“Củ mật” có nghĩa là kiểm soát mọi việc thật cẩn thận, kín đáo. Cũng bởi là tháng áp Tết, cho nên từ xa xưa, ông cha ta đã nhắc nhở phải cẩn mật, phòng ngừa mất mát, trộm cắp... Đến nay, “quy luật” này vẫn chưa có nhiều thay đổi...
Thời điểm này, dù chưa có số liệu thống kê chính thức của cơ quan chức năng về số lượng các vụ việc phạm pháp tại các địa phương nhưng chắc chắn con số không hề nhỏ. Ví dụ như tại Hà Nội, theo số liệu của Công an thành phố, trong tháng 11 đã xảy ra 281 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 23 vụ.
Cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá 238 vụ, 472 đối tượng. Các loại tội phạm hình sự cũng diễn biến phức tạp, trong đó, tội phạm cướp giật có chiều hướng gia tăng.
Lý do dẫn đến tình trạng gia tăng các vụ việc phạm pháp vào những tháng cuối năm, ngoài các yếu tố khách quan còn có nguyên nhân khác đó là tâm lý chủ quan của người dân.
Do đó, ngoài các biện pháp của cơ quan chức năng như quản lý đối tượng, nắm chắc địa bàn; chủ động phát động người dân tích cực phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các biểu hiện của hoạt động tội phạm; đẩy mạnh phong trào dũng cảm đấu tranh, tố giác các loại tội phạm trong nhân dân, giúp nhau bảo vệ tài sản, đặc biệt đối với các gia đình đi làm vắng, không có người trông nhà... thì điều cần thiết là người dân phải luôn đề cao cảnh giác.
Đó là đề phòng kẻ gian; hạn chế uống rượu, bia; rà soát để phòng cháy, nổ; tránh tụ tập đông người không cần thiết và thực hiện 5K trong phòng, chống dịch Covid-19...
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay, bên cạnh việc nỗ lực chăm lo cho nhân dân đón Tết, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân nhưng sự chủ động phòng ngừa của mỗi người, mỗi nhà mới là quan trọng nhất.
Việc này ai cũng có thể dễ dàng thực hiện được, nhưng nếu không thường xuyên, tự giác và nghiêm túc thì rất có thể sẽ “sai một ly, đi một dặm”.
Không phải ngẫu nhiên mà “đạo” được xếp thứ ba, chỉ sau “thủy” và “hỏa” về bốn đại họa trong cuộc sống, có tính chất tàn phá mạnh mẽ, đáng quan ngại và cũng khó phòng tránh. Lý do là bởi tuy không dữ dội như lụt hay cháy, nhưng nó tồn tại dai dẳng, nhiều và “ngầm”, làm cho cuộc sống xã hội mất đi sự bình yên.
Cho nên dù Tết Nguyên đán đã cận kề, mọi người đều bận rộn, nhiều mối toan lo hơn nhưng đi kèm đó là nguy cơ mất an toàn về mọi mặt cũng cao hơn. Nên cẩn trọng không bao giờ thừa.