Ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Để chăm lo, đảm bảo mọi người dân đều có Tết yên vui, đầm ấm, Ban Bí thư đã sớm ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2023 và chăm lo Tết cho nhân dân.
Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặc biệt chú trọng việc kiểm soát dịch bệnh, quan tâm, hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ...
Một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại Chỉ thị số 22/CT-TTg là chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, miền núi, vùng dân tộc thiểu số để quan tâm, chăm lo, kịp thời hỗ trợ phù hợp. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, chồng chéo, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, đảm bảo tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.
Để kịp thời triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Cục Bảo trợ xã hội đã tham mưu lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 5277 ngày 26/12/2022 chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá tình hình đời sống nhân dân, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt đầu năm 2023.
Đồng thời, yêu cầu các tỉnh, thành phố chủ động sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thiếu đói, bảo đảm không để người dân nào bị đói, không có Tết; trường hợp địa phương khó khăn không tự giải quyết được thì chủ động đề nghị Trung ương hỗ trợ, nhất là những địa phương bị thiệt hại nặng do thiên tai. Thực hiện kịp thời việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định hiện hành.
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương đã xây dựng Kế hoạch để triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người lao động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, tập trung vào các nội dung: tặng quà cho các đối tượng chính sách và người có công, các đối tượng là hộ gia đình nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; một số gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.
Qua báo cáo tổng hợp, mức hỗ trợ từ ngân sách của các địa phương phổ biến từ mức 300.000 đồng - 500.000 đồng/đối tượng. Một số địa phương có điều kiện ngân sách như thành phố Hà Nội mức hỗ trợ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng đối với người có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng; mức 700.000 đồng - 1.500.000 đồng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi; mức 500.000 đồng với người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo và mức 300.000 đồng với hộ cận nghèo. Thành phố Cần Thơ mức 1.100.000 đồng đối với đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng và hộ nghèo.
Tỉnh Lâm Đồng mức hỗ trợ 500.000 đồng/hộ cận nghèo và mức 700.000 đồng/hộ nghèo. Tỉnh Lạng Sơn mức 600.000 đồng với đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, các địa phương còn lập kế hoạch tổ chức các đoàn lãnh đạo đi thăm, tặng quà cho các cơ quan, tổ chức, các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn với mức trung bình từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Tính đến thời điểm ngày 18/1/2023 (tức ngày 27 Tết), ước tính kinh phí trợ giúp Tết của 50/63 tỉnh, thành phố là khoảng 4.700 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 6 triệu đối tượng để đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Đặc biệt, trong những ngày cận Tết, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tổ chức hàng trăm đoàn công tác đi thăm hỏi, động viên và tặng tổng số hơn 10.000 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công, người có hoản cảnh khó khăn trên địa bàn cả nước.
Ngoài nguồn lực từ ngân sách các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp cũng có nhiều hoạt động trợ giúp người nghèo ăn Tết. Trong đó, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có Kế hoạch trao tặng 17.000 suất quà, mỗi suất quà trị giá từ 600.000 đồng đến 1.200.000 đồng/suất, tổng kinh phí dự kiến 18,252 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương. Các doanh nghiệp, ngân hàng cũng dành hàng chục tỷ đồng tặng quà cho người nghèo ở các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, để đồng bào dân tộc vui xuân đón Tết…
Vừa qua có 18 tỉnh gặp khó khăn về nguồn lực (gồm: Sóc Trăng, Ninh Thuận, Cao Bằng, Nghệ An, Tuyên Quang, Trà Vinh, Đắk Nông, Quảng Bình, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Gia Lai, Bắc Kạn, Kon Tum, Hà Giang, Bình Phước, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Lạng Sơn) đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 18.458 tấn gạo cứu đói cho 204.663 hộ với 1.217.249 nhân khẩu. Trong đó: hỗ trợ cứu đói Tết là 16.920.850 tấn gạo cho 1.127.990 nhân khẩu, hỗ trợ cứu đói giáp hạt là 1.537,86 tấn gạo cho 89.259 nhân khẩu.
Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xuất cấp hơn 18.002 tấn cứu đói cho 199.809 hộ với 1.200.134 nhân khẩu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023.
Tính đến ngày 19/1 (ngày 27 tháng Chạp), Thủ tướng Chính phủ đã ký 6 Quyết định hỗ trợ tổng số hơn 18.002 tấn cứu đói cho 199.809 hộ với 1.200.134 nhân khẩu bị thiếu đói dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023 cho 17 tỉnh, gồm: Sóc Trăng, Ninh Thuận, Cao Bằng, Nghệ An, Tuyên Quang, Trà Vinh, Đắk Nông, Quảng Bình, Bắc Kạn, Kon Tum, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Gia Lai, Hà Giang, Bình Phước, Quảng Ngãi và Quảng Trị.
Nguồn Báo tin tức