Hình ảnh tại Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam (TP.Châu Đốc, An Giang) hôm mùng 4 Tết . Ảnh LĐO
Không thể tìm ra một chỗ trống trong một khung hình được ghi nhận Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam (TP.Châu Đốc, An Giang) hôm mùng 4 Tết. Lượng người đến đây còn được mô tả là “đông đến mức không thể nhích chân”.
Bãi biển Vũng Tàu đông nghẹt người và rất nhiều trong số đó không hề có khẩu trang. Ở Sapa- Lào Cai, du khách chen chân bất chấp giá lạnh.
Và còn nhiều nơi khác nữa…
Những hình ảnh ấy cho thấy hoạt động du lịch đã dần có sức sống, dù mới chỉ là du lịch nội địa. Nó cũng cho thấy người dân đã bắt đầu với một “bình thường mới” bằng những hoạt động xã hội như những ngày xuân trước khi có dịch bệnh COVID-19.
Chúng ta tự tin hơn với chiến dịch tiêm chủng, với độ phủ mũi 2 Top đầu thế giới và cũng đang chiến dịch với mũi tiêm thứ ba.
Mừng đấy, nhưng cũng đáng lo.
Nhưng cũng đừng quên rằng, ngày 4.2, vẫn còn có tới 11.586 ca mắc mới, (tăng 3.011 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 7.062 ca trong cộng đồng.
Đừng quên rằng nhiều địa phương số ca F0 vẫn tăng. Thậm chí có nơi tăng tới gần 500 ca mỗi ngày.
Và cũng đừng quên biến thể Omicron đã xuất hiện và ghi nhận gần 200 ca tại Việt Nam.
Trước Tết Nguyên đán, Bộ Y tế đưa ra cảnh báo: Việc cả nước đang dần mở cửa lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến thể Omicron.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho rằng nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn.
Đó là những điều không ai muốn lặp lại. “Thích ứng an toàn, linh hoạt” theo tinh thần Nghị quyết 128 không có nghĩa là thoải mái tập trung đông người, thoải mái bỏ qua các quy định phòng chống dịch.
Lúc này, ý thức của người dân là đặc biệt quan trọng: Tự bảo vệ sức khoẻ cho mình có nghĩa là bảo vệ sức khoẻ cho gia đình và xã hội. Lơ là, chủ quan với dịch bệnh sẽ phải trả cái giá rất đắt.
Tỉnh Bắc Ninh vừa quyết định đóng cửa và tạm dừng đón tiếp khách tại đền Trình và Đền Bà chúa Kho từ hôm 5.2 khi có tình trạng người chen chúc nhau thắp nhang, dâng lễ để "vay vốn" làm ăn hoặc xin "lộc rơi, lộc vãi" mong cho cả năm được may mắn, dẫn tới không đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Tại Hà Nội, lễ hội Gò Đống Đa- một trong những lễ hội lớn đầu xuân- năm nay cũng chỉ có phần lễ. Trước đó, Hà Nội cũng ra văn bản tạm ngừng các lễ hội đầu xuân.
An toàn trước dịch bệnh không thể chỉ trông vào những lời cầu, những lời khấn mong một năm yên bình mà cần hành động và thực hiện.
Tuần tới, học sinh, sinh viên hầu hết các địa phương đi học trở lại, cửa du lịch sẽ mở rộng hơn cho khách nước ngoài. Điều cần lúc này là một cuộc sống an toàn bền vững chứ không phải “mở toang” với tâm lý “xả hơi” vài ngày với nguy cơ” vỡ trận” vì COVID-19 còn lơ lửng trên đầu./.
LĐO