Công nghệ là cầu nối
Doanh nghiệp (DN) vốn còn non trẻ này với “đại bản doanh” ở tỉnh Trà Vinh hiện đang XK nước uống mật hoa dừa và mật hoa dừa cô đặc vào thị trường Nhật Bản và nhận được sự phản hồi tích cực từ người tiêu dùng Nhật.
Để tài nguyên bản địa rộng đường xuất khẩu đòi hỏi các doanh nông trẻ phải hiểu rõ thị trường, có sự sáng tạo, đưa công nghệ vào chế biến nhằm tạo nên những sản phẩm mới “bắt khớp” với người tiêu dùng quốc tế. |
Anh Phạm Đình Ngãi - một doanh nông trẻ, Giám đốc Sokfarm, cho biết hiện nay công ty có hơn 70 hộ nông dân tham gia trong mô hình liên kết, với 20 ha dừa đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA (Chương trình hữu cơ quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ), mức thu nhập của nông dân là 15 – 25 triệu/tháng.
Là người luôn trăn trở làm sao để khai thác những giá trị mang tính tài nguyên bản địa như mật hoa dừa - một trong những sản phẩm truyền thống từ lâu đời của đồng bào Khmer ở Trà Vinh (tỉnh có diện tích dừa lớn thứ 2 của Việt Nam nhưng chưa có chỗ đứng trên thị trường cũng như chưa có nhà máy chế biến dừa), từ một giảng viên của một trường cao đẳng ở Tp.HCM, anh Ngãi lặn lội sang Philippines, Thái Lan để học kỹ thuật trồng dừa, đặc biệt là công đoạn “mát xa” bông và thu mật.
Và anh đã đúng khi không chỉ khai thác mật hoa dừa một cách hiệu quả mà còn đưa được công nghệ chế biến vào nhằm nâng cao giá trị của tài nguyên bản địa như mật hoa dừa.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Khởi nghiệp Xanh hành trình kiến tạo những doanh nông trẻ” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thuộc Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ở Tp.HCM mới đây, anh Ngãi nhấn mạnh công nghệ chính là cầu nối để đưa sản phẩm tài nguyên bản địa đến tay người tiêu dùng trong nước và hướng đến XK.
Hơn thế nữa, để khai thác hiệu quả những giá trị từ tài nguyên bản địa thì phải cho những người tham gia trong chuỗi giá trị những lợi ích lớn, từ đó tạo sự gắn kết chặt chẽ.
Vị doanh nông trẻ này cũng có suy nghĩ rằng nếu muốn bán được sản phẩm chế biến từ tài nguyên bản địa thì ít nhất phải đem được hàng ra chợ, và việc có chứng nhận giúp cho sản phẩm, thương hiệu có chất lượng hơn, kiểm soát dễ dàng hơn.
“Như chúng tôi khi mới làm xong chứng nhận hữu cơ thì đã có “chợ mới” để thâm nhập vào. Bên cạnh đó, cũng cần thêm tư duy về “rổ sản phẩm”, mỗi sản phẩm có một nhóm khách hàng, mục tiêu khác nhau”, anh Ngãi chia sẻ.
Hiểu rõ thị trường là yếu tố “sống còn”
Cần nhắc thêm, trước khi đầu tư vào lĩnh vực này thì công ty của anh Ngãi đã nghiên cứu và biết thế giới đánh giá ngành mật hoa dừa là ngành có nhu cầu tiêu dùng bền vững. Nhất là người tiêu dùng quốc tế càng ngày càng tìm kiếm chất ngọt giống như mật hoa dừa ngọt tự nhiên để thay chế độ đường tinh luyện. Và nhờ đi đúng xu hướng tiêu dùng của thế giới nên tăng trưởng của công ty hiện đang rất cao.
Cũng là một doanh nông trẻ tâm huyết với việc đưa tài nguyên bản địa vươn xa trên thị trường XK, chị Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (Tp.HCM), cho biết những chuyến đi Thái Lan tham gia các hội chợ quốc tế về ngành nông sản thực phẩm thì thấy gần như các nơi trên thế giới đổ về Thái Lan tìm nguồn hàng, trong khi họ cũng không có nhiều trái cây, nông sản như Việt Nam. Và có đi như vậy mới thấy phải cần tìm hiểu, khám phá những gì mà mình còn thiếu sót, bổ sung cho mô hình sản xuất kinh doanh sản phẩm chế biến từ tài nguyên bản địa.
Đơn cử như tài nguyên bản địa là rau má được người Việt sử dụng từ xa xưa nhưng chỉ dừng lại ở các mức thông thường như món rau, nước ép… Còn với chị Ngọc Hương, để đưa rau má vươn xa thì biết cách trồng rau má theo công nghệ sạch, rồi sử dụng công nghệ sấy lạnh và nghiền nhiệt thấp để có được sản phẩm bột rau má, qua đó đảm bảo giữ lại dưỡng chất tốt nhất gần như sản phẩm tươi, rồi đóng gói tiện lợi nên được nhiều người ưa thích.
Một số loại rau khác cũng có cách làm tương tự như vậy. Chính vì thế mà công ty của chị Hương đã đưa những sản phẩm chế biến từ rau như bột rau má, diếp cá, tía tô… XK được sang các quốc gia châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vinamit, để các doanh nông trẻ có thể gặt hái được thành công khi khai thác giá trị từ tài nguyên bản địa là cả thách thức lớn. Tuy nhiên, cần khẳng định đây là những sản phẩm có giá trị, với quốc gia có nhiều tài nguyên bản địa như Việt Nam thì vẫn còn nhiều cơ hội cho các doanh nông trẻ đang làm và sắp làm.
Và điều quan trọng để các doanh nông trẻ có thể đưa những sản phẩm chế biến từ tài nguyên bản địa không chỉ tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước mà còn vươn xa trên thị trường XK, đòi hỏi cần có sự sáng tạo nên những sản phẩm mới mang tính đặc trưng, đậm bản sắc của địa phương và cải tiến chất lượng để rộng đường XK.
Nhất là cần liên tục đổi mới sản phẩm từ nguồn tài nguyên bản địa để phù hợp thị trường. Các doanh nông trẻ cũng cần hiểu rõ thị trường XK - được xem là một yếu tố “sống còn” để đáp ứng, vạch ra kế hoạch từng bước cụ thể, ổn định vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, nhãn mác, tính toán về cách bảo quản, cải tiến những sản phẩm tiện ích hơn…