Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và sự cam kết của các quốc gia về thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững cho thấy sự quan tâm, thực hiện bình đẳng giới trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Công ước nhấn mạnh sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ là vi phạm các nguyên tắc bình đẳng về các quyền và tôn trọng nhân phẩm; là một trở ngại với sự tham gia của phụ nữ, trên cơ sở bình đẳng; làm ảnh hưởng tới sự thịnh vượng của xã hội và gia đình.
Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới đã được Đảng và Nhà nước quan tâm và đánh giá là một động lực và mục tiêu phát triển. Các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong Luật Bình đẳng giới; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Và mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2023.
Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em gái để trẻ được phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh. Ảnh minh họa: Internet
Để thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em, các địa phương, các cấp, ngành, đoàn thể đã luôn nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Điều đó được thể hiện trong các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 được ban hành trong thời gian qua. Phụ nữ, trẻ em luôn xác định là đối tượng được ưu tiên, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ bị nhiễm COVID-19, trẻ em mồ côi do bố mẹ bị tử vong bởi COVID-19.
Tuy nhiên, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong không ít gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Bên cạnh đó, trước tốc độ phát triển đô thị hóa, việc thực hiện các mục tiêu vì bình đẳng giới gặp không ít khó khăn, thách thức, như: bảo đảm việc làm, điều kiện sống, sinh hoạt và các chính sách an sinh xã hội khác; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh; tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em diễn ra ngày càng phức tạp. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và đang là vấn đề gây bức xúc toàn xã hội.
Đặc biệt, hai năm gần đây, dịch COVID-19 đã khiến cho bất bình đẳng giới gia tăng. Trong đó, phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng phải chịu nhiều bất lợi, thiệt thòi. Nhiều trẻ em phải sống xa bố, mẹ do thực hiện cách ly. Thậm chí, có những em đã rơi vào tình trạng mồ côi cha/mẹ do dịch COVID-19. Hay, khi dịch COVID-19 diễn ra phức tạp trẻ em không được đến trường, học tập và vui chơi thoải mái. Trong khi đó, bố mẹ vẫn đi làm phải để trẻ ở nhà dẫn đến có nguy cơ rơi vào các tình huống nguy hiểm.
Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, tháng hành động năm 2021 đề cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, khẳng định những ưu tiên, sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương cho phụ nữ, trẻ em và công tác thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Hưởng ứng tháng hành động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương phối hợp với các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030; tổ chức các hoạt động giáo dục, phổ biến kiến thức và trang bị các kỹ năng cần thiết cho người bị bạo lực, người có nguy cơ bị bạo lực; giới thiệu triển khai các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới; lồng ghép tuyên truyền các chức năng gia đình vào các tiêu chí gia đình văn hóa, góp phần xây dựng và củng cố gia đình văn hóa ở khu dân cư gắn kết trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, nhất là phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tăng cường việc huy động nguồn lực để hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch COVID-19...
Đặc biệt, với các thông điệp, khẩu hiệu cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, như: Thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh; bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, hy vọng tháng hành động sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách về giới, xóa bỏ bạo lực./.
Theo Báo Thanh Hóa