Hướng đến công nghệ 4.0
Ðể tiếp tục có những bứt phá trong giai đoạn mới, vấn đề tái cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng là vô cùng cần thiết. Trong đó, việc kế thừa thành tựu từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được xem là cơ hội lớn đưa thành phố phát triển lên tầm cao mới.
TP Cần Thơ đã đề ra chương trình thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung, an toàn thông tin mạng trong nâng cấp kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0; thực hiện Ðề án Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025; hệ thống đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ 4.0 đang phát triển khá mạnh mẽ…
Một góc đô thị Cần Thơ. Ảnh: Báo Cần Thơ
Ông Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, đề xuất: “Thành phố cần coi công nghệ thông tin là đòn bẩy, lấy hội nhập quốc tế về kinh tế và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư làm bối cảnh để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ. Chúng ta phải chủ động phát triển “hệ sinh thái” dịch vụ TP Cần Thơ trong mối liên hệ với vùng ÐBSCL theo hướng là trung tâm phân phối và chuyển giao hàng hóa, công nghệ cho vùng ÐBSCL. Ðồng thời, thực hiện tốt mắt xích gần cuối của chuỗi cung ứng các mặt hàng chủ lực của ÐBSCL và điều tiết kênh phân phối của các mặt hàng chủ lực này”.
Ðể tạo nên những đột phá mới, TS Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Việc cần làm ngay lúc này là thành lập Ban Chiến lược tiếp cận Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gồm các nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu về công nghệ để tham mưu cho lãnh đạo thành phố xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển thành phố trong thời kỳ công nghệ mới. Mặt khác, tăng cường hợp tác với các thành phố lớn khác mạnh về công nghệ, mời chào các tập đoàn mạnh về nguồn lực phối hợp xây dựng thành phố thông minh, khởi nghiệp - sáng tạo Internet vạn vật, dữ liệu lớn (Big Data)... Cần Thơ đi đầu ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ mở lối để các tỉnh khác trong vùng cùng tiến bước”.
Năng lực hành động
Chiến lược và giải pháp đã có, nhưng để bảo đảm phát triển đúng hướng, TP Cần Thơ cần chứng minh bằng năng lực hành động. Trong đó đội ngũ tiên phong được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá là doanh nghiệp và doanh nhân.
Năm 2020, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng hàng hóa qua cảng Cần Thơ sụt giảm, song Công ty CP Cảng Cần Thơ vẫn mạnh dạn đầu tư và đưa vào khai thác cần cẩu chân đế 40 tấn, có tầm với 28m tại Cảng Cái Cui. Ông Lâm Tiến Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Cảng Cần Thơ, bộc bạch: “Việc đầu tư nâng cao năng lực bốc xếp, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng với giá dịch vụ hợp lý là điều tất yếu, hướng đi dài hạn chứ không phải chỉ là quyết định nhất thời. Một bến cảng không có thiết bị hiện đại, không đủ năng lực bốc xếp thì không thể đáp ứng yêu cầu từ khách hàng. Việc đưa cần cẩu này vào khai thác nhằm mục tiêu tăng năng suất xếp dỡ, giảm thời gian giải phóng tàu và giảm thiểu chi phí logistics của các chủ hàng, chủ tàu, đơn vị trung gian (forwarder) và các đơn vị có liên quan trong vùng phục vụ. Ðây cũng là tiền đề quan trọng để thu hút các hãng tàu trong nước và quốc tế mở đường tàu, tuyến sà lan container phù hợp đến Cảng Cần Thơ; tạo thêm cơ hội xuất khẩu nông lâm, thủy sản và trái cây của vùng ra các thị trường khu vực và thế giới.
Một trong những chuyển động đáng ghi nhận khác là sự hình thành mô hình doanh nghiệp trong trường đại học, ghi dấu ấn của việc hình thành sự kết nối của nền kinh tế thị trường và nền kinh tế tri thức. Tháng 8-2020, Trường Ðại học Nam Cần Thơ (DNC) khánh thành đưa vào hoạt động Showroom Ô tô Nam Cần Thơ với tổng vốn đầu tư lên đến 225 tỉ đồng.
Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cần Thơ. Ảnh: Báo Cần Thơ
GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng DNC, tự hào: DNC xây dựng thành công mô hình doanh nghiệp trong trường đại học với Tập đoàn Nam Miền Nam, Công ty TNHH MTV Bệnh viện đa khoa Nam Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Thương mại Nam Cần Thơ DNC, Viện Nghiên cứu - Phát triển dược liệu, Xưởng Cơ khí ô tô. Trường tiến hành đầu tư các dự án vừa thực hiện hoạt động kinh doanh kết hợp giảng dạy, thực hành, thực tập cho tất cả các ngành trường đang đào tạo. Mô hình doanh nghiệp trong trường đại học nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ nói riêng và vùng ÐBSCL nói chung.
Ðó là những điểm sáng nổi bật trong bức tranh phát triển chung của TP Cần Thơ. Trên chặng đường phát triển mới, quyết tâm đột phá vươn lên của Cần Thơ được hậu thuẫn bằng nền tảng vững chắc: Với hoạt động giao thương sầm uất, TP Cần Thơ là trung tâm thương mại và thị trường bán lẻ hấp dẫn bậc nhất vùng ÐBSCL. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và sự phát triển nhanh chóng mạng lưới của một số doanh nghiệp lớn trong nước đã góp phần hiện đại hóa ngành bán lẻ thành phố như: LOTTE Mart, Sense City, VinMart, Nguyễn Kim…
Thành phố là nơi tập trung hàng hóa, cung cấp dịch vụ thương mại cho vùng ÐBSCL và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Với hai cảng biển lớn thành phố giữ vai trò đầu mối quan trọng toàn vùng: cảng Cái Cui và cảng Tân Cảng có khả năng tiếp nhận tàu hàng 10.000-20.000 tấn, bốc dỡ 4,5 triệu tấn hàng hóa/năm...
Trong tương lai, ngoài vai trò trung tâm giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho vùng ÐBSCL, TP Cần Thơ tiếp tục phát triển trung tâm tài chính, trung tâm logistics, khẳng định và phát huy vai trò trung tâm động lực trong việc huy động, kết nối và lan tỏa các nguồn lực thúc đẩy cả khu vực ÐBSCL cùng phát triển./.
Theo Báo Cần Thơ