Chấn hưng văn hóa thông qua giáo dục là cách làm bền vững, hiệu quả. Ảnh: Giáo dục và Thời đại
Phát triển toàn diện
Có thể thấy giáo dục có vai trò quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt quá trình hình thành, phát triển nhân cách của mỗi con người. Vì vậy, chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục học đường cần thiết và phải xuất phát từ nhiệm vụ, chức năng của giáo dục.
Theo PGS.TS Trần Huy Hoàng (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam): Việc giáo dục giá trị văn hóa trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế có vai trò quyết định tới sự phát triển của mỗi cá nhân học sinh, sinh viên nói riêng và với tương lai của đất nước nói chung. Trong thời kỳ đổi mới, cần có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội để nâng cao hiệu quả giáo dục giá trị văn hóa, và nhà trường vẫn đóng vị trí, vai trò quan trọng nhất.
Học sinh, sinh viên khi được giáo dục sẽ có nhận thức đúng đắn về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc như yêu nước, nhân ái, đoàn kết, tôn sư trọng đạo, hiếu học, cần cù, trung thực… từ đó xây dựng thái độ và hành vi đúng đắn về các giá trị văn hóa truyền thống cũng như biết vận dụng, hiểu biết trong các tình huống ứng xử với người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
PGS.TS Trần Huy Hoàng cũng cho rằng, quá trình hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực của người học trong việc tổ chức dạy học và giáo dục cũng là quá trình hình thành các giá trị văn hóa.
Việc giáo dục giá trị văn hóa cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và tự giáo dục, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của mỗi đối tượng giáo dục và đồng thời phải đưa người học vào những hoạt động giao lưu phong phú, đa dạng để từ đó hình thành và phát triển nhân cách…
“Học sinh, sinh viên có nhiều thay đổi về tâm sinh lý; chịu nhiều tác động từ các mối quan hệ xã hội thì việc giáo dục giá trị văn hóa nhằm hình thành nhân cách là yếu tố quyết định để tạo nên một xã hội phát triển, có khả năng hội nhập đồng thời cũng gìn giữ những giá trị của bản thân nói riêng, dân tộc nói chung…”, PGS Trần Huy Hoàng khẳng định.
Ở góc độ nghiên cứu trong thực tiễn vấn đề chấn hưng văn hóa từ giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng; Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng bày tỏ: Giáo dục giá trị văn hóa trước hết phải gắn với việc xây dựng văn hóa học đường trong mỗi nhà trường.
Trường học là nơi lưu giữ, khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa. Ảnh: Phượng Anh (Giáo dục và Thời đại)
Đây là vấn đề cốt lõi, tiên quyết. Và để giáo dục đạt hiệu quả cao trong các nhà trường phải xây dựng văn hóa học đường. Văn hóa là thước đo của giá trị. Giáo dục trong các nhà trường đạt đến các chuẩn văn hóa là giáo dục có chất lượng văn hóa và giá trị là thước đo của hiệu quả giáo dục mỗi nhà trường.
Để giáo dục đạt hiệu quả cao, các nhà trường phải xây dựng văn hóa giáo dục. Cũng như nắm được những nội dung phải tiến hành văn hóa học đường trong mỗi nhà trường để thấy được sự cần thiết của việc giáo dục giá trị và giáo dục giá trị văn hóa trong trường phổ thông hiện nay như thế nào trên con đường thực hiện đổi mới giáo dục, hòa nhập quốc tế để tạo ra bản sắc riêng của mỗi nhà trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
TS Nguyễn Tùng Lâm minh chứng việc chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục qua mô hình giáo dục văn hóa tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Là 1 trong 2 trường dân lập đầu tiên của Hà Nội, nhưng Trường Đinh Tiên Hoàng là mô hình giáo dục đặc biệt nhằm giúp đỡ học sinh khó khăn trong việc học tập và rèn luyện nên hàng năm đều nhận những em không đủ tiêu chuẩn vào các trường công lập.
Do đó, ngoài việc dạy chữ cho học sinh có đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp THPT để tiếp tục học đại học, cao đẳng thì trường cũng tập trung “Dạy người” giúp các em lấy mục tiêu “Vì ngày mai lập nghiệp”.
Nhà trường theo đường lối không chạy theo việc học văn hóa chỉ để vào đại học mà việc giáo dục nhân cách học sinh được lựa chọn hàng đầu. Trường luôn nêu cao giá trị phát triển nhân cách.
Với định hướng chấn hưng văn hóa từ giáo dục, thời gian qua hầu hết học sinh của trường sau 3 năm theo học vẫn vào được đại học, cao đẳng với tỉ lệ không nhỏ. Và quan trọng hơn thế, các em còn làm chủ được cuộc sống của mình, “nên người” và không trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội.
Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ nhà trường được NGND Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) chia sẻ ở góc nhìn riêng và đang được nhà trường triển khai hiệu quả.
“Văn hóa học đường tác động tới không chỉ thái độ của học sinh và giáo viên mà còn trên toàn bộ quá trình trải nghiệm học tập. Văn hóa học đường bao gồm những ảnh hưởng và thái độ tiềm ẩn bên trong nhà trường – dựa trên các chuẩn mực, truyền thống và niềm tin của giáo viên, nhân viên và học sinh. Nó liên quan đến cách thầy cô tương tác với nhau, với học sinh, phụ huynh và cả với lãnh đạo.
