Nếu như ở vụ án “chuyến bay giải cứu”, nhiều thủ đoạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hạch sách doanh nghiệp và người dân của một nhóm cán bộ công quyền đã được vạch mặt, thì đối với vụ Việt Á, hành vi sai trái của các đối tượng còn đáng lên án hơn: Đó là sự câu kết, móc ngoặc, là “liên minh ma quỷ”, là “bảo kê” cho tội ác.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cùng một số cán bộ dưới quyền đã “tiếp tay” để Công ty Việt Á chiếm đoạt đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test của Nhà nước, sau đó cấp phép lưu hành và đưa vào sản xuất thương mại phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trái quy định của pháp luật. Việc để Việt Á “hô biến” sản phẩm thuộc sở hữu trí tuệ của Nhà nước thành sở hữu riêng, có lẽ là một điều gây sốc nhất trong vụ án này, nó khiến cho nhiều cán bộ, đảng viên cảm thấy bị tổn thương. Điều tưởng như không thể, rốt cuộc lại biến thành có thể, khi được “bôi trơn” bằng tiền.
Trong vụ án này, kết luận điều tra cho thấy, Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đã đưa tổng số tiền là 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho một số bị can, gồm: Nguyễn Văn Trịnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ 200.000 USD; Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ 200.000 USD; Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ 50.000 USD; Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ Khoa học và Công nghệ 350.000 USD; Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế 2,25 triệu USD; Nguyễn Huỳnh, nguyên thư ký của Nguyễn Thanh Long 4 tỷ đồng… Nhờ đó, Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm kit test được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, được “tiền trảm hậu tấu” về giá kit test.
Rõ ràng, nếu không có sự tác động, can thiệp của lãnh đạo, cán bộ Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như của lãnh đạo một số địa phương, Việt Á không thể “lộng hành” như vậy và thu lợi bất chính tới 1.235 tỷ đồng. Thậm chí, Bộ Khoa học và Công nghệ còn tổ chức họp báo giúp Việt Á khuếch trương thanh thế, đồng thời trực tiếp ký quyết định khen thưởng, ký tờ trình đề nghị khen thưởng cho Việt Á…
Hành vi và thủ đoạn nhận hối lộ của các bị can trong vụ án này cũng rất kinh khủng, lên đến hàng triệu USD. Việc cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận hối lộ 2,25 triệu USD gợi nhớ vụ án Mobifone mua AVG cách đây cũng chưa lâu, khi cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD và sau đó bị tuyên án tù chung thân. Những khoản tiền “lót tay”, “hoa hồng” đó rốt cuộc được “thổi” vào giá kit test và cuối cùng thì người dân phải gánh chịu.
Qua vụ án Việt Á, một lần nữa chúng ta lại thấy sự nguy hại đến từ con virus mang tên “lợi ích nhóm”, sự bất chấp pháp luật của “liên minh tội ác” trong vòng xoáy cám dỗ của đồng tiền. Đặc biệt, kẽ hở trong kiểm soát quyền lực vẫn bị lợi dụng. Ở đây, những người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng “quyền lực” của mình để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đã không có người “kéo phanh” ngay từ khi Việt Á can thiệp vào khâu nghiên cứu đề tài, đã không có người lên tiếng về các khâu phân phối và lưu thông kit test đầy sai phạm của Việt Á… Phải chăng “thuốc” chữa tham nhũng, tiêu cực chưa được bốc đúng liều? Dư luận xã hội hết sức bức xúc và mong mỏi “chùm án” Việt Á sớm được kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử, trong đó xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, kẻ cầm đầu để làm gương và đủ sức răn đe.
Tham nhũng, tiêu cực vốn là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực” và quyền lực thì luôn có xu hướng bị tha hóa nếu không được kiểm soát. Thời gian gần đây, vấn đề kiểm soát quyền lực đã được Đảng và Nhà nước ta chú trọng như một giải pháp cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, việc “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Ngoài việc phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, thì còn đòi hỏi người có chức vụ quyền hạn tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng… Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên cũng cần có một cơ chế bảo vệ đáng tin cậy để dám đứng lên tố cáo sai phạm, bảo vệ lẽ phải.
Đặc biệt, có hai điểm mấu chốt vẫn đang được thực hiện nhưng cần nâng cao hiệu quả và tính thực chất. Thứ nhất là việc kê khai tài sản, thu nhập gắn với trách nhiệm giải trình: Cần phải được công khai, minh bạch hơn, nhất là với những người có chức vụ cao và mở rộng đối tượng tiếp nhận thông tin. Nếu không có gì khuất tất thì tại sao phải giấu giếm? Thứ hai, cần phát huy dân chủ hơn nữa trong lấy phiếu tín nhiệm đối với người có chức vụ, quyền hạn để có kết quả thực chất và tránh sa vào hình thức. Đây phải là những công cụ đủ mạnh để đánh giá, sử dụng cán bộ, vừa nhằm kiểm soát quyền lực, vừa để người có chức vụ, quyền hạn chủ động khắc chế chủ nghĩa cá nhân luôn có xu hướng vượt khỏi vòng cương tỏa.
Nguồn TTXVN