Quan hệ nhà nước, thị trường và xã hội là mối quan tâm xuyên suốt chiều dài phát triển của các nền kinh tế thị trường trên thế giới. Chế định phù hợp và hiệu quả mối quan hệ nhà nước, thị trường và xã hội là chìa khóa của sự phát triển.
Trong quan hệ nhà nước, thị trường và xã hội, vấn đề là thị trường, nhà nước hay xã hội thực hiện là hợp lý, là hiệu quả trong tiến trình phát triển của nền sản xuất ở mỗi quốc gia, hay ở mỗi thời đoạn phát triển. Cốt lõi vấn đề là ở chỗ chế định mối quan hệ nhà nước, thị trường và xã hội để các thực thể không kìm chế, hạn chế nhau, mà để chúng có thể phát huy vai trò một cách hiệu quả nhất.
Mỗi thực thể đều có vị trí, vai trò, chức năng khác nhau trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, đồng thời vị trí, vai trò của các thực thể cũng có biến đổi cùng với sự biến đổi của mỗi thực thể trong các giai đoạn của kinh tế thị trường. Nhà nước, thị trường và xã hội nảy sinh và phát triển là kết quả phát triển tất yếu của sự phát triển xã hội loài người. Vấn đề không phải ở chỗ chúng tồn tại hay không mà là ở chỗ định hình thể chế phù hợp với mỗi giai đoạn trong tiến trình phát triển của kinh tế thị trường.
Quan hệ nhà nước, thị trường và xã hội là quan hệ tương tác hỗ trợ, ràng buộc và thúc đẩy nhau. Không thể phát triển nhanh, bền vững khi mỗi thực thể không thể phát huy năng lực trong thực hiện chức năng của mình. Một thể chế tạo ra hợp lực giữa các thực thể khi thể chế mở ra điều kiện cho việc tạo ra lợi ích và bảo đảm lợi ích cho các thực thể, tức là bảo đảm lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và xã hội/người dân.
Trong xử lý mối quan hệ này, nội dung quan trọng trước hết là xác định phù hợp chức năng, vai trò của mỗi thực thể trong nền kinh tế. Điều thứ hai là phải định hình được cơ chế tác động lẫn nhau trong tương tác hai chiều cũng như tương tác đa chiều, từ đó thể chế hóa các chức năng, nhiệm vụ và hình thành các thiết chế để điều phối.
2. Đối với Việt Nam, thực hiện đường lối đổi mới, vai trò các thực thể đã được xác định ngày càng phù hợp hơn:
Thứ nhất, về xác định vai trò nhà nước.
Tại Đại hội XII, trong quan niệm về chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế đã khẳng định rõ: “Vai trò của Nhà nước đã được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội”. “Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội”. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật.
Hiến pháp 2013 đã chế định cụ thể vai trò quản lý kinh tế của nhà nước: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước….. Hệ thống pháp luật dân sự, kinh tế được ban hành đồng bộ và ngày càng hoàn thiện. Việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vai trò nhiệm vụ nhà nước trong kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc khơi thông các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo sự công bằng, bình đẳng trong xã hội.
Hai là, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách bảo đảm môi trường vĩ mô cho tăng trưởng. Trong đó đáng chú ý là các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính đã thiết lập các chuẩn mực để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực tài chính, từ phân phối, động viên tài chính, đến kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính phát sinh trong nền kinh tế.
Ba là, đối với hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước cũng đã có nhiều quy định văn bản pháp luật, trong đó đáng chú ý là luật Doanh nghiệp nhà nước đã xác định rõ khuôn khổ hoạt động kinh tế của Nhà nước. Theo đó, hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước được chú ý nâng cao hiệu quả, các doanh nghiệp do Nhà nước thành lập và trực tiếp quản lý được đa dạng hóa chủ sở hữu thông qua cơ chế cổ phần hóa hoặc các cơ chế có liên quan và cũng vì vậy số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm đi trong những năm qua. Gắn liền với đó là khu vực kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được mở rộng dư địa và hoạt động, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.
Thứ hai, về vai trò thị trường.
“Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường”.
Thị trường cũng chính là cơ chế chủ yếu thực hiện phân phối các thành quả của tăng trưởng kinh tế, trong đó thu nhập của mỗi người được hình thành trên cơ sở và phù hợp với kết quả lao động cũng như mức đóng góp về các nguồn lực trong quá trình tạo ra của cải xã hội. Đây là những tiền đề quan trọng để mọi chủ thể xã hội phát huy năng lực và sức sáng tạo, làm giàu cho chính mình và làm giàu cho xã hội.
Đã khẳng định vai trò chủ yếu trong huy động phân bổ nguồn lực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng và thể chế hóa trong các quy định, các luật. Tạo dựng khung pháp lý cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội. Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về thị trường hàng hoá, dịch vụ đã và đang tạo điều kiện cho cơ chế thị trường vận hành có hiệu quả. Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho việc xây dựng và vận hành thị trường các yếu tố sản xuất quan trọng nhất bằng việc thông qua các luật.
Thứ ba, về vai trò xã hội.
Vai trò của Mặt trận và các tổ chức xã hội được chú ý, nhất là trong vai trò giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước . Đến Đại hội XI, Đảng ta chỉ rõ: “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”… “ Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và của mỗi người dân trong việc quản lý và tổ chức đời sống cộng đồng theo quy định của phát luật”. Vai trò của các tổ chức xã hội nói chung, ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn, không chỉ giám sát, kiểm tra, tham gia chế định chủ trương, chính sách, mà còn cả trong tổ chức đời sống cộng đồng.
Từ khi thực hiện đường lối đổi mới nhiều tổ chức ngoài nhà nước đã ra đời. Các tổ chức này đã tham gia cung cấp dịch vụ công, vận động và thực thi các chính sách của nhà nước, giám sát và phản biện xã hội….Trên thực tế vai trò của xã hội đã có biến đổi trong quan hệ với nhà nước. Và trong thời gian qua, Việt Nam đã có các chủ trương phát huy vai trò các tổ chức xã hội. Nghị quyết số 11-NQ/TW chỉ rõ cần thể chế hoá các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, quyền và nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Bảo đảm mọi người đều được bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội và điều kiện phát triển, được tham gia và hưởng lợi từ quá trình phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia vào các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, thúc đẩy các hình thức liên kết doanh nghiệp, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập, phát triển thị trường.
Nhà nước cũng đã ban hành các quy định về lập hội, về vai trò của các tổ chức chính trị xã hội. Tổ chức xã hội là tổ chức tự nguyện của nhân dân hoạt động theo nguyên tắc tự quản, là những bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị nước ta, được hình thành trên các nguyên tắc tự nguyện, tự quản của người lao động được tổ chức và hoạt động theo điều lệ hay theo các quy định của nhà nước, nhân danh tổ chức mình khi tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên.
Cơ chế xây dựng pháp luật ngày càng dân chủ, công khai, tạo cơ hội và thu hút sự tham gia thảo luận, đóng góp của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Các quyền con người, quyền công dân về kinh tế làm nền tảng cho chế độ kinh tế đã được quy định trong Hiến pháp, đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất và được cụ thể hóa trong nhiều đạo luật và văn bản dưới luật (còn tiếp)
VVH