Câu hỏi: Thương hiệu quốc gia của Việt Nam đóng góp gì cho việc nâng cao sức mạnh mềm của Việt Nam?
Trả lời
Năm 2021, theo đánh giá của Brand Finance, một công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới (trụ sở tại London, Anh), Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng sức mạnh mềm toàn cầu.
Chỉ số sức mạnh mềm của các quốc gia được Brand Finance tổng hợp từ các tiêu chí: Tính phổ biến của thương hiệu quốc gia; Ảnh hưởng tổng thể của quốc gia; Danh tiếng tổng thể của quốc gia; Khả năng ứng phó của quốc gia trước dịch bệnh covid-19; Hiệu suất trên 7 trụ cột của quyền lực mềm (kinh doanh, thương mại, quản trị, quan hệ quốc tế, văn hóa và di sản, truyền thông và báo chí, giáo dục và khoa học, con người và giá trị).
Việt Nam phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của sức mạnh mềm, đặc biệt là sự hội nhập của thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, thương hiệu quốc gia ngày càng trở nên quan trọng, có vai trò như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị sản phẩm, giá trị của doanh nghiệp, đồng thời, góp phần làm tăng uy tín của đất nước, nâng cao sức mạnh mềm quốc gia.
Trong nền kinh tế hiện đại, thương hiệu sản phẩm của quốc gia nào chiếm lĩnh thị trường quốc tế càng lớn thì quốc gia đó càng hùng mạnh. Xác định tầm quan trọng của thương hiệu quốc gia, ngay từ năm 2003, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam tại Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 25/11/2003. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam.
Sau 18 năm triển khai, rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới như: Viettel thuộc top 15 nhà mạng trên thế giới về thuê bao di động và top 40 thế giới về doanh thu; Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đang vươn dần lên vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Công ty cổ phần sữa TH; Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên yến sào Khánh Hòa;… Các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như doanh nghiệp, nên từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu một cách chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của thương hiệu Việt trên thị trường trong nước và nước ngoài. Thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng thế giới và hiện nay thuộc nhóm thương hiệu mạnh.
Năm 2019, trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD, xếp hạng thứ 42.
Năm 2020, Việt Nam được coi là điểm sáng nhờ những kết quả về kinh tế-xã hội đã đạt được và sự tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia. Theo báo cáo của Brand Finance, năm 2020, Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới, tăng hạng 9 bậc, lên thứ 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới. Điều đó thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, góp phần làm cho uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế, làm tăng sức mạnh mềm của Việt Nam.
Năm 2021, thương hiệu quốc gia của Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỷ USD, duy trì ở vị trí 33 thế giới trong khi dịch bệnh covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp.
Sự liên tục thăng hạng về thương hiệu quốc gia đã đóng góp đáng kể cho việc tăng sức mạnh mềm quốc gia. Năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng sức mạnh mềm toàn cầu. Vị trí của Việt Nam được cải thiện, tăng 2,5 điểm, từ 50/60 lên thứ 47/105 quốc gia được xếp hạng.
Chương trình Thương hiệu quốc gia giai đoạn 2020-2030 đặt mục tiêu 1.000 sản phẩm trở thành thương hiệu quốc gia; mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. Với những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất nhập khẩu, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, tin tưởng rằng thương hiệu Việt sẽ ngày càng tỏa sáng, góp phần đáng kể nâng cao sức mạnh mềm quốc gia./.
Thiên Hương (tổng hợp)
Tài liệu tham khảo
1. Ngọc Khang: “Thương hiệu Việt vang xa”, Tuổi trẻ online.
2. Chi Mai: “Thương hiệu Việt Nam - vị thế mới, giá trị mới”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
3. Việt Nga: “Thương hiệu quốc gia: Dấu ấn quyền lực mềm của Việt Nam”, https://congthuong.vn/
4. Phan Trang: “Việt Nam thăng hạng “quyền lực mềm” toàn cầu”, baochinhphu.vn
5. “Hội nghị thượng đỉnh 2021 về quyền lực mềm toàn cầu”, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thoi-su/hoi-nghi-thuong-dinh-2021-ve-quyen-luc-mem-toan-cau.html
6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển Thương hiệu quốc gia đến năm 2010.
7. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1320/QĐ-TTg ngày 08/10/2019 phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030.