Doanh nghiệp ở Hà Nội bị ảnh hưởng sản xuất do bị tạm ngừng cấp điện .Ảnh: Người lao động
Miền Bắc đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm, việc cắt điện luân phiên khiến sinh hoạt của người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng.
Cắt điện nhiều nơi
Liên tục những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, TP Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc thông báo lịch cắt điện ở nhiều địa bàn, thậm chí các khu công nghiệp. Anh Nguyễn Công Phương, đang sống ở xã An Thượng, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội), ngán ngẩm với tình trạng cắt điện lúc nửa đêm trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm đầu tháng 6. Theo anh Phương, gia đình có 2 con nhỏ nên việc mất điện ban đêm làm sinh hoạt đảo lộn, bố mẹ phải thức thâu đêm quạt cho con ngủ.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Phát triển công nghệ PMA (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), đã phải điều chỉnh thời gian làm việc của công nhân theo lịch cắt điện trên địa bàn.
Ông Tuấn Anh cho biết những ngày gần đây, công ty đã bị cắt điện 3 lần, thời gian cắt điện trên 20 giờ, khiến hoạt động sản xuất của công ty bị ảnh hưởng lớn, khả năng sẽ không kịp sản xuất theo tiến độ giao hàng. "Một bộ phận nhân viên công ty phải chuyển sang làm việc vào ca tối. Việc này khiến DN phải chi thêm tiền trợ cấp giờ làm và thay đổi sinh hoạt của mọi người" - ông Tuấn Anh phản ánh.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tình trạng liên tục mất điện đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch ở TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Nhiều du khách đã trả phòng, kết thúc kỳ nghỉ hè ở Quảng Ninh sớm hơn dự kiến vì không chịu nổi cái nóng và sự bất tiện do mất điện liên tục. Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú… méo mặt vì mất khách.
Bà Nguyễn Thị Yến - chủ chuỗi khách sạn tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long - than thở chỉ vì không có điện nên gia đình bà đã phải tạm dừng kinh doanh, không thể đón khách du lịch theo kế hoạch. "Các nhà nghỉ của gia đình đều trang bị máy phát điện nhưng công suất nhỏ, không đủ để sử dụng máy điều hòa thường xuyên. Có đoàn khách đã lấy phòng nhưng thấy mất điện, họ trả phòng để đi chỗ khác" - bà Yến nói.
Theo ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, hiệp hội đã nhận được thông tin phản hồi từ du khách, các công ty du lịch, lữ hành về tình trạng mất điện liên tục và kéo dài ở TP Hạ Long và một số điểm du lịch nổi tiếng khác. "Tình trạng này dự kiến còn kéo dài và sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành du lịch" - ông Huệ lo lắng.
Còn tại tỉnh Thanh Hóa, có tình trạng cắt điện để giảm tải ở nhiều nơi, tuy nhiên việc cắt điện này chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn. Các điểm du lịch trọng điểm, các nhà máy, DN sản xuất lớn trên địa bàn vẫn được cung cấp điện bảo đảm phục vụ sản xuất. Lãnh đạo một DN sản xuất xi-măng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho hay nhà máy cũng bị cắt điện nhưng theo lịch thông báo trước.
"Trước khi cắt giảm, ngành điện có thông báo lộ trình cắt giảm thời điểm nào, trong thời gian bao lâu để công ty biết, ngắt các thiết bị bảo đảm giảm tải mà không ảnh hưởng tới sản xuất" - đại diện DN này nói.
Tiếp tục căng thẳng
Ngày 7-6, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết việc cung ứng điện cho các khu vực miền Nam, miền Trung nhìn chung sẽ được bảo đảm do có nhiều nguồn điện. Tuy nhiên, tình hình cung ứng điện ở miền Bắc đang rất khó khăn, do đặc trưng nguồn thủy điện chiếm tỉ trọng lớn, với 43,6%.
Theo ông Trần Việt Hòa, tính đến ngày 6-6, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà đã về mực nước chết. Riêng 2 hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết.
Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 13-6. Như vậy, tính đến ngày 6-6, công suất khả dụng của thủy điện là 3.110 MW, chỉ đạt 23,7% công suất lắp đặt.
Trong khi đó, về nguồn nhiệt điện, do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các tổ máy hoạt động tối đa công suất trong thời gian dài dẫn đến những sự cố về thiết bị. Một khó khăn khác được ông Hòa chỉ ra là khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 KV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.
Ông Trần Việt Hòa cho hay tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500 - 17.900 MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 - 24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới.
Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng 30,9 triệu KWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu KWh). "Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày" - ông Hòa lo ngại.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Giám đốc Trần Đình Nhân cho biết từ giữa tháng 4 đến nay gặp khó khăn trong cung cấp điện cho khách hàng. Ông Nhân nhấn mạnh đến nay tình hình cung ứng điện khu vực phía Bắc còn nhiều khó khăn. "Từ nay đến khi nước về các hồ thủy điện bảo đảm tốt nhất, để duy trì hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn trong bối cảnh nhu cầu phụ tải tăng cao do nắng nóng, một số thời điểm phải triển khai tiết giảm điện, EVN mong khách hàng thông cảm trong tình huống khó khăn này" - ông Trần Đình Nhân nói.
Thông tin rõ hơn về việc tiết giảm điện, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh EVN, cho biết mức tiết giảm điện trong những ngày vừa qua khoảng 30% nhu cầu sử dụng điện vào một số thời điểm cao điểm.
Việc tiết giảm điện được thực hiện theo Thông tư số 34 của Bộ Công Thương quy định về việc lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện. EVN sẽ ưu tiên cấp điện cho các phụ tải điện quan trọng được các tỉnh, thành phố phê duyệt cũng như các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng; các lĩnh vực sản xuất quan trọng, đơn vị sử dụng nhiều lao động...
Khẩn trương ứng phó
Với tình hình cấp bách cung ứng điện cho miền Bắc hiện nay, ông Trần Việt Hòa cho biết Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN tập trung huy động mọi nguồn lực, trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện.
Trong đó, duy trì độ sẵn sàng các nhà máy, tổ máy nhiệt điện, đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố nhanh nhất có thể. Vận hành hệ thống điện hợp lý, cố gắng tăng huy động nhiệt điện để ngăn chặn suy giảm mực nước thủy điện; đẩy mực nước các hồ thủy điện lớn lên khỏi mực nước chết càng sớm càng tốt.
Cũng theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cần chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân và DN. Tăng cường huy động các nhà máy năng lượng tái tạo, đẩy nhanh tiến độ đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành. Đến nay đã huy động 18 nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với công suất 1.115,62 MW.
Về phía địa phương, bà Hoàng Thị Yến, Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Thanh Hóa, cho biết trước tình trạng nắng nóng như hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cắt điện luân phiên để giảm tải, đồng thời ưu tiên cung cấp điện sản xuất - kinh doanh, phục vụ kinh tế - xã hội của địa phương. "Chúng tôi cũng tính tới phương án cắt giảm lượng điện tại các nhà máy, DN trên địa bàn. Phương châm của ngành điện là ưu tiên cho hoạt động du lịch, điện cho DN vẫn ưu tiên nhưng dựa trên kế hoạch sản xuất" - bà Yến thông tin.
Theo Người lao động