Trong thời đại 4.0 như hiện nay, mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, hầu hết mỗi người đều có khả năng trang bị cho mình một chiếc điện thoại thông minh, máy tính hay Ipad kết nối mạng. Hàng ngày, ngoài công việc và sinh hoạt đời thường thì dường như tất cả chúng ta đang dành phần lớn thời gian của mình trên không gian mạng, điều ấy đã và đang trở thành thói quen phổ biến. Mỗi một tài khoản Facebook, Zalo … đã trở thành công cụ hữu dụng để bày tỏ “cái tôi” một cách phong phú với tâm trạng buồn vui, chia sẻ từ cá nhân đến gia đình, bạn bè, kết nối cộng đồng cho đến việc phản ánh, chia sẻ những vấn đề của xã hội, những sự kiện diễn ra trong cuộc sống.
Tất cả những điều ấy sẽ không có gì phải bàn nhiều nếu như mỗi người có nhận thức đúng đắn, xác định mục đích trên không gian mạng và mỗi khi sử dụng tài khoản cá nhân cho một mục đích tốt đẹp tạo sự lan toả trong cộng đồng. Phải khẳng định rằng, đại đa số cán bộ, đảng viên có trách nhiệm, tham gia mạng xã hội có văn hoá; ứng xử đúng đắn, biết cách chọn lọc thông tin, có bản lĩnh, lập trường tư tưởng thể hiện chính kiến của mình để nhận diện các quan điểm sai trái; những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm trước những thông tin xấu độc, những luận điệu sai trái, chỉ xem và im lặng thờ ơ, vô cảm coi đó là việc của xã hội, không ảnh hưởng gì đến mình. Có những người lại thiếu tinh thần cảnh giác, thiếu tư duy khi chia sẻ hoặc tham gia coment, bình luận theo kiểu “đám đông” những vấn đề chính trị, cho rằng đó là quyền tự do của mỗi cá nhân. Thay vì tìm hiểu bản chất đúng – sai của vấn đề thì lại đặt tay lên bàn phím để “bình”, để phán xét một cách thiên lệch, nhận định tiêu cực bằng suy nghĩ và cái nhìn méo mó về những vấn đề xảy ra trong đời sống chính trị xã hội. Điều đó đã vô tình tiếp tay cho những kẻ bất mãn, chống đối thực hiện âm mưu thâm độc “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên cùng với con sóng cộng đồng mạng thổi phồng sự việc không có căn cứ và vô hình tạo nên hiệu ứng xã hội tiêu cực.
Mạng xã hội nhiều khi là ảo nhưng tác hại lại rất thực và phức tạp khó lường. Trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, những lời nói của chúng ta có khả năng tiếp cận hàng trăm, hàng nghìn người chỉ trong vài phút thậm chí là vài giây. Chỉ cần một cú nhấp chuột thì những ý kiến, quan điểm của mỗi người có thể lan truyền khắp thế giới.
