Điều 3 đã làm rõ hơn nội hàm của những phẩm chất của người cán bộ, đảng viên "cần, kiệm, liêm, chính, chí, công vô tư", không chỉ yêu cầu sự tu dưỡng, giữ vững phẩm chất của người đảng viên, mà còn phải vạch rõ giới hạn, ngăn chặn những tư lợi, thu vén cá nhân từ gia đình, người thân và những người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của người cán bộ, đảng viên để trục lợi.
Phẩm chất đạo đức “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo quan điểm, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh đã được Trung ương vận dụng, quy định rất sâu sắc, toàn diện và phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, hướng đến mục tiêu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao danh dự và lòng tự trọng, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực; không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng; đồng thời phải thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín. Đối với người cán bộ, đảng viên, danh dự mới là điều cao quý nhất, người hiểu được cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư sẽ có lòng tự trọng mà sẵn sàng rời vị trí khi thấy mình không còn xứng đáng với sự tin cậy của tổ chức và nhân dân.
Điều 3 đề cập tới các tiêu chí trung thực, tự trọng, danh dự, phẩm giá: “Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng”.
Điều 3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư gồm 5 khoản
Khoản 1: "Cần" nghĩa là "Tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc".
Khoản 2: "Kiệm" nghĩa là phải "Quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân"
Khoản 3: "Liêm" nghĩa là phải "Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".
Khoản 4: "Chính" nghĩa là phải "Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh".
Khoản 5: "Chí công vô tư" nghĩa là phải: "Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín".
Hai nội dung "không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi" và "Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín", là điểm mới có tính bước ngoặt, thể hiện bước nhảy vọt trong tư duy và quan điểm của Đảng về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, thể hiện yêu cầu ngày một cao hơn, nghiêm khắc hơn đối với việc xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Lần đầu tiên trong một văn kiện về phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, "văn hóa từ chức" đã được chính thức chỉ rõ. Điều này bắt buộc những cán bộ đảng viên đã vi phạm "trót nhúng chàm", không xứng đáng với chức trách nhiệm vụ được giao phải rời khỏi vị trí của mình. Đây là cơ sở vững chắc để xem xét những cán bộ, đảng viên không đủ tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng, cũng thể hiện thái độ kiên quyết không khoan nhượng với những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất; đồng thời là một bước phát triển cao nhất trong tư duy, nhận thức về trách nhiệm chính trị của người cán bộ, đảng viên ở Việt Nam hiện nay.
Theo Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, từ chức là việc "cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận”. Căn cứ để xem xét việc từ chức là cán bộ có “hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao”. Như vậy, cQuy định số 144-QĐ/TW là sự tiếp nối và hoàn thiện đối với Quy định số 41-QĐ/TW quan điểm về từ chức. Căn cứ vào quy định mới, các cán bộ dù ở địa phương hay trung ương, ở cấp thấp hay cấp cao, đều phải có ý thức tự nguyện rời khỏi vị trí khi không còn đủ khả năng, uy tín, tạo thành “văn hóa từ chức”.
Như vậy, Điều 3 đã làm rõ hơn nội hàm của những phẩm chất của người cán bộ, đảng viên "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", không chỉ yêu cầu sự tu dưỡng, giữ vững phẩm chất của người đảng viên, mà còn phải vạch rõ giới hạn, ngăn chặn những tư lợi, thu vén cá nhân từ gia đình, người thân và những người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của người cán bộ, đảng viên để trục lợi. Đây là điểm rất mới trong quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, truyền tải những thông điệp quan trọng đến các đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng./.
Quang Minh (tổng hợp)