Không khó để nghe thông tin khi ngồi quán cà phê, quán nước vỉa hè để nghe Nhân dân nói về những chuyện đảng viên vi phạm kỷ luật, pháp luật “ Ông ấy bây giờ mới bị xử lý là quá muộn”; “Vi phạm từ quá lâu rồi, bây giờ cấp trên mới biết, mới thấy à? ”; “Nhiều người nói “ biết nhưng ai dám nói đâu”. Ví dụ thì rất nhiều, chỉ riêng trong năm 2021 đã xử lý kỷ luật 32 cán bộ thuộc diện quản lý của Bộ chính trị, Ban bí thư; giám sát, thi hành kỷ luật 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; thu hồi 9000 tỉ tiền tham nhũng, chiếm đoạt. Bên cạnh những vi phạm nghiêm trọng, khá nhiều cán bộ, đảng viên có những khuyết điểm, như: Độc đoán, gia trưởng, tham gia tệ nạn xã hội, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu. Nhìn những con số đó, hành động đó, viêc làm đó có khiếp không, có nhiều không, câu trả là Có, nhưng có còn Đảng viên vi phạm nữa hay không, câu trả lời vẫn là Có. Những câu chuyện đó không chỉ dừng lại ở ngoài quán cà phê, quán nước vỉa hè nó được trao đổi một cách sôi nổi trước khi diễn ra cuộc một cuộc họp ở một chi bộ nào đó và rồi im bặt khi cuộc họp diễn ra. Trong cuộc họp đôi khi chỉ là một show diễn của đồng chí Bí thư chi bộ từ thông tin thời sự, dự thảo Nghị quyết, đến kết luận. Đảng viên thì im lặng, tranh thủ nói chuyện, làm việc riêng, chờ đến hết giờ đứng dậy, nếu có phát biểu thì cũng không có trọng tâm, trọng điểm, đa phần là cơ bản nhất trí rất cao với dự thảo Nghị quyết, thậm chí cuộc họp chưa diễn ra nhưng có Đảng viên đã nói vọng “ họp nhanh còn về Bí thư ơi, 20h30 có phim rồi đó”. Chính vì trong cuộc họp ít phát biểu, chính vì Đảng viên không thẳng thắn góp ý, chính vì không dám đấu tranh, chính vì người góp ý sợ mất lòng, sợ bị trù dập, quy chụp là gây mất đoàn kết, chính vì tâm lý “ an phận thủ thường” hay nặng hơn chính vì sự thờ ơ, vô cảm nên những cán bộ, đảng viên đó càng “ tự tung tự tác”, “cái sảy nảy cái ung”, vi phạm tăng thêm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến bản thân, tổ chức và uy tín của Đảng.
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) của Đảng thẳng thắn đánh giá: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm... Rõ ràng, việc cần làm là phải quy trách nhiệm, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những cán bộ, đảng viên cùng sinh hoạt trong cấp ủy, chi bộ mà không phê bình, góp ý, để đồng chí, đồng đội vi phạm pháp luật, kỷ luật, nhất là với những vi phạm nghiêm trọng, kéo dài.Bên cạnh đó, cần ban hành quy định bình xét cán bộ trong đó có tinh thần tự phê bình và phê bình có như vậy mới khắc phục được tình trạng “dĩ hòa vi quý”, nể nang, né tránh, thấy sai không đấu tranh.
Thiết nghĩ con người ta không có quyền chọn lựa khi sinh ra, nhưng có quyền chọn lựa cách sống của minh. Đứng trước những việc xấu, việc sai trái mà “ Mũ ni che tai” là vô tình tiếp tay cho cái xấu, cái băng hoại, đứng từ góc độ cá nhân “ Mũ ni che tai” là sự thỏa hiệp cho thất bại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “ Những người đúng không dám bảo vệ, sai không dám đấu tranh, mũ ni che tai, giữ mình là chính, cứ bo bo vào, người ấy chưa chắc đã tốt, mà lại là "cái mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong" . Có thể khẳng định, việc chân thành, thẳng thắn phê bình, góp ý không chỉ là yêu cầu có tính nguyên tắc trong sinh hoạt đảng và các tổ chức thuộc hệ thống chính trị mà còn thể hiện tình người sâu sắc, nhân văn. Việc biết đồng chí, đồng đội đang mắc khuyết điểm, lầm đường lạc lối mà vẫn “mũ ni che tai” chính là làm hại tổ chức và đồng chí, đồng đội. “Tội” này cần phải kiên quyết đấu tranh, phê phán, cả trong công tác và trong cuộc sống đời thường.
Mạnh Thắng