Dám đương đầu, không né tránh trách nhiệm là phẩm chất cần thiết của những người được giao trách nhiệm lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư luận phản ánh tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, lãnh đạo, quản lý trong hoạt động công vụ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.
Có những công việc thuộc thẩm quyền xử lý nhưng thấy khó khăn nên “đẩy” lên cấp trên cho hết trách nhiệm, khiến cấp trên phải giải quyết việc của cấp dưới, cấp quản lý theo thẩm quyền lại trở thành cấp trung gian, trung chuyển trách nhiệm.Trong giải quyết công việc, khi có vướng mắc không dám cải tiến vì sợ nếu lỡ bị sai thì không ai bảo vệ. Nguy hại nhất là biết những hành vi tham nhũng, tiêu cực nhưng xem như không biết, không dám tố cáo, đấu tranh, xem việc đó của người khác, của cơ quan chức năng.
Những hiện tượng trên làm suy giảm hiệu quả hoạt động công vụ của cơ quan, đơn vị, giảm hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền. Quá trình xử lý công việc của cá nhân theo trách nhiệm, thẩm quyền bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây lãng phí nguồn lực. Có thể kể đến những ví dụ như hiện tượng giải ngân quá chậm trong đầu tư công dù đã được cấp đủ vốn, hay hiện tượng thiếu thuốc men, dụng cụ y tế phục vụ khám, chữa bệnh trong ngành y tế trong thời gian dài ở một số địa phương.
Bên cạnh những nguyên nhân thuộc về cơ chế, chính sách, vấn đề chủ quan trước hết là do cán bộ không nắm chắc quy định nên sợ sai không dám thực hiện, thiếu bản lĩnh chuyên môn nên né tránh, đùn đẩy, mất “dũng khí” ngại thực thi với những quy định thông thường trong khi giải quyết công việc.
Để khắc phục hiện tượng trên, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản về trách nhiệm “nêu gương” của Đảng viên trong thực thi công vụ, trong đó có Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”.
Ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Chính phủ đang dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, tạo sự yên tâm cho cán bộ khi thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao trách nhiệm công vụ của “công bộc” phục vụ nhân dân trước mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Chấp hành các nguyên tắc tổ chức của Đảng, trách nhiệm theo nghĩa vụ của cán bộ hành chính, cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cần đề cao dân chủ trong mọi hoạt động thuộc trách nhiệm và thẩm quyền nhằm kích thích tinh thần dám nghĩ, dám làm và các nhân tố tích cực trong mỗi lĩnh vực. Đánh giá đúng cán bộ để khơi dậy ý thức trách nhiệm đối với công việc, đồng thời sẽ ngăn ngừa được tình trạng “tranh công, đổ lỗi”.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần chủ động rà soát những bất cập, sửa đổi những quy định của pháp luật theo hướng rõ ràng, minh bạch, cá thể hóa, quy rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối với chức danh công vụ. Cần đảm bảo thống nhất, chặt chẽ có tính răn đe, giáo dục, không để người xấu, người thiếu trách nhiệm lợi dụng kẽ hở để trục lợi, tạo sự yên tâm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Ai chùn bước đứng sang một bên cho người khác làm. Cũng như vậy, nếu cán bộ né tránh trách nhiệm không tự chỉnh đốn thái độ làm việc, sẽ không còn chỗ đứng trong hệ thống công quyền
Quang Minh