Mọi năm, ở thời điểm cận Tết Nguyên đán, thị trường lao động và tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) khá sôi động. Đơn hàng nhiều, người lao động (NLĐ) mải miết tăng ca mới đáp ứng được tiến độ sản xuất của DN. Nhưng năm nay hoàn toàn khác, hầu hết các DN gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng dẫn đến việc phải bố trí lại sản xuất. Nhiều DN từ mấy tháng nay đã phải sắp xếp cho NLĐ nghỉ việc luân phiên, giãn việc; đồng thời, không tuyển thêm lao động mới, cố gắng duy trì tối thiểu các chế độ, chính sách hiện hành.
Sự khó khăn của DN có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do tác động của tình hình thế giới khiến đơn hàng xuất khẩu sụt giảm; nguồn nguyên, nhiên liệu không ổn định ảnh hưởng đến quy trình sản xuất; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vẫn tác động lớn đến “sức khỏe” DN… Chính vì vậy, dù đã rất cố gắng nhưng việc duy trì việc làm cho NLĐ trong giai đoạn này là một thách thức không nhỏ đối với DN. Giải pháp được phần lớn DN thực hiện thời gian này là cố gắng giữ việc làm cho NLĐ, đảm bảo tiền lương cơ bản đồng thời tăng cường các giải pháp tìm kiếm đơn hàng. Trước mắt, DN cùng Công đoàn cơ sở tích cực tuyên truyền, động viên NLĐ cùng sẻ chia khó khăn, tiếp tục đồng hành, gắn bó với DN.
Theo kế hoạch, Tết Nguyên đán năm nay DN sẽ cho NLĐ nghỉ dài ngày hơn những năm trước nhằm đáp ứng nhu cầu của NLĐ sau 2 năm dịch bệnh Covid-19 không được về quê đón Tết cùng gia đình, vừa phù hợp với tình hình sản xuất thực tế thiếu đơn hàng. Trung bình các DN sẽ cho NLĐ nghỉ Tết từ 10-15 ngày. Trong thời gian này, NLĐ vẫn được hưởng các chế độ, chính sách cơ bản để yên tâm quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ kéo dài. Việc duy trì các chế độ phúc lợi dịp Tết cũng được các DN tính toán với mục tiêu cố gắng không để NLĐ thiệt thòi, đảm bảo bằng những năm trước.
Có thể nói, việc cho NLĐ nghỉ Tết dài ngày là một phương án phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề NLĐ quan tâm hiện nay chính là thu nhập những tháng cận kề Tết Nguyên đán và việc làm sau Tết liệu có được đảm bảo? Bởi sau đại dịch Covid-19, đời sống của NLĐ đã bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2022, tưởng rằng tình hình việc làm, thu nhập sẽ có nhiều khả quan, nhưng việc DN lâm vào hoàn cảnh khó khăn do thiếu đơn hàng một lần nữa khiến thu nhập của NLĐ sụt giảm. NLĐ đã phải chi tiêu tằn tiện với hy vọng thu nhập tháng cuối năm sẽ khá hơn để Tết này có một khoản đủ để trang trải vé tàu xe, quà cáp về thăm quê. NLĐ rất chia sẻ với khó khăn của DN, nhưng cũng mong muốn DN giữ đúng cam kết để yên tâm nghỉ việc dài ngày về quê đón Tết.
Đảm bảo lợi ích hài hòa giữa DN và NLĐ đòi hỏi phải có sự đồng hành, chia sẻ từ cả hai phía mới giữ được sự ổn định trong quan hệ lao động ở thời điểm khó khăn này.