Văn hóa học đường tích cực là nơi mà những nỗ lực được chuyển thành những trải nghiệm tích cực cho cả giáo viên, nhân viên và học sinh. Thành công, niềm vui và thành tích là tất cả các đặc điểm của văn hóa trường học tích cực. Khi trường học có nền văn hóa tích cực, giáo viên sẽ hào hứng làm việc và học sinh có tâm thế tốt nhất để học tập…”.
Văn hóa thấm sâu trong đổi mới giáo dục
Sớm thấy tác động của giá trị văn hóa tới việc phát triển toàn diện của học sinh, nhà trường ngoài việc thực hiện các chương trình, hoạt động giáo dục theo đúng yêu cầu của Sở, Bộ còn chú ý tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường theo cách riêng để phù hợp với đặc điểm học sinh trường mình. Hơn thế cũng để đảm bảo các chương trình giáo dục của trường thật sự tác động đến học sinh và quan trọng giúp các em thay đổi bởi trường không chọn lọc đầu vào nên hàng năm tỉ lệ học sinh còn yếu không chỉ về mặt văn hóa mà cả rèn luyện đạo đức cũng có một tỉ lệ không nhỏ.
Theo PGS.TS Trần Huy Hoàng: “Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và những biến động đa chiều của thế giới hiện đại đang tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức và lối sống của nhiều học sinh, sinh viên.
Giá trị văn hóa góp phần giúp học sinh phát triển toàn diện. Ảnh: Phượng Anh (Giáo dục và Thời đại)
Do đó, việc định hướng giá trị sống cho học sinh, sinh viên để tạo nên ý thức, niềm tin, thái độ và hành động đúng đắn, tích cực trong bối cảnh hiện nay là thách thức lớn đối với cả nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Các nhà trường cần lựa chọn xây dựng hệ giá trị hình thành ở học sinh, sinh viên, trong đó có giá trị văn hóa là một yêu cầu cấp thiết, phù hợp với xu thế xã hội đương đại đồng thời vẫn lưu giữ những giá trị tinh hoa truyền thống Việt Nam có nguy cơ bị mai một nhằm ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, giảm nguy cơ hòa tan văn hóa…”.
Thực tế cho thấy, trong Chương trình GDPT 2018 và thay SGK mới ngành Giáo dục đã chú trọng vào việc phát triển năng lực, phẩm chất học trò. Điều này không chỉ giúp học sinh khi ra trường phát triển toàn diện mà bên cạnh kiến thức tiên tiến còn được tiếp thu, kế thừa, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, làm giàu bản sắc văn hóa trong suy nghĩ, hành động.
Cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai) bày tỏ sự đồng tình trong vấn đề chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục. Và theo cô, điều đó đặc biệt cần thiết đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc – nơi các giá trị đang ngày càng phai nhạt.
Cô Hường cho rằng, văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một trên nhiều phương diện từ phong tục, tập quán… tới thói quen, cách sống, ngôn ngữ của người dân trong đó có học sinh.
Trong khi đó, công tác bảo tồn tại các địa phương và nhà trường vẫn còn những hạn chế; thế hệ trẻ chịu nhiều tác động từ văn hóa mạng; sự giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa và cộng đồng khắp nơi.
Tình trạng học sinh không hiểu về văn hóa, bản sắc dân tộc mình, không thích mặc trang phục dân tộc, hạn chế ngôn ngữ, phong tục tập quán truyền thống... vẫn diễn ra. Do đó, để giúp học sinh học tập, sinh hoạt trong môi trường không phai nhạt văn hóa truyền thống, “hòa nhập không hòa tan” trước nhiều luồng văn hóa nên trường đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục để bảo tồn.
Một mặt quá trình soạn giáo án, giảng dạy, chỉ đạo giáo viên tích cực lồng ghép vào các vấn đề mang yếu tố văn hóa truyền thống, thúc đẩy tình yêu, lòng tự hào dân tộc cho học trò.
Các giá trị văn hóa truyền thống cũng được lưu giữ qua nhiều hình thức và trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên tại trường, lớp như trường mời nghệ nhân dạy múa hát truyền thống; Tổ chức hoạt động ngoại khóa với nhiều trò chơi, cuộc thi đậm bản sắc dân tộc như đẩy gậy, đi cà kheo, nấu món ăn truyền thống...
Ngoài ra, trường cũng ra quy định học sinh mặc trang phục dân tộc 2 lần/tuần; Trang trí góc bản sắc văn hóa trong từng lớp học; Tăng cường hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ truyền thống dạy múa hát dân tộc, may thêu bản địa. Phát huy giá trị văn hóa còn thể hiện trong từng bữa ăn học trò khi cách chế biến, lên thực đơn, chọn thực phẩm đều mang bản sắc văn hóa riêng…
Cô Nguyễn Hương Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang) cũng khẳng định: Giá trị văn hóa con người Việt Nam đã được Chương trình GDPT 2018 xác định theo 5 phẩm chất mà mỗi nhà trường, mỗi cấp học phổ thông đều phải quán triệt đó là: Yêu nước, nhân ái, trung thực, chăm chỉ, trách nhiệm.
Để giáo dục, khơi dậy, gìn giữ các giá trị phẩm chất đó trong học trò thì trường học đóng vai trò quan trọng nhất chứ không phải gia đình hay xã hội. Thông qua hoạt động giáo dục truyền tải đến học trò các giá trị văn hóa; phát huy văn hóa trong và ngoài nhà trường chuẩn mực, phù hợp nhất với điều kiện và bối cảnh xã hội chung./.
Theo Giáo dục và Thời đại