảng khoá XIII.
Hưởng ứng thực hiện những chủ trương và quyết tâm cao của Đảng, từ các cơ sở Đảng có các căn bệnh trên thì hoạt động kiểm tra, giám sát, sàng lọc cán bộ, đảng viên là rất cần thiết, rất cần thực hiện.
Trong thực tế có tâm lý không ít tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên chưa hào hứng với công tác kiểm tra với nhiều lý do khác nhau. Vì thế cấp ủy và cơ quan kiểm tra, giám sát phải có quyết tâm, có kế hoạch, có đổi mới phương pháp để công tác kiểm tra là hoạt động tất yếu và là nguyên tắc trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thực hiện đề án của Thành uỷ Hà Nội về rà soát, sàng lọc đảng viên không đủ tư cách để đưa khỏi Đảng là giải pháp rất tích cực đối với chi bộ có cán bộ, đảng viên mắc căn bệnh trên.
Căn bệnh “Nhạt Đảng”, phai nhạt lý tưởng Đảng chính là biểu hiện sự suy thoái dần về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, biểu hiện “Tự diễn biến, tự chuyển hoá” phải cần nhiều giải phấp đồng bọ và thời gian mới thuyên giảm. Chúng ta tin tưởng rằng với quyết tâm cao của Đảng cùng với trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, đảng viên, hệ thống chính trị từ cơ sở, nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn Đảng sẽ thành công.
Nguyễn Văn Thành