Đánh đổi niềm tin công chúng vì lợi nhuận nhưng rồi cũng chỉ..."xin lỗi"
Bộ VHTTDL cho biết hiện nay, quảng cáo đang phát triển mạnh mẽ và càng ngày một khẳng định được vị trí trong hoạt động doanh nghiệp của cơ chế thị trường. Do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều người dùng mạng xã hội (đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng) giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng.
Những bài học đắt giá về các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật trên mạng thời gian qua đã đặt ra yêu cầu về siết chặt công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của chính bản thân người nghệ sĩ.
Dư luận chắc chưa thể quên câu chuyện giữa năm 2021, nghệ sĩ Hồng Vân đã phải lên tiếng xin lỗi khán giả vì quảng cáo thổi phồng công dụng một loại thực phẩm chức năng, khiến mọi người bức xúc.
Trước đó, nghệ sĩ này quảng cáo về một viên sủi thảo dược. Trong video đăng trên trang cá nhân, nghệ sĩ cho biết có bạn thân bị u xơ tử cung, kích thước khối u lên đến 7 cm. Sau khi uống loại sủi này, khối u dần xẹp rồi biến mất.
Để chứng minh, nghệ sĩ này còn đưa ra phiếu kết quả siêu âm của người này. Chị còn uống viên sủi này, cho biết tin dùng vì sản phẩm có chức năng phòng các loại bệnh u xơ, cân bằng nội tiết tố. Thực phẩm chức năng này sau đó bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo không đúng công dụng như quảng cáo.
Tương tự, diễn viên Quyền Linh cũng từng giới thiệu một thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm loét dạ dày. Khi sử dụng sản phẩm ngay trong một lần livestream nhằm tăng độ tin cậy, anh bị nhiều khán giả cho rằng nói quá công dụng mặt hàng. Sau đó, diễn viên cho biết anh ân hận vì chưa tiết chế lời nói khi quảng cáo.
Trước sự “tức giận, thất vọng” của công chúng, một số nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi trong muộn màng, số khác thì chọn cách im lặng, trốn tránh trách nhiệm.
Tại Hội thảo Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức năm 2023, Tiến sĩ sân khấu Cao Ngọc bày tỏ bức xúc khi một số nghệ sĩ vì lợi nhuận không ngần ngại quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, gây ra những phản ứng tiêu cực trong xã hội.
"Việc quảng cáo sai sự thật là hành vi vi phạm trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng, là hành vi lợi dụng sự tin tưởng, tình cảm của công chúng dành cho họ. Những nghệ sĩ này vi phạm nghiêm trọng đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp, gây ra những lỗi lớn trong ứng xử văn hóa với số đông", TS. Cao Ngọc chia sẻ.
NSND Quốc Hưng - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia bày tỏ ủng hộ việc cơ quan chức năng siết lại việc quảng cáo với người nổi tiếng bởi gần đây, nhiều nghệ sĩ chiếm sóng quảng cáo tràn lan rất phản cảm.
NSND Quốc Hưng cho biết biết, bản thân ông cũng từng khuyên anh em, đồng nghiệp và học trò cần phải thận trọng trong việc quảng cáo cho một sản phẩm nào đó. Ví dụ như trước khi giới thiệu cần phải yêu cầu nhãn hàng đưa ra các giấy tờ kiểm nghiệm chất lượng từ phía cơ quan chức năng. Đừng vì lợi nhuận mà "bán rẻ" tên tuổi của mình.
Cùng nói về vấn đề này, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, quảng cáo là nơi nhiều vấn đề nhất, bởi ở đó, các nghệ sĩ, KOL thường được mời làm hình ảnh đại diện quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ hoặc bán hàng online… Tuy nhiên, trên thực tế, chính bản thân họ nhiều khi còn chưa từng sử dụng hay kiểm chứng tính tin cậy của sản phẩm.
"Những nhức nhối này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, an toàn của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến hình ảnh, danh tiếng và độ tin cậy của nghệ sĩ, người nổi tiếng. Thời gian qua, nhiều trường hợp đã phải cúi đầu xin lỗi công chúng, những người vì tin tưởng họ mà làm theo những lời quảng cáo…” - GS.TS Từ Thị Loan cho hay.
"Vá" lỗ hổng để không còn những lời "xin lỗi" muộn màng
Theo Bộ VHTTDL, Luật Quảng cáo hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo là không đúng sự thật hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về các nội dung mình cung cấp.
Đối với các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường cần phải quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm quảng cáo nhưng chưa có quy định cụ thể tại Luật Quảng cáo mà nằm trong Nghị định hướng dẫn và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành gây mâu thuẫn, chồng chéo.
Để khắc phục những bất cập đó, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Bộ VHTTDL đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng.
Cụ thể: "Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng, hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000 người trở lên. Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ.
Người quảng cáo phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người quảng cáo phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm".
Những quy định mà Bộ VHTTDL đưa vào dự thảo Luật lần này trước đây chưa từng có nên được các chuyên gia, nhà quản lý và dư luận đánh giá là một trong giải pháp xử lý "lỗ hổng" pháp lý về vấn đề này.
Theo quan điểm của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, đã đến lúc trả lại môi trường trong lành cho hoạt động quảng cáo. Việc thẩm định sản phẩm trước khi “lên sóng” có thể xem là một biện pháp hữu ích trong việc đảm bảo tính trung thực và đạo đức ở lĩnh vực quảng cáo.
Tuy nhiên, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc người nổi tiếng phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo là vấn đề phức tạp, vì vậy cần có sự cân nhắc và thảo luận kỹ giữa cơ quan quản lý, những người quảng cáo là KOL, nghệ sĩ và các chuyên gia liên quan để tạo ra một hệ thống thẩm định hợp lý, đáng tin cậy.
Trước vô số hệ lụy tiêu cực với khách hàng khi nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo đối với người nổi tiếng bằng những quy định mang tính pháp lý cao sẽ giúp hạn chế tình trạng quảng cáo sai sự thật, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tạo môi trường quảng cáo minh bạch, công bằng.
Bên cạnh đó, khi Luật mới được thi hành sẽ mang tới sự công bằng cho thị trường. Các doanh nghiệp chân chính, kinh doanh sản phẩm chất lượng cần được cạnh tranh lành mạnh, không bị ảnh hưởng bởi những hành vi lừa đảo, trục lợi của một số cá nhân.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn, một trong những tiêu chí xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là đảm bảo ngăn chặn các hành vi quảng cáo sai sự thật và bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng, những nội dung mới tại dự thảo Luật lần này được kỳ vọng sẽ lấp đầy những "lỗ hổng" trong thực tiễn, qua đó dẫn dắt hoạt động quảng cáo phát triển đúng đắn, xứng với tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực này./.
Theo Tổ quốc