Mỹ đang đối diện với áp lực nợ khổng lồ. Ảnh: RT
Theo số liệu mới nhất của IMF, nợ quốc gia của Mỹ đã lên đến gần 35 nghìn tỷ USD, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đã tăng từ 1,4 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2022 lên 1,7 nghìn tỷ USD vào năm ngoái.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội, cơ quan giám sát tài chính tại Mỹ, hồi đầu tháng này dự đoán thâm hụt ngân sách có thể đạt 1,9 nghìn tỷ USD trong năm nay, chiếm khoảng 7% GDP.
Theo IMF, thâm hụt ngân sách và nợ cao đột biến sẽ gia tăng rủi ro lên nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu. Tổ chức này cũng cho biết những khoản thâm hụt tài chính dai dẳng này cho thấy chính sách thiếu hiệu quả của chính quyền ông Biden và cần phải được giải quyết khẩn cấp.
Mỹ đã đạt giới hạn nợ 31,4 nghìn tỷ USD vào tháng 1/2023. Sau nhiều tháng cảnh báo của Bộ Tài chính Mỹ về nguy cơ vỡ nợ hiện hữu, Tổng thống Joe Biden đã ký một dự luật nợ vào tháng 6/2023 đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công đến tháng 1/2025.
Điều này cho phép Washington tiếp tục vay không giới hạn trong suốt năm tới. Chưa đầy hai tuần sau khi dự luật được thông qua, nợ chính phủ đã tăng vọt lên 32 nghìn tỷ USD và tiếp tục duy trì cho đến hiện đại.
IMF chỉ trích gay gắt các chính sách thương mại ngày càng quyết liệt của Washington, đặc biệt là leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Cơ quan này cho biết việc nền kinh tế số một thế giới tiếp tục gia tăng các hạn chế thương mại và không triệt để khắc phục những thách thức tồn đọng, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2023, có thể đe dọa nghiêm trọng đến nền tài chính toàn cầu.
Tuyên bố của IMF chỉ là một trong những cảnh báo đối với tình trạng bội chi của Mỹ. Hôm thứ Ba, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết tỷ lệ nợ trên GDP của Washington đang ở mức cao nhất kể từ Thế chiến thứ Hai. Tỷ lệ nợ trên GDP là thước đo được sử dụng để đánh giá khả năng trả nợ của một quốc gia.
Theo OECD, năm ngoái, nợ quốc gia đã tăng lên 122% GDP.
Theo Kinh tế và Đô thị