Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thị trường điện ở nước ta được phát triển theo 3 cấp độ. Theo đó, từ năm 2014, bắt đầu áp dụng thị trường phát điện cạnh tranh; từ năm 2015 đến năm 2021, thí điểm và hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh; thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ thí điểm từ năm 2021 đến năm 2023 và chính thức áp dụng từ sau năm 2023. Nhưng nhiều năm qua, chúng ta chủ yếu mới chỉ phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, còn thị trường bán buôn điện cạnh tranh thì từ 1/1/2019 mới bắt đầu thực hiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Đến nay, dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không còn là đơn vị sản xuất điện duy nhất nhưng EVN vẫn giữ tỷ trọng độc quyền cao vì vẫn là đơn vị mua duy nhất từ các nguồn phát và là đơn vị bán duy nhất. Tình trạng độc quyền chưa thể chấm dứt nếu vẫn kéo dài tình trạng này.
Những chính sách cần thiết
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược Năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Tư tưởng chủ đạo của nghị quyết này là chống độc quyền trong ngành điện. Muốn chống thì phải cho phép nhiều thành phần kinh tế tham gia và tiến tới xã hội hóa đầu tư vào năng lượng sạch, tái tạo. Nhưng muốn chống được độc quyền điện thì phải triển khai trên cả 3 lĩnh vực gồm: phát điện, vận hành truyền tải và phân phối. Nghị quyết 55 yêu cầu đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất với khách hàng tiêu thụ.
Thực tế, cũng nhờ đa dạng hóa thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nên thời gian qua chúng ta đã phát triển được nhiều dự án, nhà máy sản xuất điện. Nhưng điểm đáng chú ý nhất của nghị quyết là yêu cầu có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Nghị quyết 55 cũng đã mở cửa cho tư nhân được tham gia vào cả lĩnh vực đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia. Đây là điểm mới, được nhiều doanh nghiệp, người dân chờ đợi để hướng tới xóa bỏ độc quyền trong ngành điện. Quan trọng nhất trong lưới điện hiện nay là truyền tải. Công suất phát đã có nhưng truyền tải điện lại còn hạn chế. Ví dụ, hiện nay điện mặt trời, các dự án năng lượng tái tạo phát triển rất mạnh nhưng truyền tải không đáp ứng được nên nhà đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, cần phải xã hội hóa cả trong đầu tư cho khâu truyền tải, để giải tỏa những điểm nghẽn trong phát triển năng lượng tái tạo hiện nay.
Hiện nay, Luật Điện lực đang quy định truyền tải là độc quyền nhà nước. Sau khi có Nghị quyết 55, các cơ quan chức năng đang đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho ban hành Luật Đầu tư theo phương thức Đối tác công tư (PPP), trong đó cho phép tư nhân được đầu tư vào lưới điện truyền tải để gỡ bỏ độc quyền.
Dự thảo quyết định phê duyệt chiến lược phát triển EVN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ KH-ĐT là chỉ giữ tỷ lệ sở hữu phù hợp của công ty mẹ tại các khối phát điện, kinh doanh bán lẻ điện và Nhà nước không bắt buộc phải nắm cổ phần chi phối; từng bước thoái vốn của EVN tại những công ty cổ phần phát điện, bán các nhà máy điện sau khi đã đi vào hoạt động ổn định cho các nhà đầu tư bên ngoài để huy động vốn cho dự án mới, bảo đảm phù hợp với kế hoạch giảm nợ công của Chính phủ. Điều này là hoàn toàn đúng nhằm đa dạng thành phần kinh tế tham gia sở hữu, đầu tư vào điện để huy động thêm nguồn lực để EVN có thể làm những việc khác như đầu tư dự án mới hoặc đầu tư cho vùng sâu vùng xa...
Nhà nước chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực tư nhân không làm hoặc những vấn đề có tính an ninh quốc phòng. Cách này cũng đồng nghĩa sẽ giảm dần độc quyền của EVN nhưng điều khó nhất hiện nay là tiến độ cổ phần hóa của chúng ta đang “chậm như rùa”. Để có thị trường điện cạnh tranh, giá bán điện hợp lý cho người tiêu dùng phải xóa bỏ cả độc quyền mua bán điện, liên quan tới khâu truyền tải và phân phối.
Gỡ bỏ độc quyền trong truyền tải điện
Theo nguyên tắc của thế giới, truyền tải điện bao giờ cũng phải đảm bảo cơ chế là Nhà nước độc quyền. Từ điểm A đến điểm B mà làm nhiều hệ thống truyền tải thì quá lãng phí. Trong truyền tải có 3 khâu là đầu tư, quản lý và vận hành. Tuy nhiên, theo tinh thần của Luật PPP đề xuất, Nhà nước sẽ chỉ độc quyền trong khâu quản lý và vận hành, còn khâu đầu tư vào lưới điện truyền tải sẽ xã hội hóa. Tức Nhà nước sẽ không độc quyền toàn bộ nữa.
Lâu nay, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo đang bị vướng mắc công suất và lưới truyền tải. Do đó, chính sách này của Nhà nước được nhiều doanh nghiệp mong đợi. Và xã hội hóa đầu tư cho khâu truyền tải cũng là cách để tăng nguồn lực đầu tư cho ngành điện.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, bắt đầu từ năm 2021 sẽ thí điểm phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Khi đó không chỉ EVN sản xuất, mua buôn mà có rất nhiều doanh nghiệp cùng mua. Bán lẻ điện cạnh tranh là tiến tới có nhiều đơn vị mua - bán. Chỉ trên cơ sở cạnh tranh thực sự giữa các doanh nghiệp cung cấp, phân phối điện bán lẻ thì người dân mới được lợi, có giá bán lẻ hợp lý. Nguyên tắc cạnh tranh là giá cả sẽ được ép sát giá thành. Nhiều anh mua, nhiều anh bán, tăng sức cạnh tranh, giá điện sẽ có xu hướng giảm. Tất nhiên, chỉ giảm tới giá thành bình quân chứ cũng không thể giảm thấp hơn vì giảm quá thì doanh nghiệp điện sẽ không sản xuất nữa./.
Nguồn SGGP