Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vn
Vẫn còn nhiều lo lắng
Báo cáo về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình tại phiên họp cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nói đi đôi với làm, thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm, ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự… Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến sâu rộng của Nhân dân đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Cử tri ghi nhận sự cố gắng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành linh hoạt, hiệu quả; đề xuất để Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn trong phục hồi phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; khánh thành được một số dự án đường cao tốc, giải quyết được một số dự án tồn đọng kéo dài..
Tuy vậy, tổng hợp ý kiến cũng phản ánh những lo lắng của cử tri trước những bất ổn của tình hình thế giới tác động vào nước ta, các đơn hàng bị cắt giảm, lao động, việc làm, thu nhập của một bộ phận lao động giảm, trở nên gay gắt. Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch Covid-19.
Phản ánh về những băn khoăn lo lắng của cử tri và Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân quan tâm, lo lắng về tình trạng nguyên vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng cao, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, sức mua giảm, nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra không tiêu thụ được ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống của người dân; kết quả triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn…
Bên cạnh đó là tình trạng lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài cầm đầu thông qua gọi điện, nhắn tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, giả danh cơ quan chức năng thực thi pháp luật hoạt động trên không gian mạng tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn của người dân..., gây ra nhiều hậu quả cho xã hội.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm cho xã hội tốt đẹp thêm
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Từ các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động ở các khu công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn. Đề nghị có các giải pháp phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm được sự ổn định để phát triển đất nước, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân đã đầu tư vào bất động sản, trái phiếu, tiết kiệm, bảo hiểm.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua thẻ kỳ nghỉ.
Bởi đây thường là các hợp đồng được in sẵn, đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Vì tin tưởng nên người dân không đọc hoặc đọc cũng không hiểu rõ nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua, gây thiệt hại cả về vật chất, tinh thần cho người dân.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của cử tri và Nhân dân, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)… và quan tâm đầu tư thêm để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, “giữ an toàn quá mức cần thiết”, không dám giải quyết công việc, trì trệ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân. Suy cho cùng, biểu hiện này cũng là tiêu cực.
“Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm cho xã hội tốt đẹp thêm, chứ không thể đổ lỗi, sợ, không dám làm” – Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nói.
Góp ý vào báo cáo này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị nên bổ sung về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác có thể xảy ra trong thời gian tới để các ngành, các cấp và địa phương, Nhân dân có sự chuẩn bị phòng, chống dịch bệnh. “Các báo cáo phải thật sự khách quan, có trọng tâm, góp phần giải quyết những vấn đề “sát sườn” mà cử tri và Nhân dân quan tâm, lo lắng”- Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới ghi nhận báo cáo đã phản ánh chính xác tình hình tội phạm lừa đảo với nhiều thủ đoạn tinh vi, lừa đảo qua mạng khiến người dân bị thiệt hại tài sản. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới cũng đề nghị cân nhắc khi đưa ra nhận định “tội phạm lừa đảo gây hệ quả khó lường cho xã hội” trong báo cáo, thay vào đó có thể sửa thành “gây hậu quả nghiêm trọng xã hội” để phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả của tội phạm gây ra.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan hữu quan bổ sung vào báo cáo các nội dung về giảm tốc độ tăng trưởng, chậm phê duyệt quy hoạch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phụ cấp cán bộ cơ sở trong lĩnh vực y tế và giáo dục, dịch bệnh trong trồng trọt và chăn nuôi…
Theo Kinh tế và Đô thị