Muôn kiểu flex
“Flex là cuộc sống, flex là hơi thở, flex là đam mê”, đó là phương châm của tài khoản Facebook “Flex đến hơi thở cuối cùng” với 1,9 triệu thành viên. Dù mới được thành lập nhưng trên trang này đã có cả ngàn bài viết, cả triệu hình ảnh flex chiến công: từ khoe bộ sưu tập huy chương trải kín giường, bằng khen treo đầy phòng, khoe điểm IELTS 9.0, khoe du học ở Harvard, khoe mức lương khủng, những chuyến du lịch nước ngoài hay những trải nghiệm đắt đỏ và độc lạ…
Tài khoản Facebook K.T. đến từ thành phố Biên Hòa đã đăng trong nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” bài viết có nội dung: “Hôm nay em xin flex nhẹ trình độ học vấn của em cho cả nhà vui chung ạ. Năm 17-20 tuổi: em lấy được bằng Bachelor of Business Administration in Accounting (cử nhân quản trị kinh doanh). Năm 20-21 tuổi: đã mua được cho mình căn hộ đầu tiên ở Lubbock, Texas. Năm 21-24 tuổi: đã lấy được bằng thạc sĩ kinh tế (GPA 4.0) và tiến sĩ luật (Cum Laude) và chỉ lấy trong 2,5 năm. Điểm Bar Exam thuộc top 1% của all test-takers. Là 1 trong top 3 sinh viên được mời làm việc cho một công ty luật nổi tiếng của Mỹ ngay năm đầu tiên học ở trường luật. Đối với 1 đứa tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ thì em rất tự hào khi mình đạt được thành tựu mà không phải người Mỹ gốc nào cũng làm được. Em cám ơn ạ”.
Trong tiếng Anh, cụm từ “flex your muscles” nghĩa là phô trương cơ bắp. Ngày nay, flex thường được dùng để chỉ việc “khoe thành tích” hay rộng hơn là chia sẻ bất kỳ điều gì khiến một người cảm thấy tự hào, tốt đẹp về bản thân.
Cùng với bài đăng là hình ảnh cá nhân, bằng cấp và đặc biệt tài khoản Facebook K.T. còn “show” bảng lương làm việc 550 ngàn USD/năm để giải thích vì sao cô mua được nhà khi mới 21 tuổi.
Dưới bài viết đã có hàng trăm comment tỏ ý thán phục, khen ngợi nhiều người còn vào “xin vía” học hành, đỗ đạt, thành công. Tài khoản Facebook Mây Trần viết: “Quá trời quá đất con nhà người ta. May mà không là hàng xóm của con bé này, nếu không đám con mình úp mặt vào sọt hết”.
Hay tài khoản Facebook Khánh My flex về 5 học bổng du học thạc sĩ châu Âu khi chưa có bằng đại học hay một chàng trai tên Nguyễn Thanh Hà ở Hà Nội flex về hành trình đi du lịch, trải nghiệm và khám phá 72 quốc gia trên thế giới…
Trao đổi về trào lưu này, chị Vũ Ngọc Trâm (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa), sinh viên năm 3 Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Trào lưu này đem lại một sân chơi cho người trẻ khi được thoải mái chia sẻ những điều cá nhân đã làm được. Mỗi khi đạt được thành tựu hay bản thân vượt qua thử thách, tôi cũng thường flex trên tài khoản của mình. Sự trân trọng và cổ vũ từ bạn bè, cộng đồng mạng và cả những người chưa quen khiến tôi thấy vui, có động lực phấn đấu hơn”.
Anh Nguyễn Quang Hữu (ngụ xã Ngọc Định, huyện Định Quán), nhân viên một trung tâm Anh ngữ ở Biên Hòa bày tỏ quan điểm: “Flex giúp tôi biết được có bao nhiêu người đang thành công như thế nào xung quanh mình. Tôi được gián tiếp khích lệ rằng, bản thân phải cố gắng hơn nữa để đạt được những mục tiêu của riêng mình. Ngay cả bản thân, khi vượt qua được thử thách và thành công, flex cũng giúp tôi tự hào về những gì đạt được, tăng sự tự tin và lòng tự trọng”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào flex cũng được đón nhận một cách tích cực. Trên nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng”, tài khoản Facebook H.H.M.T. đã chia sẻ tâm trạng bỗng dưng bị… “áp lực ngang” khi tham gia flex. “Tôi flex trên MXH và mệt mỏi khi nhận lại một số phản ứng tiêu cực từ cộng đồng mạng. Phải chăng, một số người không chấp nhận được hoàn cảnh, năng lực của mình nên tìm điều không tốt từ người khác để bình luận, phán xét, tìm ra khiếm khuyết để làm “dìm” flex của tôi?” - tài khoản M.T chia sẻ.
Tạo động lực hay khoe khoang: lằn ranh mong manh
Thạc sĩ Nguyễn Công Bình, Chánh văn phòng Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Đồng Nai cho rằng, flex là cách để mọi người, đặc biệt là giới trẻ có thể thỏa mãn nhu cầu được công nhận, tán dương thành tích; là nơi để mọi người lan tỏa niềm vui và chia sẻ những thành tựu cá nhân, từ đó giao lưu và học hỏi lẫn nhau, thúc đẩy sự cạnh tranh cho mọi người. Sở dĩ, flex trở thành trào lưu trên MXH là do nhiều người tìm thấy mình trong đó nên truyền nhau hưởng ứng. Tuy nhiên, lằn ranh giữa tạo động lực và khoe khoang trong trào lưu này rất mong manh. Nếu mất kiểm soát, flex sẽ làm cho nhiều người trẻ tự cao và khiến không ít người cảm thấy áp lực, tự ti về bản thân trước thành tựu của người khác.
Phân tích ở góc độ tâm lý, thạc sĩ Nguyễn Công Bình cho rằng, flex có thể xuất phát từ nhu cầu được công nhận, ngưỡng mộ với mong muốn tạo ấn tượng tốt trước mắt người khác. Người tham gia trào lưu flex muốn thu hút sự chú ý hoặc tìm kiếm sự thừa nhận từ những người xung quanh, song cũng có thể dẫn đến việc trở nên quá phụ thuộc vào sự đánh giá của người khác và gây ra những hiểu lầm về giá trị thực sự của cuộc sống.
Ngoài ra, ở khía cạnh tâm lý tiếp nhận, flex ít nhiều tạo ra áp lực cho người tiếp nhận thông tin khi thấy xung quanh mình toàn là người “đỉnh của chóp”, từ đó cảm thấy mình thấp kém, có tâm lý tự miệt thị năng lực bản thân. Chưa kể, tình trạng một số người flex “lố” - phô trương quá mức với tần suất quá dày sẽ tạo ra sự khó chịu cho người tiếp nhận thông tin.
Do đó, để flex thực sự là động lực cho mình và người khác, theo thạc sĩ Nguyễn Công Bình: “Người flex cần kiểm soát cách thức và tần suất flex trên MXH. Khi flex nên ở tâm thế chia sẻ những “điểm sáng” về cách thức, kinh nghiệm đi đến thành công của bản thân để người khác có thể tìm cho mình được một giá trị lợi ích từ thành tựu của người flex. Về phía những người tiếp nhận thông tin flex, nên nhìn nhận đây là sự kết nối để chia sẻ và học hỏi, không nên tự ám thị về những thành tựu từ người khác để rồi áp lực hoặc tủi hổ, tự ti về bản thân”
Đồng Nai cuối tuần