Một là, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thị trường đang được xây dựng, phát triển hoàn thiện, ngày càng đóng vai trò quan trọng. Vai trò của thị trường gắn liền với sự hoàn thiện của nó. Chính vì vậy, nhà nước càng đặc biệt quan trọng. Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có những đặc thù riêng như sau:
- Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hình thành và phát triển trên cơ sở thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trên cơ sở xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, phi thị trường. Vì vậy, việc đổi mới vai trò, chức năng, phương thức quản lý kinh tế của Nhà nước là tiền đề, điều kiện cho sự hình thành, hoạt động, phát huy vai trò của thị trường nói riêng, sự ra đời, phát triển của nền kinh tế thị trường nói chung
- Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đồng thời với thực hiện vai trò, chức năng của Nhà nước như ở các nền kinh tế thị trường hiện đại khác, Nhà nước còn phải tạo ra những tiền đề, điều kiện và điều tiết hoạt động để nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bởi lẽ, nếu để phát triển một cách tự phát, nền kinh tế thị trường sẽ phát triển theo định hướng tư bản chủ nghĩa.
- Cùng với thúc đẩy và điều tiết, định hướng phát triển nền kinh tế, Nhà nước còn quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng xã hội cần được quan tâm, giúp đỡ… hướng sự phát triển nền kinh tế thị trường đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”
Với những đặc thù đó, xử lý mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường cần hết sức linh hoạt, năng động: 1- Trong khi thị trường còn chưa phát triển, Nhà nước trực tiếp can thiệp, tạo lập sự phát triển của thị trường thông qua các cơ chế chính sách và chủ động tạo “dư địa” cho thị trường phát huy tác dụng. Như vậy, cùng với quá trình xây dựng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước cũng cần điều chỉnh mức độ can thiệp cho phù hợp dựa trên cơ sở tiêu chí chung là hiệu quả của quá trình phát triển. 2- Xử lý quan hệ nhà nước và thị trường cần toàn diện và đồng bộ, gắn với thực trạng mỗi bước phát triển của lực lượng sản xuất xã hội và chú ý không chỉ trên phương diện sở hữu, nhằm khơi dậy, phát huy năng lực của các thành phần kinh tế, mà cần chú ý cả trong khâu phân phối, trao đổi và tiêu dùng. Trong trao đổi, giá cả phải trên cơ sở thị trường và trong phân phối phải bảo đảm nguyên tắc thị trường trong phân phối lần đầu và nhà nước can thiệp trong tái phân phối để bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, giảm thiểu phân hóa giàu nghèo. 3- Để xử lý tốt mối quan hệ này, cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Nhà nước, kể cả cấp Trung ương và địa phương. Sẽ không thể xử lý tốt mối quan hệ này nếu thiếu một chính phủ năng động, kiến tạo. Xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ chính là tạo ra thể chế quản trị hiệu quả, một chính phủ mạnh, một nền công vụ chuyên nghiệp, gọn nhẹ, minh bạch, vì dân. Đây chính là cơ sở để quản trị tốt nền kinh tế nói chung, xử lý tốt mối quan hệ nhà nước và thị trường nói riêng.
Hai là, quan hệ nhà nước và xã hội là vấn đề phức tạp không chỉ trên phương diện lý luận mà còn trên phương diện thực tiễn. Mối quan hệ này cũng như tương quan trên thực tế vai trò nhà nước và xã hội trong tiến trình phát triển có sự thay đổi, nên rất cần nghiên cứu tiếp cận. Ngay bản thân trong các xã hội phương Tây, nhận thức về vai trò nhà nước , thị trường, xã hội cũng có sự biến đổi. Có điều là vai trò xã hội ngày càng được thừa nhận.
Với sự phát triển mạnh của nền sản xuất xã hội, bản thân nhà nước không thể quan tâm hết các khía cạnh của đời sống xã hội, cũng như đến tất cả các đối tượng trong xã hội. Trong rất nhiều trường hợp nhà nước có ít thông tin hơn thị trường và xã hội, vì vậy dẫn đến không ít quyết sách không phù hợp. Nhất là tại các nước đang phát triển như Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu còn nghèo nàn và sự minh bạch hóa còn hạn chế. Hơn nữa trong quản lý nhà nước thường theo nhiệm kỳ bị sức ép đáng kể để có kết quả trong ngắn hạn và nhiều khi không đủ thời gian để theo đuổi một chính sách dài hơi bền vững, cũng như không thể theo dõi liên tục, thường xuyên về những vấn đề cụ thể.
Một hạn chế nữa là trong hệ thống quản lý nhà nước kể cả ở các nước phát triển thường thiếu công cụ đánh giá hiệu quả công việc dẫn đến không ít trường hợp việc thực hiện công việc mang nặng tính đối phó, không hiệu quả. Và nhu cầu tất yếu đặt ra bản thân các tổ chức xã hội phải tham gia gánh vác. Chính điều này thường đẩy đến các các thái cực trong quan hệ giữa nhà nước và xã hội. Nên rất cần có sự tương tác giữa xã hội với nhà nước. Trong quan hệ với nhà nước, các tổ chức xã hội thực hiện vai trò: tham gia vào quá trình hoạch định chủ trương, chính sách, là người thực hiện và giám sát quá trình thực hiện chính sách. Do vậy rất cần không gian và điều kiện cho các tổ chức xã hội phát huy vai trò của mình. Ở đây cũng đặt ra yêu cầu phải thể chế hóa vai trò của các tổ chức xã hội trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cho phù hợp.
