Trước hết, gần như tất cả những vấn đề nóng bỏng nhất liên quan đến các lĩnh vực quản lý ngành của Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ GTVT đều được đưa lên bàn nghị sự để xem xét. Đó là các vấn đề về giá vật tư nông nghiệp tăng cao; về những khó khăn, ách tắc trong việc xuất khẩu hàng hóa nông sản; về những biến động của thị trường vốn, thị trường bất động sản; về việc giải ngân các gói chính sách tài khóa và tiền tệ cho việc phục hồi kinh tế; về vấn đề nợ xấu và quản lý công thanh toán quốc gia; về sự chậm trễ trong việc triển khai chủ trương thu phí tự động tại các trạm thu phí BOT; về việc giá vật tư, nguyên vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đường cao tốc; về giá sách giáo khoa bị tăng cao…
Có vẻ như những vấn đề đang được đặt ra là rất nhiều. Và có vẻ như các vị đại biểu đã bắt mạch rất chính xác gần như tất cả những vấn đề nóng bỏng đang được đặt ra cho cả 4 lĩnh vực quản lý ngành nói trên. Nhận biết vấn đề là rất quan trọng đối với mọi nền quản trị quốc gia. Có nhận biết vấn đề mới có thể có được những phản ứng chính sách cần thiết. Không nhận biết vấn đề rất giống với việc có bệnh mà không nhận biết là mình có bệnh. Những vấn đề được nhận biết qua phiên chất vấn này chắc chắn sẽ giành được sự quan tâm nhiều hơn của các cơ quan quản lý. Có những vấn đề có thể sẽ được xử lý thông qua việc nâng cao chất lượng quản lý, điều hành. Có những vấn đề sẽ phải được xử lý bằng việc sửa đổi hoặc ban hành chính sách và pháp luật. Đối với những vấn đề như vậy, một quy trình chính sách, quy trình lập pháp sẽ cần được thúc đẩy để tìm cách giải quyết. Cuối cùng thì mọi phản ứng chính sách liên quan đến việc chi tiêu ngân sách, mọi phản ứng chính sách liên quan đến việc lập pháp đều phải được Quốc hội thông qua.
Hai là công cụ bảo đảm trách nhiệm giải trình, phiên chất vấn đã giúp Chính phủ và các thành viên Chính phủ làm rõ rất nhiều vấn đề của đất nước. Cả 4 thành viên Chính phủ là bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn đều khá “thuộc bài”. Cả 4 thành viên Chính phủ đều nắm khá chắc lĩnh vực chuyên môn của mình và lý giải khá thuyết phục về những vấn đề đang được đặt ra cho ngành mình. Nhiều vấn đề có thể coi là rất “nhạy cảm” đều đã được chất vấn và nhờ đó đã được giải trình: ví dụ như vấn đề về thuế xăng dầu; về việc lấy SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước; vấn đề trạm thu phí trên tuyến đường Thăng Long - Nội Bài; vấn đề về vị trí đặt một số trạm thu phí BOT không thật hợp lý… Quả thực, có thể, không phải tất cả các vị ĐBQH, cũng như tất cả mọi cử tri đều đồng tình với những lý lẽ được đưa ra. Nhưng rõ ràng, mỗi phản ứng chính sách đều đã được cân nhắc, đều được triển khai nhằm giải quyết những vấn đề thực tế đang được đặt ra, chứ không hẳn là hoàn toàn tùy hứng.
Thứ ba, phiên chất vấn đã làm cho nhiều chính sách, nhiều quy định trở nên minh bạch hơn. Việc triển khai gói chính sách tài khóa - tiền tệ đang như thế nào; chủ trương quản lý trái phiếu doanh nghiệp, quản lý tín dụng bất động sản thực chất ra sao; việc điều chỉnh giá cho các dự án xây dựng đường cao tốc có được chấp nhận không, sẽ được triển khai như thế nào… đều đã được làm rõ. Điều này rất quan trọng không chỉ cho sự hiểu biết và giám sát của nhân dân, mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch và chiến lược kinh doanh của mình. Doanh nghiệp chủ động được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thì nền kinh tế cũng tăng trưởng dễ dàng hơn.
Thứ tư, phiên chất vấn cũng đưa ra những cảnh báo để các cơ quan quản lý cân nhắc kỹ hơn trong những phản ứng chính sách của mình. Đáng quan tâm nhất, là ý kiến chất vấn của một vị ĐBQH về cơ sở pháp lý của quyền xả trạm thu phí BOT, nếu sau tháng 7 nhà thầu chưa lắp đặt xong hệ thống và triển khai thu phí tự động 100%. Quả thật, hợp đồng BOT giữa nhà thầu và cơ quan nhà nước, trong trường hợp này là Bộ GTVT, ràng buộc cả hai bên như nhau. Quan tâm đến cơ sở pháp lý cho mọi phản ứng chính sách không chỉ là đòi hỏi của một nhà nước pháp quyền, mà còn là điều kiện quan trọng để bảo đảm một môi trường kinh doanh lành mạnh./.
TS Nguyễn Sĩ Dũng (theo SGGP)