Golf là môn thể thao đang dần trở nên phổ biến. Ngày càng có nhiều người tiếp cận với môn thể thao này, chứng tỏ nó phù hợp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội. Du lịch thể thao nói chung và du lịch golf nói riêng cũng là một hướng phát triển mới của ngành văn hóa, thể thao và du lịch tại nhiều địa phương, vừa mang lại doanh thu, vừa tạo thêm công ăn việc làm, vừa là kênh quảng bá cho hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam. Nói như vậy để khẳng định golf không có lỗi. Mà việc cán bộ, công chức “trốn làm” đi chơi golf trong giờ hành chính như phản ánh, mới là vấn đề.
Theo thông tin từ báo chí, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh đi chơi golf 2 - 3 buổi/tuần, đều trong giờ hành chính và việc họ có mặt trên sân golf không liên quan đến kế hoạch làm việc. Thông tin này sau đó được lan truyền trên mạng xã hội, khiến dư luận hết sức bức xúc. Không chỉ là những câu hỏi đặt ra về chi phí, về lối sống, mà hành vi bỏ bê công việc tạo ra hình ảnh xấu về người cán bộ, đảng viên. “Lãnh đạo ngành nông nghiệp đi cuốc đất thì có gì lạ đâu” - không ít bình luận của người dùng mạng xã hội tỏ ý chế giễu.
Chỉ thị 05/2008/CT-TTg ngày 31/1/2008, của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đã quy định rõ: Cán bộ, công chức, viên chức phải chấp hành và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật, nội quy, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; không sử dụng thời giờ làm việc vào việc riêng; không đi muộn, về sớm, không chơi game trong giờ làm việc; không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, kể cả vào bữa ăn giữa hai ca trong ngày làm việc và ngày trực. Đồng thời, phải có mặt đúng giờ tại công sở theo giờ hành chính hoặc theo quy định cụ thể của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Như vậy, hành vi đi chơi golf (mà chơi golf thì không thể nhanh được) của cán bộ, công chức trong giờ hành chính là vi phạm quy định. Đây cũng có thể được xem là hành vi “tham nhũng thời gian”, với mức độ nguy hại cho nền công vụ không kém tham nhũng kinh tế. “Tham nhũng vặt” nhưng hệ quả lại không hề vặt, nó có thể làm xói mòn niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền. Đặc biệt, điều đáng lên án ở đây sự thiếu trách nhiệm nêu gương của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Người xưa có câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, ý nói cấp trên mà không gương mẫu, chính trực thì không thể làm gương và cấp dưới cũng dễ hư hỏng, vi phạm kỷ luật, pháp luật. Cấp trên mà không tuân thủ kỷ luật công việc thì “há miệng mắc quai”, làm sao bảo ban được cấp dưới? Việc người dân, doanh nghiệp phải chờ đợi ở trụ sở để giải quyết công việc trong lúc cán bộ, công chức “đánh cắp” thời gian hành chính hoặc nhậu nhẹt xuyên trưa say xỉn không thể xử lý được công việc, là thực tế đã diễn ra ở một số nơi. Cho nên, sự bức xúc là điều dễ hiểu.
Trước phản ánh của báo chí và dư luận xã hội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra thông tin, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Rõ ràng, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” là điều khó chấp nhận trong bộ máy công quyền, nhất là trong thời điểm hiện nay. Đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên tục phải đề ra các quyết sách mới để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tranh thủ mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện đời sống nhân dân. Vậy mà vẫn có những cán bộ, công chức nhởn nhơ, bê trễ nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm và rất phản cảm.
Sau chỉ đạo của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và văn hóa công sở trong cơ quan của Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Chỉ thị nêu rõ, địa bàn tỉnh còn có một số tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện lơ là, chưa nghiêm túc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và văn hóa công sở.... Đặc biệt, vẫn còn các vi phạm kỷ luật thời gian hành chính như: Hiện tượng đi muộn, về sớm, làm việc cá nhân; cá biệt còn có trường hợp sử dụng rượu, bia trong giờ hành chính, buổi trưa trong các ngày làm việc; vi phạm an toàn giao thông. Một số cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị gương mẫu tự giác đi đầu, thực hiện văn hóa công sở; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm cá nhân trong chỉ đạo, chủ trì, tham dự các cuộc họp; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, nền nếp việc báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh khi đi công tác ngoại tỉnh và nước ngoài theo quy định. Bắc Ninh sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện vi phạm để xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm minh, nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ và văn hóa công sở.
Câu chuyện ở Bắc Ninh làm chúng ta nhớ lại vụ việc ông Nguyễn Văn Dũng bị miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định vào năm 2021 do đi chơi golf trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19. Hay trước đây, một số cán bộ, công chức cũng đã bị kỷ luật vì đi lễ trong giờ hành chính, tham gia đánh bạc tại trụ sở hoặc đi uống rượu bỏ bê nhiệm sở… Ở một mức độ thấp hơn, đây đó vẫn còn hiện tượng công chức, viên chức “tham nhũng thời gian” ngoài quán cà phê, trà đá, shopping…, gây ảnh hưởng đến việc xây dựng văn hóa công vụ, đạo đức công vụ và nền công vụ liêm chính. Dù cho đó chỉ là những hiện tượng đi chăng nữa, việc một số người vẫn ra rả nói là học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhưng hành động lại không đi đôi với lời nói, là điều cần phải chấn chỉnh nghiêm túc.
Bất luận như thế nào, cần phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” là vì thế.
Nguồn Báo tin tức