Ba là, trong quan hệ với thị trường, xã hội với tư cách là các tổ chức xã hội tự nguyện của người dân, thực hiện bảo vệ quyền lợi của họ trước tác động của thị trường. Ở Việt Nam cơ chế thị trường đang trong quá trình xây dựng và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Gắn liền với đó là sự ngày càng phát triển và mở rộng dân chủ hóa đời sống xã hội. Trong quá trình này sự tương tác giữa xã hội và thị trường ngày càng lớn
Sự phát triển của thị trường đã thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức xã hội, tạo điều kiện cho nâng cao vai trò xã hội trong xây dựng và phát triển nền kinh tế. Xung quanh mối quan hệ này còn ít được đề cập trong các nghiên cứu ở Việt Nam.
Quan hệ thị trường với xã hội nảy sinh khi mà lợi ích xã hội bị sự phát triển tự do của thị trường lấn át. Trong nhiều trường hợp, nhà nước tham gia xử lý vấn đề, song không phải lúc nào và mọi vấn đề nhà nước có thể quan tâm, quán xuyến được hết. Và thông thường xã hội cảm nhận thấy trước hết sự tác động của sự phát triển lệch chuẩn của thị trường. Chẳng hạn vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm…
Quan hệ xã hội với thị trường, trước hết, chính là giải quyết mối quan hệ các tổ chức xã hội với doanh nghiệp nhằm tạo môi trường cho tăng trưởng bảo đảm lợi ích không chỉ của doanh nghiệp mà còn cho xã hội. Cơ chế chính là thông qua các phong trào, ý kiến của người dân, các tổ chức xã hội, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh hành vi cả trong sản xuất, trao đổi, phân phối và tiêu dùng; Thứ hai, gián tiếp thông qua tác động đến nhà nước để hình thành các quy định điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp cũng như thực hiện giám sát quá trình hoạt động, phản biện lại các chủ trương và chiến lược phát triển của các doanh nghiệp. Thứ ba, liên kết các mạng lưới xã hội, trao đổi thông tin, khai thác các nguồn lực thực hiện tự quản, hỗ trợ các nghiệp đoàn, bảo vệ các nhóm yếu thế…; Thứ tư, xây dựng các doanh nghiệp xã hội, thực hiện cung cấp các dịch vụ xã hội phi lợi nhuận, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; Thứ năm, thực hiện vai trò hỗ trợ nhà nước và hỗ trợ thị trường trong xử lý quan hệ tương tác giữa nhà nước và thị trường (chẳng hạn nắm thông tin thị trường, phản ánh cho nhà nước xử lý, hoặc hỗ trợ nhà nước, điều chỉnh thị trường)
Bốn là, đẩy mạnh quá trình thể chế hóa vai trò nhà nước, thị trường và xã hội , đồng thời hình thành cơ chế tương tác hiệu quả giữa các thực thể này
Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động kinh doanh tuân theo các quy luật cung cầu, giá trị….nên không tránh khỏi những khiếm khuyết rất cần bàn tay nhà nước cũng như các tổ chức xã hội. Cùng với nhà nước, xã hội có vai trò và năng lực đảm đương vai trò đó. Song xã hội cũng cần phải được định hướng theo nguyên lý phục tùng lợi ích chung của toàn xã hội
Cần thể chế hóa, tạo dư địa cho các tổ chức xã hội phát huy mạnh mẽ năng lực của mình trong quan hệ với nhà nước và thị trường. Tất nhiên không nên nhà nước hóa tất cả các tổ chức xã hội, như vậy vừa tạo gánh nặng cho ngân sách và cũng không phát huy được tính năng động sáng tạo của các tổ chức này. Bản chất của nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân hoàn toàn phù hợp với mục tiêu hoạt động của các tổ chức xã hội. Do vậy cần có cơ chế cho việc tạo lập và hình thành các tổ chức xã hội với mục tiêu vì lợi ích cộng đồng; và cũng cần có quy định chế tài để loại bỏ các hoạt động lợi dụng dân chủ, đối lập với lơi ích của người dân, cũng có nghĩa đối lập với bản chất nhà nước ta.
Chú ý hoàn thiện thể chế để nhà nước, xã hội và thị trường có thể phát huy năng lực ngay trong quá trình tổ chức hoạt động sản xuất. Cụ thể, cần tập trung, tiếp tục hoàn thiện thể chế về huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; thể chế cho cải thiện môi trường đầu tư; thể chế cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, cần hoàn thiện thể chế trong quá trình trao đổi, phân phối vừa bảo đảm tính ngang giá, vừa tạo động lực và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh.
Hình thành cơ chế tương tác hiệu quả giữa nhà nước, thị trường (doanh nghiệp) và xã hội. Cơ chế này phải dựa trên nguyên tắc phục tùng lợi ích phát triển chung của toàn xã hội. Nhà nước chỉ can thiệp trong các trường hợp thị trường thất bại. Như vậy đặt ra yêu cầu là rà soát các quy chế, quy định trong lĩnh vực điều hành của nhà nước, tháo gỡ các can thiệp không cần thiết, làm sai lệch hoặc méo mó thị trường, và đương nhiên bổ sung các quy định, để có can thiệp phù hợp kịp thời, tránh bỏ qua các cơ hội, hoặc không bao quát hết vai trò của nhà nước. Trong cơ chế này, nhà nước, xã hội và doanh nghiệp hoàn toàn bình đẳng trong nhà nước pháp quyền với tư cách là các chủ thể trên thị trường.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là phương thức lãnh đạo phát triển kinh tế, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, tinh giản và nâng cao chất lượng, hiệu quả bộ máy, biên chế trong cơ quan nhà nước, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị./.
VVH