Những ngày cuối năm 2023, từ các địa phương trong cả nước xuất hiện những thông tin tích cực về chăm lo đời sống cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch 2024.
Tại Hải Dương, một trong những “thủ phủ” lao động phía Bắc, có 9.656 doanh nghiệp đang hoạt động với 394.576 lao động, dù mức thưởng đa số thấp hơn so với năm trước, song nhiều doanh nghiệp có mức thưởng Tết cao so với mặt bằng chung.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, có công ty cổ phần đạt mức thưởng cao nhất là 110 triệu đồng/người. Mức thưởng Tết Dương lịch thấp nhất khối FDI là 50.000 đồng/người, mức thưởng bình quân 930.000 đồng/người.
Trong khối Công ty TNHH hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng thấp nhất 500.000 đồng/người, bình quân 2,2 triệu đồng/người, cao nhất 12 triệu đồng/người.
Khối doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, mức thưởng thấp nhất 100.000 đồng/người, bình quân hơn 1,9 triệu đồng/người, cao nhất 5 triệu đồng/người.
Khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng thấp nhất 100.000 đồng/người, bình quân 800.000 đồng/người và cao nhất 10 triệu đồng/người.
Tại Bắc Ninh, trong số 576 doanh nghiệp (sử dụng 235.491 lao động) báo cáo tình hình tiền lương năm 2023 và thưởng Tết năm 2024, có 343 đơn vị thưởng Tết Dương lịch cho người lao động, chiếm 59,55%.
Mức thưởng Tết bình quân trong các doanh nghiệp báo cáo là 1,03 triệu đồng/người, còn mức thưởng cao nhất nằm trong khối doanh nghiệp dân doanh với con số khoảng 80 triệu đồng.
Tại Quảng Trị, qua khảo sát tại 251 doanh nghiệp thì 195 doanh nghiệp dự kiến có thưởng Tết Dương lịch 2024, mức thấp nhất là 100.000 đồng/người, cao nhất (thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) là 37,6 triệu đồng/người.
Các Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, dự kiến mức thưởng cao nhất là 3 triệu đồng/người.
Theo tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An, có 603 doanh nghiệp báo cáo tiền thưởng Tết Dương lịch năm 2023 với 50.110 lao động. Mức tiền thưởng bình quân là 1 triệu đồng/người, mức cao nhất 6 triệu đồng/người, mức thấp nhất 0,1 triệu đồng/ người đối với người lao động mới vào làm việc dưới 12 tháng.
Ngay trước đó, ngày 29/12, tại Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Chương trình “Tết sớm với cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh vùng cao”, trao các suất quà cho cán bộ, người lao động, giáo viên, công đoàn nhà trường và tặng gần 200 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên đạt thành tích cao trong học tập.
Nằm trong chương trình này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” năm tại tỉnh Nghệ An và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới.
Cùng với việc thực hiện thưởng Tết Dương lịch, các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức tại các địa phương cũng có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán, có những địa bàn dự kiến mức thưởng khá cao.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp luôn duy trì tiền lương của người lao động hàng tháng. Dù không cao, có nơi trung bình chỉ trên 3 -5 - 8 triệu đồng/tháng, cũng đã tạo sự ổn định cho người lao động.
Chỉ điểm về công tác an sinh xã hội tại một vài địa phương trong những ngày cuối cùng của năm dương lịch 2023 như trên, đã ghi nhận được thông tin tích cực từ việc chăm lo Tết cho người lao động. Những con số thưởng và lương được nêu ra, càng trở nên ý nghĩa hơn khi đặt trong bối cảnh chung của từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang còn đó những khó khăn.
Nhìn lại tình hình kinh tế - xã hội của đất nước năm 2023, GDP ước tính đạt mức 5,05% so với năm trước. Con số này là không đạt mục tiêu 6,5% đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ nhưng là kết quả tích cực và thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Đi sâu vào các chỉ số chính đều có những điểm sáng đáng ghi nhận, cụ thể như các “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế là nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định. Và điều nổi bật nhất chính là đời sống của dân cư được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 19/12/2023, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng chính sách xã hội là hơn 12,3 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính đến ngày 22/12/2023 Chính phủ cấp xuất tổng số 21,6 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho 1,4 triệu nhân khẩu.
Còn đối với công nhân, người lao động tại tất cả các địa phương trên cả nước – nguồn tài nguyên quý giá cho sản xuất, kinh doanh, những khoản thưởng Tết Dương lịch (tiếp sau đây sẽ là Tết Nguyên đán) và mức thu nhập ổn định từ lương hàng tháng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, cho thấy sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, từng địa phương, và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2024 sắp đến. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, không thuận lợi, thì những thành tựu kinh tế của Việt Nam trong năm qua, đặc biệt là sự ổn định xã hội trên cơ sở thực hiện tốt công tác an sinh, trong đó có chăm lo cho các đối tượng chính sách và sự quan tâm kịp thời với đội ngũ người lao động là tiền đề vững chắc để từng doanh nghiệp, từng địa phương và nền kinh tế bứt phá khi thời cơ chín muồi.
Những chắt chiu và nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương và Chính phủ để lo “Tết ấm” cho người lao động, sẽ là mảnh đất tốt, để xuân về, những mầm hy vọng bật xanh, tươi tốt, xum xuê.
Nguồn Báo tin tức