Một thực trạng rất đáng lo ngại hiện nay, đó là số lượng nhân viên y tế nghỉ việc hiện đang tăng cao. Nhưng lưu ý, nghỉ việc đây là nghỉ việc ở các cơ sở y tế nhà nước để ra làm tư nhân hoặc ngoài nhà nước.
“Làn sóng” trên ngày càng gia tăng trong những năm gần đây và diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước.
Năm 2020-2021, riêng tại Bệnh viện Bạch Mai đã có trên 200 y bác sĩ nghỉ việc, chuyển việc, trong đó có những người có học hàm giáo sư, phó giáo sư hay học vị tiến sĩ.
Theo Sở Y tế TPHCM, năm 2020 có gần 600 nhân viên y tế tại các cơ sở công lập trực thuộc xin nghỉ việc; năm 2021 có gần 1.000 người; và những tháng đầu năm 2022, đã có hơn 400 người xin nghỉ việc.
Theo dự báo, số nhân viên y tế xin nghỉ việc vẫn chưa dừng lại.
Một trong những nguyên nhân được lý giải là do đại dịch COVID-19 nên áp lực đè nặng lên cán bộ y tế, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở khi rất nhiều nhân viên y tế tại TP.HCM đã phải đối diện với hội chứng “burned-out” - hội chứng suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc và bị căng thẳng (stress) sau dịch COVID-19.
Một nguyên nhân rất quan trọng khác, đó là chế độ chính sách đối với nhân viên y tế còn hạn chế; hay cơ chế vận hành của bệnh viện công còn nặng nề và tư duy trì trệ nên nhiều bác sĩ, nhân viên y tế không phát huy được năng lực, sở trường.
Còn nhớ, hình ảnh hàng chục cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã xuống đường, tập trung trước cổng Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam - đơn vị chủ quản của Bệnh viện Tuệ Tĩnh để đòi quyền lợi vì bị nợ lương.
Những “thiên thần” khoác trên mình chiếc áo blouse trắng đã phải xuống đường, căng băng rôn kêu cứu đầy xót xa: "Chúng tôi không muốn đi ăn xin từng tháng".
Thật là quá chua xót.
Vì áp lực, vì cơ chế, vì thu nhập thấp hay đại loại là quá “mệt mỏi”, nên các bác sĩ, nhân viên y tế đã rời bỏ các cơ sở y tế công lập, tìm nơi làm việc mới.
Thực trạng đó đã cho thấy đang có một sự dịch chuyển mạnh mẽ nguồn nhân lực y tế giữa khu vực công lập và khu vực tư nhân; hay nói một cách ví von là đang “chảy máu chất xám” từ bệnh viện công lập về các cơ sở y tế ngoài công lập, tư nhân.
Điều này rất đáng lo ngại vì đã tạo nên những “khoảng trống”, “đứt gãy” quá trình vận hành tại các cơ sở y tế công lập. Vì có một điều chắc chắn rằng, việc tuyển chọn, đào tạo được một bác sĩ giỏi là không hề đơn giản.
Khi đó, thiệt thòi lớn nhất vẫn là người dân.
Đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách vĩ mô cần sớm thay đổi tư duy trong quản lý, vận hành hệ thống y tế; cần có đủ cơ chế để tăng thu nhập cho nhân viên y tế, vậy mới ngăn được “làn sóng” “chảy máu chất xám” ở các cơ sở y tế công lập.
“Hãy cứu lấy blouse trắng” - lời khẩn cầu của các y bác sĩ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh khi xuống đường đòi quyền lợi vì bị nợ lương là sự cảnh tỉnh rất thực./.
Theo LĐO