Điều đáng buồn hơn, khi một số cán bộ, đảng viên, là những người có tri thức, được sống và rèn luyện dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đầy nhân văn, với những chủ trương, đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng; chính sách, pháp luật đúng đắn, kịp thời của Nhà nước. Chúng ta cũng có hàng trăm tờ báo, các kênh truyền hình, trang thông tin điện tử … là những cơ quan ngôn luận chính thống phản ảnh các sự kiện chính trị, xã hội được cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác, hữu ích; có rất nhiều nhiều bài báo hay, phóng sự sâu sắc phản ánh chân thực đời sống xã hội, cuộc sống Nhân dân; bao người tốt việc tốt, việc làm có ý nghĩa nhân văn hàng ngày có thể làm lay động trái tim cả triệu triệu người, thực sự rất xứng đáng được biểu dương, rất xứng đáng để lan toả theo tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, để hướng con người ta đến với “chân – thiện – mỹ” thì tiếc rằng lại rất ít người quan tâm, theo dõi tương tác, đăng tải hoặc chia sẻ…
Văn hoá là gốc dễ của con người, thể hiện bản chất, nét đẹp trong ứng xử của mỗi chúng ta. Người có văn hoá sẽ sử dụng và ứng xử trên mạng một cách có tư duy chọn lọc và có văn hoá. Từ đó sẽ biết tìm trong không gian mạng đa sắc màu ấy những vấn đề tích cực, biết tìm trong không gian ảo ấy những điều rất thực ở những khía cạnh khác nhau; biết phát huy mặt tốt của mạng xã hội trong công việc, cuộc sống; biết cảnh giác với mặt trái của nó, biết phản biện lại thông tin xấu độc, sai trái. Hơn ai hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ thông qua việc phát ngôn, đăng tải, like, bình luận, theo dõi, chia sẻ thông tin trên mạng. Cán bộ, đảng viên phải thể hiện quan điểm, chính kiến, đó là trách nhiệm tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền; khơi dậy lòng tự hào, tinh thần yêu quê hương đất nước; biết chia sẻ trước những khó khăn và vun đắp tình yêu thương giữa con người với con người trong cộng đồng và rộng hơn là cả thể giới. Trước khi ta đặt ngón tay lên bàn phím hãy tập suy nghĩ và nhìn sâu để tự nhắc nhở rằng mỗi lời nói hay hành động của chúng ta sẽ mang lại điều gì? Hãy nên là duyên ươm mầm và nuôi dưỡng để bổ sung năng lượng tích cực góp phần xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Còn nếu thực sự không biết, tốt nhất hãy im lặng mà tìm hiểu. Là cán bộ, đảng viên đừng mang quyền tự do cá nhân để phát ngôn tuỳ tiện và trái quy định!
Tại Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm đã yêu cầu cán bộ, đảng viên không được: “Nói, viết, làm hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định; quy chế, quyết định của Đảng, làm những việc mà pháp luật không cho phép. Không thực hiện trách nhiệm nêu gương; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Viết bài hoặc cung cung cấp tài liệu cho người khác viết; nói, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định; phát tán bài viết, bài nói, phóng vấn, hồi ký, phim, ảnh không đúng quy định…” .
Đây là những quy định rất quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện trách nhiệm cá nhân. Vì tư cách, chuẩn mực của người đảng viên không chỉ thể hiện trong công việc, cuộc sống mà còn bao gồm cả các hoạt động trên không gian mạng xã hội ngày nay. Cán bộ, đảng viên là người có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng, vì chúng ta vừa là những người thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, vừa là người công dân gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách ấy; nếu cán bộ đảng viên nói và làm trái quy định sẽ đánh mất niềm tin của Nhân dân.
Sự phát triển của mạng internet là thành tựu vượt bậc của nhân loại, có tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển đi lên của xã hội, trở thành nhu cầu thiết yếu của mỗi con người. Tuy nhiên, những mặt trái của nó cũng đã và đang cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực, tác hại không hề nhỏ bởi các thế lực thù địch, những phẩn tử cực đoan đang lợi dụng triệt để mạng xã hội như một công cụ hữu dụng để toán tính âm mưu thâm độc nhằm chống phá, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo, chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, cán bộ, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam trước hết phải là người đi đầu trong việc bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, Nhân dân tích cực thực hiện.
Trước những quan điểm sai trái, những thông tin xấu độc lan truyền trên mạng xã hội cần phải có thái độ ứng xử có văn hoá, dám đấu tranh phản bác để định hướng dư luận xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên hãy là một chiến sỹ - một tuyên truyền viên trên không gian mạng để lan toả cái đẹp và đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực. Được như vậy, chính là chúng ta đang thực hiện một sứ mệnh và trách nhiệm của người đảng viên trong bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng, là cầu nối quan trọng góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa của đất nước ta./.
Q.M